Tivi còn gì ngoài hài nhảm, nhạc nhạt nhẽo?
Đang có làn sóng các kênh truyềnhình mang đậm chất văn hóa tràn vào Việt Nam, bất chấp “trận địa” hàinhảm, nhạc nhạt nhẽo tràn ngập.
Trên truyền hình, chỉ tính trên kênh VTV3, VTV6, VTV9 của Đài Truyền hình Việt Nam; kênh HTV7 và HTV9 của Đài Truyền hình TP.HCM và kênh THVL1 của Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL) thì hiện có hơn 70 chương trình giải trí đang phát sóng. Khung giờ của 70 chương trình này cũng là khung giờ dành cho các chương trình truyền hình thực tế, thi hát, ca nhạc, hài, game show; hết chương trình này sẽ có chương trình khác thay thế. Thế nên trong thời gian qua, khi kênh HTV3 quyết đầu tư vào giáo dục giải trí, kênh History của truyền hình Mỹ đặt chân vào Việt Nam, thật sự nhiều người sẽ đặt câu hỏi “ai xem những kênh này?”.
Trả tiền xem lịch sử, khoa học
Trong tuần qua, kênh truyền hình History gồm các sêri về các nhân vật thực tế, lịch sử tự nhiên, lịch sử đương đại, khoa học và công nghệ, khảo cổ học và văn hóa đại chúng… chính thức gia nhập thị trường truyền hình Việt Nam. Có thể nói đây là dịp để khán giả có cơ hội xem những chương trình làm mưa làm gió tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới chứ không chỉ tại Mỹ như Kings of Restoration, Pawn Stars, The Pickers, Ancient Aliens, Counting Cars, Vikings, Photo Face-Off, Ride N’ Seek… Thế nhưng một thực tế đặt ra là khán giả Việt chẳng mấy ai xem các chương trình này bởi rating cao của tất cả kênh truyền hình đều thuộc về các chương trình giải trí hài, ca nhạc, dù chính khán giả vẫn luôn “rủa xả” rằng đó là hài nhảm.
“Bất chấp” rating, khi quyết định hợp tác cùng A+E Networks, MobiTV, Truyền hình cáp Việt Nam để đưa History đến khán giả Việt, bà Sophie Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giải trí Thảo Lê, chỉ mong muốn: “Tri thức là sức mạnh và thông qua việc hợp tác với thương hiệu giải trí hàng đầu thế giới này, chúng tôi muốn góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của khán giả bằng những câu chuyện mang đậm dấu ấn lịch sử, cũng như những câu chuyện truyền cảm hứng cho chúng ta ở hiện tại để hướng tới tương lai”.
Riêng về vấn đề rating, bà Phương Thảo khẳng định: “History là kênh truyền hình trả tiền nên những khán giả khi chọn trả tiền để xem kênh này thì không đơn thuần chỉ là khán giả game show thông thường. Và đối tượng khán giả của History là doanh nhân, nam giới, các bạn trẻ ít nhất cũng từ 22 tuổi trở lên, có sở thích khám phá, hướng ngoại… Thế nên kinh doanh History không bị áp lực rating như các công ty sản xuất chương trình trong nước”.
Ai xem thiếu nhi diễn violin, piano?
Áp lực rating đúng là không đổ lên đầu những kênh như History, bởi khi khán giả chọn mua dịch vụ của kênh đó thì xem hay không khán giả cũng đã trả tiền và phía Việt Nam chỉ phụ trách chuyển ngữ nội dung sẵn có. Ngược lại, với các chương trình do Việt Nam sản xuất thì dù phát trên kênh trả tiền, áp lực rating cũng rất lớn bởi nếu không có người xem thì chẳng ai tài trợ để sản xuất chương trình. Thế nên việc sử dụng chiêu trò cho các chương trình trong nước sản xuất phải luôn có. Ca sĩ-nhạc sĩ Thanh Bùi, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Truyền thông Purpose Media, đơn vị hợp tác với HTV để phát triển nội dung cho kênh HTV3-DreamTV, cũng đứng trước áp lực rating khi thực hiện các chương trình mới cho kênh này với đối tượng khán giả là thiếu nhi và thiếu niên.
Chương trình đang gây tiếng vang đầu tiên của HTV3-DreamTV chính là Thần đồng âm nhạc - Wonderkids. Đây là sân chơi sạch sẽ bởi các tài năng tham gia chương trình thuộc lĩnh vực âm nhạc cổ điển và mục tiêu đưa âm nhạc cổ điển đến gần công chúng hơn. Nhiều người cũng bảo Thanh Bùi lắm tiền nên viển vông khi thực tế giải trí trên truyền hình Việt giờ phải lắm chiêu mới nhiều người xem. Nhạc sĩ Thanh Bùi khẳng định: “Tôi nghĩ “chiêu trò” lớn nhất ở chương trình này chính là tài năng của các em. Thị hiếu khán giả giờ dù là bolero, pop… đi nữa thì nền tảng vẫn phải là âm nhạc cổ điển. Trước khi muốn đưa các nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam, trước khi muốn tiếp cận với thế giới, chúng ta nên nhìn lại mình xem mình có đủ tư duy và đủ hiểu về nghệ thuật để sánh với người ta hay không. Chỉ khi người Việt Nam mình tự nhận ra mình đang thiếu cốt lõi, nền tảng và những cái rất cơ bản thì mình mới hiểu các thế hệ trẻ hiện nay cần được giáo dục đúng đắn hơn về âm nhạc nghệ thuật để mình có thể tiếp cận thế giới và đưa ra những sản phẩm đại diện được cho nền văn hóa của mình. Nên biết là toàn bộ thể loại âm nhạc chúng ta có ngày hôm nay đều có gốc rễ từ nhạc cổ điển. Dù bạn chơi nhạc pop hay rock hay jazz, bạn cũng cần có nền tảng vững chắc, nghĩa là cần học hành bài bản, bắt đầu từ nhạc cổ điển, có như vậy bạn mới bay cao và bay xa”.
Dù khán giả là người mơ mộng hay thực tế thì truyền hình như History, DreamTV… cũng đem lại thêm cho khán giả những món ăn mới để khi quá ngán hài nhảm, nhạc nhạt nhẽo như ngán ngẩm kẹt xe trên phố, khán giả có thể chọn cho mình một không gian khác với món ăn nhâm nhi thú vị hơn.
Thu hút nghệ sĩ quốc tế cho chương trình
Wonderkids hiện là một trong những chương trình âm nhạc trên truyền hình hiếm hoi do Việt Nam sản xuất thu hút được nhiều nghệ sĩ quốc tế tham gia.
Bên cạnh những nghệ sĩ trong nước truyền cảm hứng cho thí sinh như nhạc sĩ Trần Tiến, các ca sĩ Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Tuyết Minh, Hiền Thục, Uyên Linh, Vũ Cát Tường… thì Wonderkids cũng đã đón các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới như Adam Gyorgy, Vanessa Võ…
Theo Trang Dương
Pháp luật TPHCM