1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

"Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" và những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

Phương Nhung

(Dân trí) - "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" được ông viết với một tình yêu lớn lao với Bác Hồ, nên cảm xúc dào dạt.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là tác giả các ca khúc "Xa khơi", "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó"... Ông từng kể, vào năm 1958, NSND Quốc Hương và ông có chuyến công tác lên các tỉnh phía Bắc vào đúng những ngày tháng Năm lịch sử.

Khi đó, NSND Quốc Hương nói: "Sắp đến ngày sinh nhật Bác rồi, anh hãy viết một bài để chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày sinh nhật Bác nhé".

Tiếng hát giữa rừng Pác Bó và những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - 1

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là tác giả các ca khúc "Xa khơi", "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó"... (Ảnh: ST).

Cùng với những tài liệu đã sưu tầm được về Bác, về chiến khu Việt Bắc cộng với vốn kiến thức về nghệ thuật hát Then - đàn Tính,... giai điệu của ca khúc "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" đã được nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết nên.

Tiếng hát giữa rừng Pác Bó - Anh Thơ

"Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" được ông viết với một tình yêu lớn lao với Bác Hồ, nên cảm xúc dào dạt.

Ca khúc đã khái quát những dấu son của dân tộc từ khi Bác trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: "Ơ rừng Pác Bó quê ta nhớ rừng xưa ôm bóng Người/Bước chân Người đi đất chuyển dời theo Người/Người về rừng núi bóng Người vì sao trong sáng/Bóng đa Tân Trào đọng lời thiết tha/Nắng in Ba Đình còn nghẹn lòng ta/Suối reo dưới chân Người qua/Đất rung tiếng ca nở hoa Tháng Tám/Khuổi Nặm còn reo nhịp theo mong nhớ Người".

Bên cạnh "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó", tác phẩm "Xa khơi" của ông được đánh giá là một ca khúc rất chuẩn mực về âm nhạc.

"Xa khơi" là một ca khúc trong bộ 05 tác phẩm Giải thưởng Nhà nước đợt I (năm 2001) của ông. Ca khúc được bắt đầu nhen nhóm ý tưởng từ năm 1956-1957, lúc nhạc sĩ đi thực tế tại miền Trung.

Ông chắp bút bắt đầu viết ca khúc vào năm 1961 trong khi đang thực hiện một chuyến đi điền dã tại một số huyện vùng cao thuộc tỉnh miền núi Hòa Bình. Lúc này, Đảng và Nhà nước mở một cuộc thi lớn về sáng tác ca khúc, nhằm cổ vũ, động viên tinh thần sản xuất, chiến đấu của tiền tuyến và hậu phương lớn. 

Xa khơi - Tân Nhân

Nguyễn Tài Tuệ tự hỏi: "Ngoài biển kia con cá nục đến con cá măng còn đi đi lại lại, bay nhảy thoải mái giữa hai miền, tại sao con người lại bị ngăn cách?" Và, ông lấy khát vọng thống nhất đất nước làm chủ đề ca khúc.

Những nghệ sĩ nổi tiếng đã từng thể hiện ca khúc này như: Tân Nhân, Thanh Huyền, Hương Loan, Tường Vi, Lê Dung, Thu Hiền, Anh Thơ, Tân Nhàn... Trong đó, Tân Nhân (1932 - 2008) là Nghệ sĩ Ưu tú, nổi tiếng vào thập niên 1950-1960 được coi là ca sĩ đã thể hiện "Xa khơi" thành công nhất. 

Hồn cốt của "Xa khơi" được ông lựa chọn theo điệu thức của "Ví", "Giặm", một loại hình âm nhạc dân gian của Nghệ Tĩnh.

Tiếng hát giữa rừng Pác Bó và những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - 2

"Xa khơi" được ông lựa chọn theo điệu thức của "Ví", "Giặm" (Ảnh: ST).

Trên nền những giá trị của âm nhạc dân tộc, sau này nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ còn sáng tác các ca khúc "Xuân về trên bản", "Suối Mường Hum còn chảy mãi", "Lời ca gửi Nọong",… Theo ông, việc lấy âm hưởng dân gian là cách để tác phẩm dễ đi vào lòng người.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt I (2001) về Văn học Nghệ thuật, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

Vào những ngày đầu năm Nhâm Dần, giới nghệ thuật đau xót nhận tin nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường cho biết: "Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã qua đời sáng nay, vào lúc 9h07 phút, hưởng thọ 87 tuổi".

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường chia sẻ thêm: "Trước đó, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ mắc Covid-19, được đưa sang bên Đông Anh điều trị. Khi khỏi rồi, nhạc sĩ được đưa về nhưng lại bị phổi, phải vào viện cấp cứu. Ông mất vì bệnh phổi..." Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam!