Tiểu thuyết ra mắt năm 1981 đặt tên cho một loại virus là... “Wuhan-400”

(Dân trí) - Cuốn tiểu thuyết của tác giả người Mỹ Dean Koontz - cuốn “The Eyes of Darkness” (tạm dịch: Đôi mắt của màn đêm) - hiện đang được nhắc tới nhiều trong nhóm công chúng yêu thích văn chương.

Tiểu thuyết ra mắt năm 1981 đặt tên cho một loại virus là... “Wuhan-400” - 1

Nhà văn Dean Koontz

Nếu bộ phim về dịch bệnh - “Contagion” (Sự truyền nhiễm - 2011) - đang gây sốt trở lại với người yêu điện ảnh vì có cảnh lý giải cách lây lan loại virus truyền bệnh có phần tương đồng với thực tế đang diễn ra, thì cuốn tiểu thuyết “The Eyes of Darkness” ra mắt từ gần 40 năm trước lại gây sửng sốt vì từng đặt tên cho một loại virus được đề cập trong tác phẩm là “Wuhan-400”, trùng với tên thành phố bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Trong cuốn tiểu thuyết, “Wuhan-400” là tên một loại virus được phát triển trong phòng nghiên cứu nằm ở ngoại ô thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Trong tác phẩm, “Wuhan-400” được miêu tả là một loại virus nguy hiểm có thể “quét sạch dân cư của một thành phố hoặc một quốc gia” nếu không có biện pháp ứng phó nhanh chóng và hiệu quả.

Tiểu thuyết ra mắt năm 1981 đặt tên cho một loại virus là... “Wuhan-400” - 2

Cuốn tiểu thuyết của tác giả người Mỹ Dean Koontz - cuốn “The Eyes of Darkness” (tạm dịch: Đôi mắt của màn đêm) - hiện đang được nhắc tới nhiều trong nhóm công chúng yêu thích văn chương.

Tờ tin tức South China Morning Post nhận định rằng một nhà văn thông minh như Dean Koontz (ông hiện 74 tuổi) hẳn đã lựa chọn cái tên “Wuhan-400” bởi ông biết thành phố Vũ Hán là nơi có nhiều trung tâm nghiên cứu.

Nhà văn chuyên sáng tác tiểu thuyết về đề tài tội phạm đến từ Hong Kong - ông Chan Ho-kei - chia sẻ thêm rằng hiện tượng “tiểu thuyết tiên đoán” là một điều thực ra khá thường thấy trong giới văn chương: “Nếu các bạn đọc thật nhiều, thì tôi cá rằng kiểu gì các bạn cũng sẽ tìm thấy những điều mà ta có thể gọi là tiên đoán về hầu hết mọi sự việc trên thế giới này. Đó là một hiện tượng thường thấy trong thế giới văn chương”.

Về phần nhà văn Dean Koontz, ông nhất quyết không đưa ra bình luận gì về việc tác phẩm của mình bất ngờ gây sốt trở lại và trở thành chủ đề bàn luận trong thời gian gần đây. Điều này có lẽ là một cách để nhà văn càng tạo thêm sự tò mò, thích thú, và cũng là một cách để âm thầm khuyến khích độc giả càng hứng thú tìm hiểu thêm về các tác phẩm văn chương của mình.

Bích Ngọc

Theo New York Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm