“Tình thơ cho Người” khi “lòng em hanh hao nhớ”

(Dân trí) - “Những câu chuyện về cảm xúc thương nhớ của một con người, những câu chuyện về những mùa đi qua thành phố, những câu chuyện về nỗi niềm riêng đâu đó… được kể ở đây trên những trang viết này”.

Đó là những dòng đề tựa mà nhà thơ Phong Việt gửi gắm sau khi đọc cuốn “Tình thơ cho Người”.

“Tình thơ cho Người” là tập thơ ảnh của hai tác giả Trương Thị Thùy Giang (tác giả thơ) và Nguyễn Tác Anh (tác giả ảnh). Thơ và ảnh xuyên suốt tác phẩm đầy ngẫu hứng. Cuốn sách như một thỏi chocolate đặc biệt dành tặng những tâm hồn biết yêu, những trái tim đang hanh hao nhớ.

Một điều đặc biệt là tác giả Thùy Giang và Tác Anh chỉ là hai người xa lạ quen nhau vô tình trên mạng internet nhưng những bức ảnh của Tác Anh đã chạm tới dòng cảm xúc của Thùy Giang. Dịp ra mắt sách cũng là lần đầu tiên mà hai tác giả có cơ hội gặp gỡ trực tiếp.

“Tình thơ cho Người” khi “lòng em hanh hao nhớ”

“Đôi khi chỉ một bức ảnh mà anh Tác Anh đăng trên trang Facebook cá nhân cũng khơi gợi nguồn cảm hứng để Thùy Giang bình luận bằng thơ. Và những vần thơ ra đời một cách tự nhiên như thế”, Thùy Giang chia sẻ trong buổi ra mắt tập thơ ảnh.

Ngay từ bìa sách, độc giả sẽ bắt gặp hình ảnh dải lụa đào màu đỏ vắt ngang, nó như tiếng tơ lòng của người con gái, là nỗi niềm của người con gái gửi cho người mình yêu mến. 

Tác giả ảnh Tác Anh (áo xanh) và tác giả Thùy Giang (bên cạnh)
Tác giả ảnh Tác Anh (áo xanh) và tác giả Thùy Giang (bên cạnh)
 trong ngày ra mắt sách.

Với “Tình thơ cho Người”, Thùy Giang muốn giữ lại cho riêng mình những bồi hồi, run rẩy, yêu thương, hờn giận, vụng dại, nhung nhớ,… Dành cho Người - Người đã từng đi qua cuộc đời, Người có thể sẽ tới và ở lại để cùng “Ngồi bên nhau - cuối chiều - chỉ vậy thôi”. Những bức ảnh tuyệt đẹp về con người, thiên nhiên, cỏ, cây, hoa lá nơi xứ sở mặt trời mọc của Tác Anh như chất men say cho những vần thơ của Thùy Giang thêm trữ tình, sâu lắng.

“Chúng ta có khi ở chung một thành phố, có khi cùng ngồi cạnh nhau mà không cùng nhịp thở… Có khi xa nhau lại như cùng một nhịp đập trái tim. Em vẫn gọi những đến và đi của chúng ta là duyên nợ” - Thùy Giang viết trong lời ngỏ.

“Khó lòng họa được chân dung người đàn bà trong thơ Giang. Thi tứ cứ sấp sấp ngửa ngửa đuổi theo những nhớ mong vời vợi hay buồn thương thắt quặn, núi cao vực sâu chen nhau xuống lên như hạnh phúc và khổ đau đan lẫn, khiến người đàn bà vừa trong trẻo như thiếu nữ lần đầu tương tư, thoáng chốc đã lại mang dáng dấp kẻ thất tình đang tự dỗ, vỡ òa trong mênh mang quá khứ, lòng nhủ rằng buông mà lại khao khát yêu và yêu lại từ đầu…”, nhà thơ Quỳnh Hương (Thụy Thảo) nhận xét về “Tình thơ cho Người”.

Một trong số những bức ảnh của tác giả Tác Anh đã trở thành 
Một trong số những bức ảnh của tác giả Tác Anh đã trở thành 
nguồn cảm hứng cho ngòi bút Thùy Giang.

“Em hỏi trời đầy gió/Có bao giờ hết giông?/Em hỏi tiếng tơ lòng/Có bao giờ thôi nhớ?” (Trích “Hỏi”), thơ Thùy Giang cũng là tiếng lòng của trái tim cô nhưng như thể nói hộ niềm riêng của biết bao cô gái. Một cách dung dị, tứ thơ, ý thơ khơi gợi sự đồng cảm trong tâm hồn người đọc.

Phải chăng vì sự chân thành đến khắc khoải ấy mà nhà thơ Lê Minh Quốc đã phải thốt lên rằng: “Những câu thơ của Thùy Giang không phải cậy nhờ từ sự vật, sự việc bề ngoài, chị đã khai thác ngay chính nhịp thở của trái tim trong từng khoảnh khắc. Từ đó, có thơ. Những câu thơ trải dài theo nhịp điệu của con chữ và níu lấy nhau đi vào trong tâm thức người đọc. Thật thà lắm. Đôn hậu lắm. Khắc khoải lắm. Mà cũng day dứt lắm. Đọc và sẽ khó quên.

(...) Nào có phải riêng gì tôi, chắc chắn rằng, sau khi đọc xong tập thơ của Thùy Giang, cả thảy đấng mày râu đều ngửa mặt lên trời, thốt một câu não nùng đến xé ruột: "Ước gì, ta cũng có một người tình như Thùy Giang. Cô ấy yêu thật lòng, chung thủy, bền bỉ và đằm thắm quá. Ước gì..." Mà làm sao có thể ước? Người này sinh ra dành cho người kia, câu thơ này dành cho người kia, thế nên, mọi đàn ông khác chỉ có thể đứng ở ngoài quan sát, thèm khát, chứ không thể trở thành "nhân vật chính". Khổ thân chưa?".

Trương Thị Thùy Giang sinh năm 1976, hiện đang là giảng viên tiếng Anh - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cơ bản - Học viện Ngân hàng – Phân viện Bắc Ninh. Cô có những sáng tác đầu tiên năm 10 tuổi, đã có nhiều thơ, truyện ngắn đăng trên báo, tạp chí như Áo trắng, Mực Tím, Hoa học trò, Thanh niên, Thế giới Phụ nữ,… Giải Ba thơ Tuổi xanh năm 1994, giải Nhất truyện ngắn Tạp chí Sinh viên (Hoa học trò) năm 1995. Tập truyện ngắn đầu tiên của cô mang tên: “Tầm xuân nở muộn” in năm 1998 - NXB Trẻ.

Nguyễn Tác Anh
 sinh năm 1974, tốt nghiệp khoa Cơ khí Chế tạo máy, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Từ năm 1998 đến nay là kỹ sư máy tự động chế tạo các cơ cấu miễn chấn cho cầu và đường cao tốc tại Nhật Bản.


Phương Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm