Tìm hiểu về hủ tục chôn tim người chết thời Trung Cổ

(Dân trí) - Quí tộc châu Âu từng ra lệnh cắt trái tim mình sau khi chết và chôn ở nơi họ yêu mến. Tục lệ này đã trở thành một trào lưu vào thế kỉ 12-13, kéo dài cho tới nay như một cách chôn cất đặc biệt với nhiều ý nghĩa sâu xa.

Bản vẽ chiếc bình với hình dáng trái tim được nâng đỡ bởi một bàn tay xuất hiện vào thế kỷ 16.

Bản vẽ chiếc bình với hình dáng trái tim được nâng đỡ bởi một bàn tay xuất hiện vào thế kỷ 16.

Xu hướng này trùng khớp với các chiến dịch quân sự thời Trung Cổ như các cuộc Thập tự chinh, khi các chiến binh thường đi chiến đấu ở rất xa quê nhà và chết tại đó. Thay vì gửi cả thân xác, người ta chỉ mang về trái tim được bảo quản trong các hộp chì hoặc ngà voi, và chúng được ướp các loại thảo dược đặc biệt để tránh bị phân hủy. Đôi khi các trái tim đó còn được chôn trong các tượng truyền thần với trang trí tinh xảo. Theo cuốn sách Death in England: An Illustrated History của Peter C. Jupp, giả thuyết được đưa ra: "Có khả năng một số tượng đài nhỏ được cho là ngôi mộ của các trẻ em thực chất chính là các bia mộ cho trái tim người".

Ngoài ra, trong cuốn sách The Sublime Engine: A biography of the Human Heart, tác giả Stephen và Thomas Amidon cũng viết: "Việc chôn cất riêng rẽ của các vị vua và quí tộc thời đó là khá phổ biến. Sau cái chết của Henry I (năm 1135), trái tim của ông được bọc trong da bò để bảo quan và gửi về Anh để chôn cất, trong khi phần xác được chôn ngay tại Normandy. Trong khi đó Vua Richard I của Anh cũng được cho là đã chôn trái tim ở một nơi cách xa khỏi thi hài của ông.

Ảnh chụp phần mộ của vua Richard I.

Ảnh chụp phần mộ của vua Richard I.

Theo các câu chuyện ở thế kỉ 13, trái tim của Richard I được chôn ở Rouen, Pháp. Trái tim nằm ở đó từ năm 1199 tới khi được các nhà khoa học khai quật và phân tích vào năm 2012. Dù không phát hiện được gì về cái chết của ông nhưng họ lại tìm ra rất nhiều thông tin về quá trình ướp trái tim. Theo đó, trái tim được ướp bằng nhựa thơm cùng với rất nhiều loại thảo dược, hoa cúc và cả thủy ngân.

Hình minh họa ngôi mộ nơi chôn cất trái tim người chết tại nhà nguyện Leyburne, Anh Quốc.

Hình minh họa ngôi mộ nơi chôn cất trái tim người chết tại nhà nguyện Leyburne, Anh Quốc.

 
Trái tim của nữ hoàng Eleanor vùng Castile được chôn ở vùng Blackfriars (London). Trái tim nằm trong một tượng đài khổng lồ, với hình một thiên thần bằng kim loại đặt trên đỉnh. Tượng thiên thần này đã bị phá hủy vào thế kỉ 16, nhưng tượng đài vẫn còn đó.

Để liệt kê ra những nơi chôn cất trái tim của những nhân vật ưu tú thời Trung Cổ là công việc rất khó khăn. Nhưng nếu nhắc đến một trong những nơi nổi bật nhất thì không thể bỏ qua Bar-le-Duc ở Pháp vào thế kỉ 16. Đó là một trong những ngôi mộ ám ảnh nhất, với bức tượng một cái xác đang vươn cánh tay phải lên thiên đường với trái tim của mình trong tay. Đây là bia kỉ niệm của René de Chalon, Hoàng tử xứ Orange, qua đời năm 1544 ở tuổi 25. Tượng đài này do Ligier Richier chế tác và hoàn thành năm 1547. Ban đầu, bộ xương này cầm chính trái tim của Chalon trong tay. Không may là nó đã bị đánh cắp trong Cách mạng Pháp, và ngày nay bức tượng chỉ nắm giữ một trái tim tượng trưng.

Đài tưởng niệm René de Chalon, hoàng tử xứ Orange.


Đài tưởng niệm René de Chalon, hoàng tử xứ Orange.

Đài tưởng niệm René de Chalon, hoàng tử xứ Orange.

Cuộc Cách mạng Pháp thật sự đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc bảo tồn những trái tim của hoàng gia. Trái tim của vua Louis XIV cũng đã bị đánh cắp. Thậm chí người ta cho rằng một phần của nó đã vô tình bị nhà địa lý William Buckland ăn mất vào năm 1848. Đó là khi ông đang nghiên cứu một chiếc hộp bạc với một vật thể kì lạ bên trong, có thể Buckland đã cho nó vào miệng để tìm ra đó là thứ gì. Trong khi, trái tim của hoàng tử Louis XVII được một bác sĩ phẫu thuật giữ lại sau khi ông qua đời trong nhà tù. Tới năm 1975, trái tim được chuyển về nhà nguyện Saint-Denis ở Paris và trưng bày trong một chiếc hộp trong suốt.

Dù việc chôn cất trái tim không còn phổ biến vào thế kỉ 14, nó vẫn xuất hiện sau đó. Ý tưởng về việc được chôn cất ở nhiều nơi cũng như ý nghĩa quan trọng của trái tim chính là nguyên nhân khiến tục lệ này tồn tại. Ví dụ, trái tim của nhà văn Thomas Hardy được chôn ở nhà thờ St. Michael (Dorset) trong khi tro cốt của ông nằm ở tu viện Westminster, nhờ vậy ông vừa được tôn sùng như biểu tượng của văn học Anh lại vừa được yên nghỉ cùng gia đình.

Phần mộ nơi chôn chất trái tim của nhà văn Thomas Hardy.

Phần mộ nơi chôn chất trái tim của nhà văn Thomas Hardy.

Ngoài ra tục lệ chôn cất trái tim còn mang ý nghĩa để thể hiện sự quan tâm của người chết với một vùng đất. Pierre de Coubertin, người sáng lập Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và là người hồi sinh Olympic chính là một ví dụ. Khi qua đời vào năm 1937, trái tim ông được chôn cất ở Olympia (Hi Lạp). Gần đây nhất là năm 2011, Đại Công tước Áo và Hoàng tử Hungary Otto von Habsburg được chôn ở Vienna (Áo), trong khi trái tim ông được đặt trong một chiếc bình đặt ở nhà nguyện Benedictine (Hungary).

Nơi chôn cất trái tim Pierre de Coubertin, người sáng lập Ủy ban Olympic Quốc tế ở Hy Lạp

Nơi chôn cất trái tim Pierre de Coubertin, người sáng lập Ủy ban Olympic Quốc tế ở Hy Lạp

Phan Hạnh
Theo Atlas

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm