Tìm thấy ý tưởng kiến trúc từ... truyện Kiều

(Dân trí) - Trên thế giới, hiếm có tác phẩm văn học nào nhận được sự “sùng kính” của cả một dân tộc như Truyện Kiều. Đã có những cá nhân được vinh danh là nhà Kiều học, từng có ngành nghiên cứu mang tên Kiều học và những tổ chức xã hội mang tên Hội Kiều học.

Tìm hiểu kiến trúc qua Truyện Kiều



LTS: Đã có một nền văn học nghệ thuật độc đáo ra đời từ Truyện Kiều như vịnh Kiều, lẩy Kiều. Đã từng có cả một cuốn Từ điển Truyện Kiều và đặc biệt, Kiều còn được coi như một tác phẩm tâm linh có thể đoán định số phận con người qua việc bói Kiều.

Có thể nói bằng lịch sử 300 năm của mình, Truyện Kiều không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà đã trở thành một “công cụ” để phục vụ cuộc sống. Vì vậy, cuộc tranh luận để làm sáng tỏ Kiều - Nguyễn Du là công việc của quá khứ, hiện tại, tương lai và không có hồi kết.

Truyện Kiều đã, đang và sẽ tiếp tục là đề tài tranh luận, tốn nhiều giấy mực, công sức không chỉ của các bậc tao nhân mặc khách mà còn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Gần đây, các tác giả Phan Tứ Phùng, Hồ Ngọc Minh, Trần Đình Tuấn đã lập ra Tủ sách Trăm năm (lấy 2 chữ đầu trong câu mở đầu của Truyện Kiều - Trăm năm trong cõi người ta…) nhằm tuyển chọn và giới thiệu các bài viết, bài nghiên cứu đặc sắc về Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết Truyện Kiều với bản thân trong thiết kế của Cố KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn. Đây có thể coi là một trong những cái nhìn độc đáo, ứng dụng Truyện Kiều vào trong kiến trúc Việt Nam.
 
***

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm: “Giao lưu, trao đổi, tìm hiểu về Truyện Kiều, về Nguyễn Du là giao lưu, trao đổi, tìm hiểu về ngôn ngữ Việt, về văn hóa Việt, một nền văn hóa có truyền thống lâu đời và giàu bản sắc dân tộc. Đó là một hoạt động bổ ích và thiết thực, góp phần nâng cao dân trí trong một xã hội học tập.

Hoan nghênh ý tưởng tốt đẹp của việc thành lập Tủ sách Trăm năm, loại sách chuyên khảo về Truyện Kiều, về Nguyễn Du.

Hy vọng Tủ sách sẽ đóng góp thiết thực cho việc nâng cao hiểu biết của bạn đọc về Truyện Kiều, về Nguyễn Du, về ngôn ngữ, về văn hóa Việt”

Truyện Kiều với bản thân trong thiết kế

Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du không một người Việt Nam nào là không thuộc dăm ba câu ngâm nga trong mọi hoàn cảnh mà các nhà thiết kế chúng ta cũng nhiều khi tay vẽ miệng ngâm se sẽ mấy câu để hỗ trợ cho việc mình làm.

Riêng tôi, những câu thơ trong Truyện Kiều đã giúp tôi tìm ý trong một số công trình, mà sự việc này đến với tôi một cách thật là ngẫu nhiên.

Khi thiết kế Liên cơ quan (công trình cao 6 tầng ở phố Lê Đại Hành, thường gọi liên cơ quan Vân Hồ, xây dựng xong năm 1962), công trình ở trên một khoảng đất một phần là ao, như vậy đất không đồng đều, nhà phần 4 tầng, phần 6 tầng, vấn đề giải quyết móng là nan giải.

Cơ quan nằm cạnh công viên Thống Nhất và ý đồ thiết kế lúc đó là tạo nên cùng với Bộ Kiến trúc một tấm bình phong sau công viên. Tôi đi trên đường Nam Bộ nhìn qua Hồ Bảy Mẫu để thấy toàn bộ khối kiến trúc.

Đến cổng nhìn thấy cầu vượt làn nước, vắt mình sang hòn đảo tôi chợt nhớ đến "Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu" và ý thiết kế liên cơ quan thể hiện rõ ràng ra trước mắt tôi: làm hai cánh hai bên 4 tầng, và nhà giữa 7 tầng (6 tầng thường, 1 tầng của cầu thang lên mái).

Nối các tường của 3 nhà với nhau bằng các cầu, như vậy các móng nhà đều độc lập, không liên kết với nhau, không sợ sự lún của nhà này ảnh hưởng đến nhà khác. Ý đồ thiết kế được thực hiện và phương án được chấp nhận. Song cơ quan ngày nay khác hẳn mà đó lại là vấn đề khác... (Xem bài giới thiệu Liên cơ quan trong Nội san Kiến trúc của Đoàn Kiến trúc sư).
 
Thiết kế bể bơi, tôi có ý định tạo nên một khung cảnh vui tươi cho các bạn trẻ ưa môn thể thao thể dục này và tôi mường tượng đến cảnh tắm. Đột nhiên câu Thang lan rủ bức trướng huỳnh tắm hoa đến trong ký ức của tôi và kỳ diệu chữ thang đã khiến đầu bút chì của tôi vẽ cẩu thang từ phòng khởi động lên mặt bể bơi hình xoáy trôn ốc và kiến trúc trên bằng một mái tròn như cái lọng che cầu thang.

Hình thù thật khỏe mạnh và khoáng đãng, thể hiện rõ ràng ý và công dụng của cầu thang. Điểm này là diễn đạt nhất theo nhận xét của các huấn luyện viên bơi lội, coi như hoàn hảo, song - bao giờ cũng có chữ song - chưa được thi công... Ý đồ còn đó tôi thiết tha mong rồi đây sẽ được thực hiện.

Truyện Kiều với bản thân trong thiết kế
Cố Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn (1912- 1990)
 
Phòng thu thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam ở phố Quán Sứ là một vấn đề nan giải trên hai mặt: kỹ thuật về âm thanh mà khả năng của bản thân chỉ có hạn, kiến trúc ngôi nhà phải nối liền hai nhà có sẵn đặt không thẳng hàng. Kiến trúc một nhà là mới làm khi hòa bình được lập lại, một ngôi nhà loại biệt thự xây dựng trước đây trên nửa thế kỷ. Nhiệm vụ của kiến trúc gay go: ở trên vị trí khá lắt léo, làm sao nối hai thái cực cũ và mới cho hòa hợp?

Tôi nghĩ phòng thu thanh có tiếng đàn, tiếng hát. Tôi liên tưởng đến chỗ Thúy Kiều gẩy đàn theo yêu cầu của Kim Trọng. Tôi vừa vẽ vừa se sẽ ngâm Khúc đâu Tư mã Phượng cầu. Chữ Phượng tôi ngâm với tất cả lòng trìu mến, với cả một tâm tình đằm thắm. Trước mắt tôi chim phượng bay, chim phượng lượn và vẽ lên nền trời xanh biếc một đường cong tuyệt mỹ... Tay tôi đưa bút chì trên mảnh giấy trắng ngần một đường cong nối liền mặt của hai nhà có sẵn. Đó là hành lang của phòng thu thanh. Đường cong này đã làm mất sự hẫng về hình khối cũng như về kiến trúc, đã là một đầu nối giữa cũ và mới (xem Nội san Kiến trúc).

Phòng thu thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, theo chủ quan của tôi và cũng theo dư luận của những người đã sử dụng hoặc tham quan, là một thành công tương đối khả quan, chúng ta đều có thể đến tận nơi để đánh giá đúng kết quả.

Nhà giải khát công viên Thống Nhất, nghiên cứu mặt chính phần nối tiếp phòng giải khát trong nhà và sân lộ thiên, sự biến chuyển từ kiến trúc bên này qua bên kia quá đột ngột. Giải quyết ra sao? Tôi hí hoáy vẽ, xóa, tẩy. Mảnh giấy bóng này đặt lên mảnh giấy bóng kia. "Không được" lại "không được" tôi tự nhủ như vậy...

Tiếng chim sẻ ríu rít vọng đến tôi - dù chỉ là chim sẻ - tôi thoáng nhớ đến ngoài song thỏ thẻ oanh vàng rồi liên tưởng đến gương nga chênh chếch nhòm song. Bao nhiêu hình ảnh nên thơ vút đến với tôi và tôi vẽ chỗ chuyển tiếp mấy chiếc song trên đó treo vài cây phong lan... Kiến trúc giải quyết có thể coi là tạm ổn, song phải nhận rằng không sao đẹp bằng lời thơ của Nguyễn Du.

Hồi tưởng lại trước đây trên một phần tư thế kỷ, tôi mới ở trường ra, đã cùng kiến trúc sư Nguyễn Xuân Tùng thiết kế chùa Quán Sứ Hà Nội. Một mớ rối bòng bong của các mâu thuẫn về kỹ thuật, về phong cách, về mỹ quan, về tôn giáo, và về nhiều khía cạnh khác quay cuồng trước mắt chúng tôi quanh các bản thiết kế đã được chọn lọc.

Chùa thấp, dáng dấp, các chùa thông thường, cửu phẩm liên đài vươn lên cao... Chúng tôi nghiêng đầu, ngẹo cổ ngắm... Chúng tôi đến thực địa, đi bên này đường, sang bên kia phố của phần liên đài cao, cao quá, tầm nhìn quá gần lại còn làm chướng mắt chùa. Bỏ đi, chùa thấp, bình thường... không được. Làm ra sao? Chúng tôi băn khoăn, suy nghĩ...

"Chùa đâu trông thấy nẻo xa..." Tôi nghĩ tới câu thơ đó một cách ngẫu nhiên và đặt vấn đề phải làm sao cho trông thấy chùa từ đầu phố... Đưa chùa lên cao: lênh khênh, mất tỷ lệ, vẽ đi vẽ lại không đạt...

"Sẵn Quan Âm Các vườn ta", không hiểu sao chữ "Các" nhắc tôi đến "Khuê Văn Các" ở Văn Miếu. Chúng tôi hình dung ngôi chùa hai tầng...

Táo bạo! Lạ kiểu! Quái gở! Đó là những "tiếng bấc, tiếng chì", chúng tôi kiên trì chịu đựng. Như một gáo nước lạnh dội vào: quan điểm của tôn giáo buộc Phật phải "tọa liền với đất...". Ở đây, chúng tôi vấp phải tất cả những cái gì đã ăn sâu vào con người, đã quen thuộc với các ngôi chùa thấp lè tè với chín, mười một gian chi đó... với ấn tượng hai tầng là các nhà Tây mới được nhập cảng...

Tôi chùng tay... Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Tùng động viên "phải kiên trì" và chúng tôi mải miết tiếp tục nghiên cứu... Cuối cùng phương án được chấp nhận. Những ấn tượng ban đầu hình như tiêu tan hết và chùa Quán Sứ hai tầng đã được xây dựng... Chúng tôi những người thiết kế - tự nhủ rằng không biết có quá đáng không - đã dám nghĩ, dám làm, đã viết một dòng nhỏ trong trang sử kiến trúc tôn giáo Việt Nam.
 
Truyện Kiều với bản thân trong thiết kế



Đánh giá đúng mức chùa Quán Sứ phải đặt chùa trong bối cảnh lịch sử của thời đại, trong giai đoạn bao trùm bởi một nền văn hóa nô dịch, trong giai đoạn mà số kiến trúc sư đầu tiên chỉ là đếm trên đầu ngón tay. Còn nó chưa hoàn toàn Việt Nam, nó còn... và còn cái này, cái khác... Thì đó lại là chuyện khác.
 
 
Cố KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn