Tìm lại tiếng chiêng ngân giữa núi rừng

(Dân trí) - Không gian văn hóa cồng chiêng đã ôm trọn cái đẹp, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với con người. Đặc biệt, khi nền văn hoá đương đại có xu hướng cải biến nền văn hoá K’ho thì liệu tiếng chiêng còn ngân vang giữa núi rừng Tây Nguyên?

Bộ chiêng như một gia đình

Đồng bào dân tộc K'ho có đời sống văn hóa phong phú, độc đáo. Thơ ca của họ đậm chất trữ tình, giàu nhạc điệu và thường được biểu diễn trong các dịp lễ thần và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nổi bật trong nền văn hoá này là bộ chiêng gồm 6 chiếc chiêng được đúc bằng đồng thau; mô phỏng gia đình mẫu hệ: Chiêng to nhất là chiêng bố, chiêng mẹ và kế đến là các chiêng con theo thứ tự anh chị em từ lớn đến bé. Với người K'ho, con trâu, cái ché, bộ cồng chiêng là 3 tài sản quý giá nhất khẳng định sự giàu có, danh giá của một gia đình, tộc họ. Người K'ho chỉ dùng bộ chiêng 6 của mình đánh trong các tiệc vui, đặc biệt là lễ đâm trâu. Đây cũng là dịp duy nhất chiêng được mang ra đánh ngoài trời. Còn những lễ hội khác, chiêng chỉ được để đánh trong nhà. Người ta quan niệm khi mang chiêng ra đánh ngoài trời mà không có con trâu, cây nêu thì sẽ bị trời phạt.

Đội chiêng của thôn Đồng Đò hoà tấu ca khúc “Đón khách”.
Đội chiêng của thôn Đồng Đò hoà tấu ca khúc “Đón khách”.

Ông K'Niêm, một người dân bản địa sống tại thôn Đồng Đò (xã Tân Nghĩa, Di Linh, Lâm Đồng) kể, cồng chiêng có từ lâu đời, thế hệ trước thì ông và nhiều người đồng bào dân tộc K'ho được truyền nghề lại, sau đó được huyện tổ chức đi học thêm một tháng để nâng cao tay nghề. Về nguồn gốc bộ chiêng của người K'ho chính ông K'Niêm cũng không nắm rõ, nhưng theo các già làng kể lại thì có thể xuất phát từ các nước láng giềng. Thời ấy, khi giao thông còn trắc trở thì ngựa là phương tiện đi lại, chuyên chở thích hợp nhất ở vùng đồi núi, những dấu chân tròn của giống ngựa nhỏ con nhưng rất khỏe này in khắp các buôn làng Tây Nguyên và sang cả nước Lào. Cũng nhờ vậy người K'ho đã tậu nhiều bộ chiêng tốt. Tuy nhiên, chiêng mang từ nơi khác về chỉ là cái xác chứ chưa có hồn, nên phải thổi hồn để chúng thực sự là nhạc cụ linh thiêng, là tiếng nói riêng đặc biệt của một dân tộc và là tiếng nói giữa các thành viên trong cộng đồng người K'ho và giữa con người với thần linh.

Lạc mất tiếng chiêng

Dù được xem là bản sắc văn hoá đặc sắc của người dân tộc K'ho nhưng hiện nay rất khó để tìm được một gia đình nào có đủ bộ chiêng 6 cái tượng trưng như một gia đình mà mỗi nhà chỉ có 1, 2 cái. Người giữ nhiều nhất thì cũng chỉ được 4, 5 cái. Chính vì vậy, tiếng 6 cái chiêng ít khi vang lên cùng lúc ở các bản làng người K'ho. Bởi muốn có đủ cả bộ họ phải đi mượn các nhà khác. Mà phải mượn cho khớp với bộ của nó thì mới có thể đánh hay được, lại phải tìm ra 6 người đánh được chiêng. Vì thế mà trong các tiệc vui của làng, tiếng chiêng cũng gần như im bặt. Lý giải về sự ''chảy máu'' chiêng của người K'ho, ông K'Bội (38 tuổi, ngụ thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) tâm sự, anh bắt đầu chơi chiêng từ khi 10 tuổi, lức bấy giờ nhà nào cũng có bộ chiêng đủ 6 cái nhưng theo quan niệm và truyền thống chia tài sản cho người chết nên gia đình mà có người mất đi sẽ được mang theo một cái chiêng để gối đầu. Khi người chết được gối đầu lên chiếc chiêng thì có thể xua đuổi quỷ dữ, tà ma và thể hiện ''đẳng cấp'' của gia đình đó. Vì vậy trong thôn Đồng Đò không còn nhà nào có đủ một bộ chiêng.

Bộ chiêng của người dân tộc K’ho.
Bộ chiêng của người dân tộc K’ho.

Phải khó khăn lắm, anh K'Bội cùng K'Bảo – Bí thư Đoàn xã Tân Nghĩa mới đi mượn đủ 6 cái chiêng của các nhà trong thôn. Dù chiêng đã đủ nhưng tập hợp mãi cũng chỉ có 5 người có mặt để chơi chiêng. Bài ca ''Đón khách'', ''Đi hái rau rừng''... cũng được cất lên bởi tiếng chiêng hoà quyện, ví von đi vào lòng người dẫu rằng dàn nhạc này thiếu đi một cung bậc. Thậm chí khi tiếng chiêng ngân vang, nhiều người dân tộc K'ho cũng không hiểu vì lý do gì mà một buổi tối bình thường lại có nhà tấu chiêng như vậy. Đối với họ, có lẽ tiếng chiêng ngân vang giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vỹ ngày nào giờ đã trở nên xa lạ. Theo các bác ở đội chiêng của thôn Đồng Đò, thực chất việc bảo tồn bộ cồng chiêng này hiện nay không khó, trước mắt chỉ cần có một ngôi nhà làm nơi tập trung, sau đó sẽ gom tất cả những cồng chiêng hiện có của các hộ gia đình về đây lưu giữ. Và nơi đây, những người biết chơi chiêng trong làng sẽ truyền dạy cho lớp trẻ những âm điệu của cồng chiêng K'ho.

Ông Lê Ngọc Chánh – Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa cho biết: ''Văn hoá cồng chiêng của người dân tộc K'ho đang có khả năng bị mai một. Việc tập hợp chiêng của người K'ho lại một điểm là rất khó vì ai cũng muốn giữ làm của riêng mình. Còn rất nhiều nghệ nhân yêu nhạc dân tộc nhưng không có không gian cho họ thể hiện. Ngày xưa họ ở nhà sàn, có các điểm thích hợp để biểu diễn cồng chiêng, thời buổi hiện nay còn rất ít nhà sàn thay vào đó là các kiểu nhà hiện đại. Thế hệ trẻ thì tiếp cận nền văn hoá hiện đại, mới đây xã Tân Nghĩa cũng lập kế hoạch thành lập đội cồng chiêng và cử một số người K'ho đi học đánh cồng chiêng ở trên huyện. Tuy nhiên, kế hoạch lập đội chiêng này cũng bất thành vì không có đủ thành viên''.

''Chỉ sợ rằng vài năm nữa sẽ không còn tiếng chiêng ngân giữa núi rừng Tây Nguyên như thuở nào. Cồng chiêng đang bị chảy máu nghiêm trọng nếu không có các biện pháp bảo vệ, phục hồi kịp thời thì đến thế hệ con cháu của người K'ho chắc chắn sẽ bị mai một, nền văn hoá ở các buôn làng sẽ mất đi một nét đặc trưng mà không thể tìm lại'' - Ông Chánh tâm sự.

Trần Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm