Tìm thấy bức chân dung thứ hai của danh họa Leonardo da Vinci
(Dân trí) - Bức chân dung thứ hai khắc họa diện mạo danh họa Da Vinci trong những năm tháng cuối đời đã vừa được tìm thấy.
Các chuyên gia mỹ thuật đánh giá rằng những bức phác họa chân dung như thế này là phương cách tiệm cận gần nhất với diện mạo của một người trong thời đại mà Da Vinci sống.
Bức phác họa sẽ được trưng bày trước công chúng lần đầu tiên tại lâu đài Buckingham, London, Anh. Bức phác họa khắc họa một người đàn ông để râu, đây được cho là một trong hai bức phác họa chân dung còn tồn tại cho tới hôm nay, khắc họa diện mạo của Da Vinci lúc sinh thời.
Ông Martin Clayton, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tranh phác họa và tranh in trong bộ sưu tập nghệ thuật của Hoàng gia Anh đã phát hiện ra bức phác họa này khi đang nghiên cứu lại những tác phẩm được lưu trữ trong lâu đài Windsor.
Ông Clayton đánh giá đây là một bức phác họa chân dung được thực hiện bởi một học trò của danh họa Da Vinci. Bức phác họa được thực hiện chỉ một thời gian ngắn trước khi vị danh họa qua đời ở tuổi 67 hồi năm 1519.
Hình dung về diện mạo Da Vinci lúc sinh thời
Trước đây, giới nghiên cứu hội họa đã biết tới một bức phác họa khác cũng ghi lại chân dung Da Vinci, bức này được thực hiện ở cùng quãng thời gian với bức vừa được phát hiện, nhưng danh tính tác giả thì rõ ràng hơn, đó là một học trò của Da Vinci có tên Francesco Melzi.
Chia sẻ về bức phác họa thứ hai này, ông Clayton cho hay: “Nếu bạn so sánh bức phác họa này với bức phác họa được thực hiện bởi Francesco Melzi, cả hai bức đều khắc họa Da Vinci với những sự tương đồng rất lớn. Cùng một sống mũi thẳng thanh nhã, một bộ râu rậm, những lọn tóc quăn...
“Bên cạnh bức phác họa của Francesco Melzi, thì đây chính là bức phác họa duy nhất được thực hiện lúc vị danh họa Da Vinci còn đang sống”.
Ông Clayton cho rằng danh họa Da Vinci đang ở khoảng 65 tuổi khi xuất hiện trong bức phác họa mới được phát hiện này, trông ông có nét buồn bã, sầu lắng, u uất.
Bức tranh đắt giá nhất thế giới từng được bán ra trong một cuộc đấu giá - họa phẩm “Salvator Mundi” - cũng là một tác phẩm của Da Vinci
Lý giải về biểu cảm này, ông Clayton cho rằng: “Da Vinci biết rằng mình sắp qua đời, khi ấy, cánh tay phải của ông đã bị tê liệt, ông không còn có thể tự vẽ tranh được nữa, nhưng ông vẫn có thể thực hiện những bức phác họa. Lúc này, Da Vinci hiểu rằng cơ thể mình đang trở nên rệu rã.
“Da Vinci vốn nổi tiếng vì có một bộ râu đẹp, điều này có được là bởi ông dành nhiều thời gian, công sức chăm sóc cho bộ râu của mình và không thể nói là điều đó không tốn kém, thời ấy, chỉ có ít nam giới có thể để râu như ông, một thời gian ngắn sau, việc để râu nhanh chóng trở thành mốt”.
Bức chân dung mới được phát hiện này xuất hiện trên mặt sau của một tờ giấy vẽ phác họa mà trên đó Da Vinci từng nghiên cứu khắc họa chân ngựa để chuẩn bị thực hiện một bức tượng khắc họa người cưỡi ngựa.
Nàng Mona Lisa - bức vẽ nổi tiếng của Da Vinci
Trước đây, chuyên gia nghiên cứu lịch sử hội họa Kenneth Clark đã từng đề xuất rằng đây là một bức phác họa chân dung Da Vinci khi ông này đang hệ thống hóa lại những bức phác họa nằm trong bộ sưu tập nghệ thuật của Hoàng gia Anh hồi năm 1968.
Nhưng sau đó, ông Kenneth Clark không đề xuất gì thêm và câu chuyện này bị rơi vào quên lãng, mãi cho tới khi ông Clayton tiến hành nghiên cứu gần đây, bức phác họa mới được quan tâm trở lại.
Bức phác họa này sẽ được trưng bày bên cạnh 200 bức phác họa khác được thực hiện bởi danh họa Da Vinci trong một cuộc triển lãm tiến hành tại Phòng trưng bày của Nữ hoàng Anh - một phòng trưng bày nghệ thuật công cộng nằm trong cung điện Buckingham. Sự kiện diễn ra từ cuối tháng 5 này.
Bích Ngọc
Theo The Independent/Daily Mail