Tìm thấy những câu chuyện cổ tích 150 tuổi khác thường

(Dân trí) - Truyện cổ Grimm với mô típ cái kết có hậu và những nhân vật toàn thiện toàn mỹ đã nổi tiếng trên khắp thế giới suốt hơn một thế kỷ qua. Cũng ở giai đoạn này, hình thành dòng truyện cổ tích “dành cho người lớn” với những nét hoàn toàn trái ngược.

Phần lớn các câu chuyện cổ tích đều có những mụ phù thủy già nua, xấu xí, độc ác; những nàng công chúa xinh đẹp, nhân hậu, yếu đuối; những chàng hoàng tử đẹp trai, dũng cảm, tài ba. Nhưng mới đây, người ta đã tìm thấy một loạt những câu chuyện cổ tích “phi truyền thống” đưa lại một cách tiếp cận hoàn toàn khác lạ đối với thể loại truyện luôn gắn với những “cái kết có hậu” này.

Những câu chuyện cổ tích này được biên soạn bởi nhà sử học người Đức Franz Xaver von Schönwerth hồi thập niên 1880 của thế kỷ 19. Đây là thời kỳ mà những truyện cổ tích của anh em nhà Grimm rất được yêu thích và phổ biến tại Đức.

Tìm thấy những câu chuyện cổ tích 150 tuổi khác thường

Những truyện cổ tích mới được tìm thấy trước tiên sẽ được xuất bản trong cuốn truyện bằng tiếng Anh “The Turnip Princess” (Công chúa củ cải - trái).

Những câu chuyện “cổ tích cho người lớn” này đã bị lãng quên trong một kho lưu trữ tài liệu suốt 150 năm. Giờ đây, khi người ta đã tìm lại được bản thảo gốc, một kế hoạch xuất bản ngay lập tức đã được tiến hành.

Trong khi những câu chuyện cổ tích thần tiên của anh em nhà Grimm từ lâu đã được biết tới với mô típ khắc họa những nàng công chúa kiều diễm, mong manh và những người hùng dũng mãnh, quả cảm, thì nhà văn - nhà sử học Schönwerth đảo ngược vị thế của họ.

Trong truyện của ông, những nhân vật nữ thường rất mạnh mẽ và thiện chiến trong khi nhân vật nam lại yếu đuối và thụ động.

Chẳng hạn như trong câu chuyện “Cô bé lọ lem” của Schönwerth, nhân vật nữ chính đi đôi giày bằng vàng, không phải bằng thủy tinh. Đôi giày của nàng đã đưa nàng tới mặt trăng để giải cứu người yêu.

Những tác phẩm của Schönwerth đương thời đã không gây được tiếng vang và dần dần chìm vào quên lãng. Phần nhiều những câu chuyện này, Schönwerth được nghe từ những người nông dân, người lao công… Đó là những câu chuyện dân gian đã được truyền khẩu qua nhiều thế hệ.

Tìm thấy những câu chuyện cổ tích 150 tuổi khác thường

Trong khi truyện cổ Grimm thường khắc họa những nàng công chúa yếu đuối và những người hùng dũng mãnh, thì truyện của Schönwerth đảo ngược vị thế của hai nhóm nhân vật này.

Năm 1885, tác giả Jacob Grimm từng nhận xét về Schönwerth rằng: “Không ai trên toàn nước Đức này có thể sưu tầm những câu chuyện dân gian một cách chính xác, kỹ càng và bằng một đôi tai nhạy cảm như Schönwerth”. Tuy vậy, những câu chuyện của Schönwerth không bao giờ trở nên nổi tiếng và gần như đã bị quên lãng rất nhanh chóng.

Chỉ khi bà cụ Erika Eichenseer (một giáo viên nghỉ hưu 80 tuổi) lật qua những trang bản thảo của Schönwerth nằm trong một kho lưu trữ tài liệu ở thành phố Regensburg, những câu chuyện của ông mới được nhắc nhớ trở lại.

Trong những câu chuyện cổ tích của Schönwerth, người ta nhận thấy một sự dữ dội, khác thường, chẳng hạn trong một truyện kể về cô thiếu nữ chạy trốn mụ phù thủy, khi bị truy đuổi quá sát, cô liền biến thành một cái hồ nước nhỏ.

Mụ phù thủy đang lúc khát nước, liền uống sạch nước trong hồ, thế là vô tình mụ đã nuốt trọn cô gái vào bụng. Cô gái nhanh trí lấy một chiếc xương… mổ bụng mụ phù thủy để thoát ra.

Hay như trong một câu chuyện khác, một người phụ nữ vốn giàu có nhưng vì sa cơ lỡ vận nên trở thành nghèo khó, cô vẫn giữ tấm lòng hào hiệp, chia sẻ những gì mình có với những người nghèo khác và dọa cho một đám trộm cắp khiến chúng sợ chạy mất, nhờ những việc làm nghĩa hiệp đó, người phụ nữ đã lấy lại được của cải năm xưa của mình.

Những câu chuyện dân gian này được sáng tạo ra không phải chỉ dành riêng cho trẻ em, mà dành cho mọi lứa tuổi, vì vậy, trong truyện, người ta bắt gặp một số tình tiết khá “phi cổ tích”, có thể bị cho là không phù hợp với trẻ nhỏ.

Bà Erika Eichenseer - người có công tìm thấy những truyện cổ tích “dành cho người lớn” này chia sẻ: “Mục đích chính của những truyện này là giúp thanh niên mới lớn hiểu hơn về con đường mà họ sắp đi để trở thành những người trưởng thành thực thụ, cho họ thấy những hiểm nguy, thử thách của cuộc đời đã được hình tượng hóa, khuyến khích họ hãy vượt qua bằng đức hạnh, trí tuệ và lòng dũng cảm”.

Bích Ngọc
Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm