Tiễn đưa nhà thơ Phan Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng

(Dân trí) - Sáng ngày 19/7, tại Nhà tang lễ TPHCM, các văn nghệ sĩ, đồng nghiệp và người thân đã đến tiễn đưa nhà thơ Phan Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nhà thơ Phan Vũ qua đời sáng ngày 17/7 sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 93 tuổi. Sự ra đi của ông để lại nhiều sự tiếc thương cho đồng nghiệp, đặc biệt những người yêu thơ và gắn bó với nhà thơ trên văn đàn, hội họa trong những năm tháng cuối đời.

Tiễn đưa nhà thơ Phan Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng - 1

Sáng ngày đưa tiễn nhà thơ Phan Vũ, gia đình, đồng nghiệp tề tựu bên linh cữu nhà thơ để thắp nén nhang tiễn biệt ông.

Sáng ngày tiễn ông đi, nhà báo Nguyễn Trọng Chức đã thay mặt gia đình nói những lời chia biệt với nhà thơ Phan Vũ. Ông nói: "Chúng tôi có duyên may gặp nhau. Tôi làm báo và biết anh đã 30 năm, may mắn được anh xem như người bạn vong niên, cùng chia sẻ những ngọt bùi. Đó là một con người đa đoan, tài năng, khuấy động tất cả lĩnh vực ông ghé chân vào. Từ lúc tôi còn bé, tên tuổi ông đã tạo dấu ấn rất lớn trong các lĩnh vực phim ảnh, sân khấu, với nhiều kịch bản phim, đạo diễn truyền hình... Trong lĩnh vực thi ca, Em ơi, Hà Nội phố của ông đã đi vào lòng nhiều thế hệ".

Tiễn đưa nhà thơ Phan Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng - 2

Khoảnh khắc cuối, nhà báo Nguyễn Trọng Chức xúc động: "Thưa anh Phan Vũ, chắc anh không có trăng trối vì đã sống cuộc đời quá toàn bích. Tôi xin mượn ý một câu thơ của anh thay lời tiễn đưa: Ta còn Phan Vũ/ Một màu xanh thời gian".

Tiễn đưa nhà thơ Phan Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng - 3

Vợ nhà thơ Phan Vũ - nhà báo Diễm Chi (Báo Phụ Nữ TPHCM) đại diện gia đình nói lời cảm ơn chân thành đến tất cả tình thương yêu mà mọi người, đồng nghiệp báo chí, văn nghệ sĩ đã dành cho nhà thơ khi ông qua đời.

Bà nghẹn ngào xúc động: "Sinh thời, anh Phan Vũ được mọi người rất yêu mến. Có lẽ hôm nay, anh cũng rất hạnh phúc khi chứng kiến bạn bè tề tựu. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ”.

Tiễn đưa nhà thơ Phan Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng - 4

Đến tiễn biệt nhà thơ Phan Vũ sáng nay còn có NSƯT Thành Lộc, anh chia sẻ về kỷ niệm đã gắn bó với nhà thơ lúc sinh thời.

Thành Lộc kể, khi anh 18 tuổi, học năm nhất của trường Nghệ thuật Sân khấu II – nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM được nhà thơ Phan Vũ mời tham gia kịch truyền hình do chính nhà thơ Phan Vũ làm đạo diễn. Thời điểm đó, nhà trường cấm không cho sinh viên đang theo học tham gia đóng kịch, đóng phim nên lúc vở kịch phát sóng anh đã bị trưởng khoa khiển trách. Thế nhờ tên tuổi và uy tín lớn của nhà thơ Phan Vũ nên Thành Lộc được cho qua, không bị phạt.

NSƯT Phi Điểu tuổi cao cũng đến tiễn biệt nhà thơ Phan Vũ, bà cho rằng ông là một hình bóng rất lớn cùng các nghệ sĩ lớn trong làng văn học nghệ thuật nước nhà.

Bà xúc động chia sẻ về sự ra đi của ông: "Tiếc cho một tài năng đang cống hiến cho văn học nghệ thuật rất nhiều thành tựu. Ông ra đi, đất nước mình mất đi một tài năng, một nhà văn hóa được nhân dân yêu mến. Ông là người vô cùng tình cảm, sống tử tế và hiền lành. Tôi tin từ sự bùng cháy của đam mê, ông vẫn là người truyền cảm hứng để thế hệ trẻ phấn đấu sáng tạo cho nền văn học nước nhà mãi mãi thắp sáng những thành tựu mới".

Tiễn đưa nhà thơ Phan Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng - 5

 Linh cữu nhà thơ Phan Vũ được hoả táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9, TP HCM.

Băng Châu

Ảnh: Thanh Hiệp