Tìm thấy những thành phố cổ khổng lồ ẩn dưới thảm rừng Campuchia
(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học ở Campuchia đã tìm thấy những thành phố cổ khổng lồ, trước đây chưa từng được biết tới, nằm cách không xa quần thể đền đài cổ kính Angkor.
Hiện tại, đây được xem là phát hiện quan trọng mang tính đột phá, hứa hẹn đưa lại những thông tin mấu chốt về lịch sử khu vực Đông Nam Á. Những phát hiện này sẽ được nhà khảo cổ học người Úc Damian Evans trình bày trong chuyên san về khảo cổ học- Journal of Archaeological Science (Anh) thời gian tới đây.
Việc sử dụng tia la-de chụp chiếu vùng đất khảo cổ đã cho thấy có nhiều thành phố cổ với niên đại lên tới 900-1.400 năm tuổi, nằm bên dưới những thảm rừng nhiệt đới của Campuchia, kích thước những thành phố này không thua thủ đô Phnom Penh.
Việc sử dụng tia la-de quét trên một vùng rộng lớn lên tới 1.901 km2 đã cho thấy những thành phố từng một thời đông đúc, rộng lớn, nằm quần tụ cạnh nhau tạo thành một đế chế khổng lồ thuộc vào hàng bậc nhất thế giới hồi thế kỷ 12.
Để có được phát hiện này, người ta đã phải tiến hành khảo cổ trong nhiều năm qua, giờ đây, nhiều bí ẩn đã dần lộ diện, chẳng hạn như hệ thống tưới tiêu phức tạp của các thành phố cổ đã được thực hiện từ hàng trăm năm trước so với những gì các nhà sử học từng ước tính về thời điểm người Đông Nam Á bắt đầu nắm được kỹ thuật làm thủy lợi.
Những phát hiện này cũng góp phần làm thay đổi những học thuyết trước đây về quá trình hình thành và phát triển của đế chế Khmer, một đế chế lên tới cực thịnh vào thế kỷ 12 rồi suy tàn ở thế kỷ 15. Có thể những biến đổi khí hậu và những vấn đề trong xử lý nguồn nước đã có tác động nào đó tới sự suy yếu của đế chế.
Những phế tích của quần thể đền đài Angkor là địa điểm hấp dẫn du lịch nhất Campuchia, giờ đây, khi biết thêm tới sự phân bố dân cư rộng lớn và đông đúc hơn những gì người ta vốn biết về đế chế Khmer từ thuở tiền công nghiệp của lịch sử loài người, sự suy tàn của đế chế này càng trở nên bí ẩn và thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khảo cổ trên khắp thế giới.
Những thành phố chôn vùi dưới thảm rừng mới được tìm thấy là nhờ phương pháp chiếu la-de từ máy bay trực thăng để thu về được hình ảnh rất chi tiết từ mặt đất. Phương pháp chiếu la-de trên tầm cao này cũng giúp các nhà khảo cổ phát hiện ra một số lượng lớn những cấu trúc hình học bí ẩn được tạo nên từ những đường đất đắp cao.
Giới khảo cổ học đều thống nhất rằng những phát hiện này có thể xem là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất trong những năm trở lại đây.
Hiện tại, thành phố lớn nhất mà các nhà khảo cổ học xác định được nằm ở gần dãy núi Phnom Kulen, nơi đây, thành phố cổ đang nằm vùi sâu dưới thảm rừng được đặt tên là Mahendraparvata, kích thước của nó được cho là tương đương với thủ đô Phnom Penh.
Năm 2012, công cuộc khảo cổ bắt đầu nhận dạng được một dải đất từng có đời sống dân cư tập trung đông đúc, nằm ở vùng xung quanh quần thể đền đài Angkor; đến năm 2015, dự án khảo cổ lại tìm thấy thêm những cấu trúc tương tự với mức độ dân cư tập trung đông đúc tương đương, nằm tại những phế tích khảo cổ xa xôi hơn, nằm cả dưới những thảm rừng.
Niên đại của những thành phố cổ được tìm thấy này có cả trước và sau thời kỳ hình thành quần thể đền đài Angkor. Những phát hiện này cho thấy rằng dân cư đã từng sinh sống rất đông xung quanh những quần thể đền đài cổ kính của đế chế Khmer.
Những thành phố trải khắp khu vực đồng bằng và rừng núi này được kết nối với nhau bằng hệ thống đường xá và kênh mương phức tạp, tạo nên một đế chế khổng lồ bậc nhất thế giới hồi thế kỷ 12.
Việc đế chế Khmer suy tàn, kéo theo việc những quần thể đền đài như Angkor cũng bị lãng quên, là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử khu vực Đông Nam Á, nhưng cho tới giờ các nhà nghiên cứu vẫn chưa có được mốc thời gian và những lý giải chính xác cho sự việc này.
Campuchia sau thời kỳ suy tàn của đế chế Khmer vẫn còn là một bí ẩn, và người ta chỉ có thể hình dung ra rằng, thời kỳ này hẳn chứng kiến nhiều sự mất mát và là một thời kỳ đen tối.
Đông Nam Á vốn được biết đến là một trong những trung tâm giao thương giữa phương Đông và phương Tây, việc tìm hiểu được chính xác diễn biến lịch sử của vùng đất này là một trong những bí ẩn lớn nhất hiện nay của khảo cổ học thế giới.
Bích Ngọc
Theo Guardian