Tơ lụa Bảo Lộc và thổ cẩm Zèng xuất hiện tại đại hội đồng sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO
(Dân trí) - Ông Francis Gurry, Chủ tịch Đại hội đồng sở hữu trí tuệ thế giới chúc cho triển lãm thành công tốt đẹp. Ông cũng cho rằng, tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam đã được nhà thiết kế Minh Hạnh đương đại hóa một cách sống động.
Với mong muốn được kể câu chuyện thời trang Việt Nam bằng những chất liệu truyền thống như tơ lụa và thổ cẩm, ngày 30 tháng 9, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng nghệ nhân dệt Zèng người Tà Ôi, Alưới, Thừa Thiên - Huế và 2 nghệ nhân dệt lụa của Vietnam silk house Bảo Lộc, Lâm Đồng đã có cuộc triển lãm và biểu diễn tại tổ chức WIPO - Đại hội đồng sở hữu trí tuệ thế giới tại Geneva Thụy Sỹ.
Hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm được phát triển tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, thủ phủ tơ lụa Việt Nam với hơn 7.300 hecta dâu, 8.900 tấn kén, 1.200 tấn tơ/năm.
53 dân tộc sinh sống rải rác khắp đất nước, việc dệt vải, dệt trang phục cho mình với các hoa văn trên vải gắn liền với triết lý cộng đồng là bảo vệ sự sinh tồn và giá trị kết nối cộng đồng.
Ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ phát biểu.
Thông điệp của Đại hội đồng sở hữu trí tuệ năm nay: Sự khác biệt của truyền thống là những giá trị để phát triển và chúng ta có trách nhiệm phải làm tươi mới những giá trị này. Đương đại hóa truyền thống chính là bảo tồn và phát triển truyền thống.
NTK Minh Hạnh cùng nghệ nhân dệt Zèng người Tà Ôi, Alưới, Thừa Thiên - Huế và 2 nghệ nhân dệt lụa của Vietnam silk house Bảo Lộc, Lâm Đồng được mời tham dự triển lãm.
Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng: "Truyền thống, nếu không được sáng tạo và không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không thể phát triển được".
Nghệ nhân Huỳnh Tấn Phước, Chủ tịch Vietnam Silk house cho rằng: sự xuất hiện của tơ, lụa Bảo Lộc tại Đại hội đồng sở hữu trí tuệ thế giới, WIPO, là sự khẳng định chất lượng Tơ lụa Việt Nam tại Bảo Lộc.
Nghệ nhân Hồ Thị Hợp: "Tôi rất vinh dự khi thổ cẩm Zèng của người Tà Ôi xuất hiện tại đây. Đó là động lực để chúng tôi phát triển nghề dệt Zèng".
Triển lãm có sự tham dự của hơn 190 Đại sứ đến từ các quốc gia.
Ông Francis Gurry, Chủ tịch Đại hội đồng sở hữu trí tuệ thế giới chúc cho triển lãm thành công tốt đẹp. Ông cũng cho rằng, tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam đã được nhà thiết kế Minh Hạnh đương đại hóa một cách sống động.
Sở hữu trí tuệ là vấn đề quan trọng và cần thiết cho sự phát triển, những chất liệu truyền thống được sáng tạo để trở thành những sản phẩm sản phẩm tiêu dùng mang tính ứng dụng cao mà vẫn song hành với trào lưu thế giới là một xu thế tất yếu để phát triển.
Xuất hiện tại Đại hội đồng sở hữu trí tuệ - WIPO 2019, Tơ Lụa Bảo Lộc đã chứng minh được nguồn gốc và chất lượng của mình.
Thổ cẩm dệt Zèng của người Tà Ôi, A Lưới Huế, chứng minh được sự độc đáo, nguồn gốc và khả năng phát triển trong tương lai.
Dàn mẫu Việt Nam trình diễn tại sự kiện.
Người mẫu Hồng Quế...
Người mẫu Thuỷ Tiên...
Kim Dung Next Top...
Các người mẫu Việt trình diễn tự tin trong sự kiện quốc tế.
PV