Thưởng thức văn hóa, đặc sản Tây Bắc giữa lòng thủ đô
(Dân trí) - Đặc sản và những nét đẹp văn hóa Tây Bắc là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động “Hội Xuân Bính Thân 2016” sẽ diễn ra từ ngày 20/1 đến ngày 5/2 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hà Nội.
Hội Xuân Bính Thân 2016 được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị, nét đẹp truyền thống văn hóa, tết cổ truyền của dân tộc, là hoạt động thiết thực phục vụ nhân dân Thủ đô nhân dịp tết đến, xuân về.
Đặc biệt thu hút đông đảo người đến tham quan là “Chợ phiên Lào Cai - Tinh hoa Tây Bắc” với những gian nhà tre mái lá, ngựa thồ, thổ cẩm, là những sản vật đặc trưng của các làng nghề ở Lào Cai và các tỉnh vùng cao Tây Bắc.
Khách tham quan sẽ được thưởng thức tiệc trà (từ 20 thương hiệu trà nổi tiếng Tây Bắc) và các món ăn truyền thống của các dân tộc Tây Bắc như: rượu, thắng cố, mèn mén, bánh trưng đen, xôi ngũ sắc, thịt lợn mán....
Trong thời gian diễn ra Hội Xuân còn tái hiện các hoạt động văn hóa đặc sắc: chợ tình Sa Pa (Lào Cai), chợ tình Khau Vai (Hà Giang), chợ Bắc Hà, Mường Khương cùng các trò chơi, lễ hội văn hóa theo đúng tập tục của bà con vùng cao Tây Bắc như: ném còn, múa khèn, múa xòe, nhảy lửa...
Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội xuân Bính Thân 2016 có triển lãm “Mỹ thuật chào xuân Bính Thân 2016”, hoạt động nhắm hướng tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của giới mỹ thuật với nhân dân trong nước và khách quốc tế.
Gần 100 tác phẩm hội họa: Lụa, giấy dó, sơn dầu, sơn mài, acrylic… của các họa sĩ nổi tiếng như: Phương Bình, Đỗ Dũng, Bùi Trọng Dư, Nguyễn Ngọc Dân, Lê Trí Dũng, Đào Thành Duy, Đỗ Đức, Đinh Minh Đông, Võ Tá Hùng, Phạm Quang Huynh, Phạm Minh Hải, Dương Ngọc, Nguyễn Hữu Khoa, Đào Anh Khánh, Nguyễn Doãn Sơn, Lê Công Thành, Phùng Mỵ Trâm và sản phẩm Gốm của 2 họa sĩ Vũ Hữu Nhung và Nguyễn Như Quang.
Cũng tại Hội Xuân sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề Mừng Đảng - Mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Chương trình được dàn dựng công phu với sự tham gia của các nghệ sỹ thuộc Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát dân gian Việt Bắc, Đoàn văn công Quân khu I, Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Các hoạt động góp phần quảng bá hình ảnh, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội, khai thác tối đa lợi thế, vị trí địa lý, du lịch, thương mại của của bà con dân tộc thiểu số các vùng miền, tôn vinh các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa.
Mặt khác, chương trình góp phần bảo tồn nghề truyền thống của bà con vùng cao thông qua phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề... tạo thêm việc làm trên cơ sở phát huy thế mạnh của các nghề truyền thống bản địa.
Cũng như việc giao lưu giữa Việt kiều và bà con vùng cao là điều kiện kết nối, khai thác, mở rộng các tour du lịch về vùng cao, tăng cường hiểu biết về văn hóa và đại đoàn kết dân tộc.
Quỳnh Nguyên