Tìm danh lợi từ cuộc thi nhan sắc: Về đâu sau đăng quang?
Không có trình độ nghề nghiệp chuyên môn, không có công ăn việc làm ổn định, nhiều người đẹp phải đối diện với cuộc sống khó khăn.
Nếu ở nước ngoài, đấu trường nhan sắc chính là cơ hội để các cô gái trẻ thử thách bản thân và đóng góp cho cộng đồng thì ở Việt Nam, tìm kiếm danh vị sắc đẹp được xem như tìm kiếm nghề nuôi sống bản thân. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.
Nợ tiền, tình
Đi thi nhan sắc là một sự tính toán mà bản thân thí sinh không thể tự quyết định. Chính nhiều thí sinh cũng không ngờ mình trở thành thí sinh một cuộc thi nhan sắc lớn và trở thành hoa hậu bởi chính người quản lý, người thân trong gia đình đăng ký, sắp xếp cho họ đi thi. Họ đến các đấu trường sắc đẹp chỉ với vai trò là “gà”. Nếu các thí sinh của nhiều cuộc thi tài năng đi thi dựa trên tài năng của bản thân thì với các cuộc thi nhan sắc, thí sinh đi thi ngoài nhan sắc còn bằng tài lực.
Để thi nhan sắc, thí sinh phải có tiền để chi phí cho những thứ liên quan đến sắc đẹp, như mua sắm trang phục, mỹ phẩm, thuê chuyên gia làm đẹp, trang điểm... Đa phần thí sinh của hầu hết các cuộc thi hoa hậu đều đến từ các công ty người mẫu. Danh hiệu có được tại một cuộc thi sắc đẹp chính là cách để các người mẫu thay đổi thân phận. Vì thị trường người mẫu thời trang Việt còn sơ khai và ế ẩm nên công việc của nghề làm người mẫu cũng không nhiều và thu nhập không cao.
Bởi vậy, để có thể đi thi các cuộc thi nhan sắc, các người đẹp cần có mạnh thường quân bảo trợ tài chính. Điều đó cũng chẳng có gì đáng nói bởi đây gần như là điều phổ biến trên thế giới theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Sự hỗ trợ này là có thật và nó được chứng minh bằng hàng loạt tố cáo từ người bảo trợ và “gà” của chính họ khi bản thỏa thuận không được một trong hai phía tuân thủ thực hiện. Những câu chuyện lan truyền trong giới về các người đẹp được đại gia bảo trợ tiền của, kể cả những mối quan hệ có được để đi thi các cuộc thi nhan sắc và đoạt giải là không hiếm...
Cuộc thi Hoa hậu Đại dương thu hút thí sinh bởi giải thưởng cho hoa hậu 1 tỉ đồng.
Nếu không thể là 1 trong 3 thí sinh đoạt giải cao nhất cuộc thi, khả năng ra về trắng tay, vướng nợ nần (tiền hoặc tình) của các người đẹp là rất cao.
Không phải nghề nuôi sống bản thân
Nếu với các thí sinh tài năng âm nhạc, dù có đoạt giải cao hay không, thì con đường nghề nghiệp tương lai của họ cũng đầy hứa hẹn vì bản thân họ có tài năng. Còn với người đẹp, danh hiệu nhan sắc không có nhiều cơ hội để giúp họ tham gia vào làng giải trí - nơi đòi hỏi tài năng đích thực. Ngay cả thị trường quảng cáo, những người có danh vị cao trong các cuộc thi nhan sắc cũng ít cơ hội làm mẫu bởi nhiều nhãn hàng hiện nay, ngoài việc mời những nghệ sĩ tiếng tăm có số đông người hâm mộ để giúp họ quảng bá thương hiệu, những nhà quảng cáo rất chuộng những gương mặt chịu gây sốc thị giác người tiêu dùng bằng hình ảnh sexy - điều mà các hoa hậu, á hậu không thể đánh đổi thanh danh để làm.
Thậm chí, hoa hậu T. còn đặt ra cho mình nguyên tắc không chụp hình với bất kỳ mẫu nam, doanh nhân nam nào vì phải giữ hình ảnh trong sáng của mình. Chính điều này khiến cho con đường phát triển sự nghiệp của cô ở thị trường giải trí trở nên khó khăn hơn. Bản thân T. cũng muốn trở thành gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng, muốn kiếm tiền từ những sô tham dự sự kiện nhưng các đối tác làm việc với cô luôn thất bại vì vấp phải những nguyên tắc do cô đặt ra.
Hoa hậu Diễm Hương khẳng định rằng hoa hậu không phải là nghề kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân. Không có trình độ nghề nghiệp chuyên môn, không có công ăn việc làm ổn định, nhiều người đẹp phải đối diện với cuộc sống khó khăn. Mọi nhu cầu ăn ở, may mặc, chi tiêu mua sắm, phương tiện đi lại đều nâng lên tầm hoa hậu và đòi hỏi các người đẹp phải có nhiều tiền.
Mất ý nghĩa nhân văn
Hào quang của một hoa hậu lại quá lớn đối với các người đẹp Việt Nam khi trở thành hoa hậu. Vì vậy, đòi hỏi sự bản lĩnh và khôn khéo để hình ảnh hoa hậu hiện hữu trong lòng công chúng sau khi đăng quang song không phải người đẹp nào cũng làm được điều ấy. Nếu ở các cuộc thi nhan sắc nước ngoài, sau khi đăng quang, công việc chính của các người đẹp là hoạt động từ thiện xã hội, còn việc kiếm tiền chỉ là chuyện nhỏ thì ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Người đẹp nào lên ngôi cũng nghĩ rằng họ có cơ hội kiếm tiền thay vì cống hiến công sức, thời gian cho những hoạt động có ý nghĩa cao đẹp mà những cuộc thi nhan sắc đề ra.
Chỉ có vài người trong số các hoa hậu đăng quang các cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, từ năm 1994 đến 2013, tham dự các lần thi Hoa hậu Thế giới vì họ không đủ trình độ và sự tự tin để bước ra đấu trường nhan sắc lớn này.
Kẻ thăng, người trầm Sau khi đăng quang, hoa hậu Mai Phương đi du học ngành quản trị kinh doanh ở Anh, sau đó trở về nước, làm việc tại quê nhà, kết hôn với một cán bộ trong ngành công an và hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Còn Thiên Nga thì dù 2 lần đăng quang hoa hậu nhưng cô tiếp tục con đường học vấn. Cô đã lập gia đình với một giáo sư người Mỹ, có con trai và sống hạnh phúc với gia đình, công việc. Sau những biến cố của gia đình chồng, hoa hậu Phan Thu Ngân phải “mai danh ẩn tích”. Hoa hậu Ngọc Khánh cũng định cư ở Mỹ và trở thành một nông dân cần cù. Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền cũng chọn cách lánh xa thế giới giải trí bằng việc tập trung kinh doanh. Riêng hoa hậu Ngọc Hân, cô khiến mọi người ngưỡng mộ bởi tài năng thật sự của mình khi bước vào ngành thiết kế thời trang và gặt hái thành công. Hộp chỉ chứa chữ. Màu nền, viền, kiểu dáng của chữ hay hộp đều có thể thay đổi. |
Theo Thùy Trang
Người lao động