Tìm kiếm người mặc đẹp trang phục 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa
(Dân trí) - Đó là một trong những hoạt động sẽ diễn ra trong Festival Đua ghe ngo - Đồng bào Khmer - ĐBSCL nằm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng tới đây. Sự kiện này được xem như một hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch mang nhiều ý nghĩa.
Được sự bảo trợ và chỉ đạo của các Bộ, Ngành cũng như các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Sóc Trăng cùng với các Sở, Ban, ban ngành liên quan đã lên kế hoạch và xúc tiến tổ chức Festival Đua ghe ngo - Đồng bào Khmer - ĐBSCL lần thứ 1. Đây được xem là một sự kiện văn hóa, xã hội, du lịch nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ cho việc phát triển du lịch cũng như bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, tài sản văn hóa độc đáo của địa phương.
Ngoài ý nghĩa tôn vinh di sản văn hóa cũng như thúc đẩy phát triển du lịch địa phương thì đây cũng là cơ hội mà ban tổ chức Festival Đua ghe ngo lần này mong muốn có được để tích lũy kinh nghiệm cho việc tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa mang tầm khu vực và cao hơn nữa là mở rộng quy mô tổ chức Festival Đua ghe ngo quốc tế trong tương lai.
Theo đó, Festival Đua ghe ngo Đồng bào Khmer ĐBSCL lần thứ 1 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 14/11/2013 đến ngày 17/11/2013 (nhằm ngày 12-15/10 âm lịch). Ngoài các hoạt động chính của lễ hội bao gồm Lễ khai mạc, bế mạc và Đua ghe ngo, trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, một số hoạt động hỗ trợ giúp đa dạng hóa cũng như làm phong phú thêm cho lễ hội cũng sẽ diễn ra song song như Liên hoan ẩm thực, Trò chơi dân gian - Hội thao dân tộc, Triễn lãm ảnh Sóc Trăng xưa, Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ, Lễ cúng trăng Oóc Om Bóc và Hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.
Trong các nội dung chính thì Đua ghe ngo được xem là phần quan trọng và mang ý nghĩa rất lớn. Đây là phần hội của Lễ hội Oóc Om Bóc, được xem là nghi thức tiễn nước sau mùa gieo trồng và chào mừng vụ mùa bội thu. Đồng thời, đây cũng là một ngày hội thao, biểu tượng cho tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc với nhau. Trong phần hội quan trọng này, ban tổ chức sẽ mời khoảng 60 đội ghe ngo đến từ các tỉnh thành trong Đồng bằng Sông Cửu Long tham gia tranh tài.
Như vậy, với việc lan tỏa và có sức ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của du lịch thông qua các Festival trên cả nước trong thời gian gần đây thì Festival Đua ghe ngo lần này cũng đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong việc tổ chức các lễ hội ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng. Với chủ đề: “Sóc Trăng: Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”, Festival Đua ghe ngo Đồng bào Khmer ĐBSCL lần thứ 1 sẽ là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy hoạt động văn hóa - thể thao và du lịch nơi đây.
Cao Trí Hòa