Tìm giải pháp để làng nghề phát triển bền vững với du lịch
(Dân trí) – Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch là vấn đề không mới tại Quảng Nam; tuy nhiên để làng nghề phát triển bền vững cùng du lịch thì đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có cơ chế chính sách, vốn, thị trường…
Ngày 29/10, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch”. Hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các Bộ Công thương, NN-PTNT, VH-TT&DL, tỉnh TT-Huế, TP Đà Nẵng, các doanh nghiệp và chủ nhân các làng nghề truyền thống cùng các chuyên gia.
Hội thảo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống thông qua hoạt động du lịch; du lịch vừa là điều kiện, vừa là mục tiêu để thúc đẩy phát triển làng nghề và sản phẩm làng nghề, hướng tới tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và ổn định dân cư.
Hiện Quảng Nam đã khôi phục và phát triển 89 làng nghề truyền thống; trong đó có khoảng 20 làng nghề, 7 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch và đang có xu hướng phát triển tốt. Các làng nghề này tập trung chủ yếu ở 6 huyện, TP: Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đông Giang, Nam Giang vá Tây Giang.
Theo ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, những năm qua, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu của Chính phủ, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương, các làng nghề đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để hỗ trợ các làng nghề tiếp tục phát triển.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các làng nghề tuy được tỉnh và địa phương quan tâm đầu tư các hạng mục cơ bản như đường giao thông, nhà trưng bày sản phẩm... nhưng nhìn chung, xét về khối lượng và số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa có quy hoạch nên đầu tư còn chắp vá, thiếu quy củ.
Theo ông Siêu, kinh tế làng nghề có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần hạn chế di dân tự do và các vấn đề xã hội tiêu cực khác, tạo cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch…
Về vấn đề này, ông Hồ Tấn Cường cho rằng, những năm qua Quảng Nam đã thử nghiệm thành công sự gắn kết giữa phát triển làng nghề và du lịch cùng với sự tham gia của cộng đồng hướng đến mục đích gắn lợi ích và trách nhiệm của người dân vào quá trình phát triển du lịch bền vững.
Để phát triển làng nghề du lịch trong thời gian đến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết, Sở đã đề xuất tỉnh đầu tư quy hoạch hệ thống các làng nghề phục vụ du lịch và đẩy mạnh đầu tư nhằm hoàn thiện đồng bộ để hình thành ở mỗi làng nghề là một điểm đến.
Trong đó, ưu tiên tôn tạo hạ tầng giao thông, hệ thống điện, hệ thống dịch vụ vệ sinh đường làng và xây dựng hạ tầng dịch vụ cho làng nghề. Quá trình đầu tư có tính đến sự phù hợp của hệ thống đối hạ tầng với cảnh quan tự nhiên của các làng nghề nhằm thu hút khách du lịch.
Đối với nguồn vốn để phát triển làng nghề, ngoài ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các địa phương có làng nghề thì vốn từ các tổ chức tín dụng và các dự án quốc tế sẽ được kêu gọi đầu tư.
Tiếp tục tổ chức khai thác hiệu quả các nhà đón tiếp và trưng bày sản phẩm tại các làng nghề bằng việc tổ chức trưng bày các sản phẩm đặc sắc, ấn tượng kết hợp với các hoạt động trình diễn văn hóa, văn nghệ thu hút du khách đến với làng nghề. Có chính sách hỗ trợ cho các làng nghề tham gia các hội chợ, hội thi tay nghề ngoài tỉnh đối với các làng nghề tiêu biểu của tỉnh.
Tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn từ các dự án quốc tế để xây dựng khung cấu trúc phát triển nghề thủ công gắn với phát triển làng nghề tại Quảng Nam và cách thức xây dựng và quản lý thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề Quảng.
Đây là một số giải pháp nhằm tạo điều kiện để du lịch làng nghề Quảng Nam phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên để làm được cần thiết phải có sự quan tâm và chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương mới có thể tạo nên bước đột phá mới cho du lịch làng nghề.
Công Bính