Tiểu thuyết của nữ nhà văn gốc Việt khiến người Canada tìm đọc

(Dân trí) - Cuốn tiểu thuyết “Ru” của nữ nhà văn người Canada gốc Việt - Kim Thúy - đã trở thành cuốn sách để mọi người dân Canada tìm đọc. “Ru” chứa đựng niềm cảm hứng mạnh mẽ về đất nước Việt Nam.

Nữ nhà văn người Canada gốc Việt - Kim Thúy - vừa giành giải “Canada Reads” - một giải thưởng văn học do đài truyền hình quốc gia Canada - CBC - đứng ra tổ chức. Tác phẩm giúp Kim Thúy giành giải chính là “Ru” (2009) - cuốn tiểu thuyết đầu tay của Kim Thúy, chứa đựng niềm cảm hứng mạnh mẽ về đất nước Việt Nam.

Trước đây, “Ru” đã từng giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín của Canada, cho đến giờ, “Ru” vẫn tiếp tục là một hiện tượng của văn đàn Canada. Tiểu thuyết kể về quá trình thích nghi với cuộc sống mới ở tỉnh Quebec của một cô bé người Việt đến từ Sài Gòn, đi di cư cùng với gia đình.

Tiểu thuyết của nữ nhà văn gốc Việt khiến người Canada tìm đọc

Nữ nhà văn người Canada gốc Việt - Kim Thúy (sinh năm 1968). Cô được biết tới nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết “Ru”.

“Canada Reads” là một giải thưởng thường niên, được phát trên sóng truyền hình của đài CBC. Giải được chia làm hai hạng mục quan trọng - văn học tiếng Anh và văn học tiếng Pháp.

Tại giải “Canada Read”, 5 nhân vật đại diện cho 5 cuốn sách đang gây tiếng vang sẽ cùng chỉ ra cái hay, cái đẹp trong tác phẩm mà mình đại diện.

Những “cuộc chiến ngôn từ” sẽ được truyền hình đến khán giả qua 5 buổi phát sóng. Ở cuối mỗi buổi, một cuốn sẽ bị loại ra, cho tới khi chỉ còn một cuốn ở lại. Cuốn này sẽ giành giải “Canada Reads” - cuốn sách mà tất cả mọi người dân Canada đều nên tìm đọc.

Năm nay, ông Cameron Bailey - giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế Toronto - là người đứng ra bình cuốn sách “Ru” của nữ tác giả Kim Thúy. Chủ đề của giải “Canada Reads” năm nay là “Một cuốn sách phá vỡ mọi rào cản”.

Cuốn “Ru” đã từng tranh giải “Canada Reads” ở hạng mục văn học tiếng Pháp năm 2014 nhưng không giành giải. Năm 2015, “Ru”, đã được dịch sang tiếng Anh, tiếp tục tranh giải ở hạng mục văn học tiếng Anh và vừa giành giải cao nhất.

Tiểu thuyết của nữ nhà văn gốc Việt khiến người Canada tìm đọc

Giải thưởng “Canada Reads” thu hút rất đông sự quan tâm của người dân Canada, tác giả và tác phẩm nhận được giải thưởng này sẽ nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

“Ru” là một tựa sách đa nghĩa, trong tiếng Việt, “Ru” là một việc làm đầy dịu dàng, âu yếm; trong tiếng Pháp, “Ru” có nghĩa là dòng suối nhỏ. Hiện tại, “Ru” đã được xuất bản ở 20 quốc gia.

“Ru” kể về dòng chảy cuộc đời, có lúc cuộn trào đầy bất an như những cơn thuỷ triều lên xuống, nhưng rồi cuối cùng sẽ trở lại là vùng nước yên bình như “lời ru” của mẹ.

Nhân vật chính trong “Ru” từ một cô gái hiền hoà đã trở thành một người mẹ cứng cỏi, cô liên tiếp hồi tưởng về quá khứ rồi lại quay trở về hiện tại. Dòng thời gian đan xen trong “Ru” với những ký ức yêu thương, hờn giận, buồn bã, vui tươi… cứ trở đi trở lại, đầy day dứt, ám ảnh.

Khi “Ru” giành giải “Canada Reads”, Kim Thúy đã rất kinh ngạc. Cô cho biết mình không bao giờ có thể ngờ cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ chính cuộc sống của mình lại giành được giải thưởng ý nghĩa này.

Qua những lời bình luận của Cameron Bailey, “Ru” có thể không phải một tác phẩm trực tiếp gọi tên những rào cản, nhân vật nữ chính của “Ru” cũng không luôn luôn chiến đấu với những rào cản, nhưng thực tế, cô gái ấy đã “ngó lơ” mọi rào cản để sống tốt.

Tiểu thuyết của nữ nhà văn gốc Việt khiến người Canada tìm đọc

Giữa Kim Thúy và Cameron Bailey có một điểm chung, họ đều là những người nhập cư. “Ru” đã vừa an ủi, vừa gây chấn động đối với Bailey.

Nhà văn Kim Thúy, tên thật là Nguyễn An Tịnh, sinh năm 1968 tại Sài Gòn. Năm lên 10 tuổi, cô cùng gia đình sang định cư ở Canada. Kim Thúy đã tốt nghiệp khoa luật, khoa ngôn ngữ và dịch thuật tại Đại học Montreal.

Cô từng làm nhiều nghề, như thợ may, phiên dịch, luật sư, chủ nhà hàng, đầu bếp… Hiện giờ, cô dành trọn thời gian để viết văn. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của cô - “Mãn” cũng vừa được xuất bản.

“Mãn” theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, được mở đầu bằng những câu chữ đầy bí ẩn: “Maman và tôi trông không giống những người khác… Bà ấy có một lỗ hổng ở bắp chân và tôi có một lỗ hổng ở trái tim”.

Maman là người mẹ thứ 3 của Mãn - nhân vật nữ chính của tác phẩm, một cô gái Việt Nam. Người mẹ đầu tiên của Mãn là người đã sinh ra cô - một phụ nữ trẻ, chưa chồng với “một lỗ hổng trong đầu”. Người mẹ thứ hai là người đã chăm sóc cô - một bà xơ với “một lỗ hổng trong đức tin”. Maman - người mẹ thứ 3 - là người đã thực lòng yêu thương, chăm sóc Mãn.

Tiểu thuyết “Mãn” vẫn là cuộc hành trình từ Việt Nam đến Canada, khi Mãn được hứa gả cho một người đàn ông ở “trời Tây”. Mãn mang dáng dấp của Kim Thúy, cô cũng yêu nấu ăn và trở thành nữ đầu bếp để giới thiệu những món ăn quê nhà với thực khách nơi xứ lạ. Thế rồi, cuộc sống của Mãn bắt đầu trở nên kịch tính khi một người đàn ông xuất hiện.

Tiểu thuyết của nữ nhà văn gốc Việt khiến người Canada tìm đọc


Trong “Mãn”, người ta bắt gặp những câu thơ trong “Truyện Kiều” và Mãn đã nói rằng “chừng nào Truyện Kiều còn, thì không cuộc chiến tranh nào có đủ sức hủy diệt Việt Nam”.

Bích Ngọc
Tổng hợp