Thủ tướng duyệt chi 7.400 tỷ đồng trùng tu di tích quốc gia

(Dân trí)– 300 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng được hỗ trợ tu bổ, 1200-1500 di tích quốc gia được hỗ trợ chống xuống cấp, thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ trình UNESCO… là những mục tiêu cụ thể của ngành văn hóa từ nay đến 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 – 2015.

Với mục tiêu ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất mát, thất truyền vĩnh viễn di sản văn hóa vật thể; nâng cao tính bền vững, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của hệ thống di sản này, Chương trình sẽ hoàn thành việc lập các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích đặc biệt quan trọng theo danh mục đã được lập, phê duyệt.
 
Nhà tù Côn Đảo - một công trình được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Nhà tù Côn Đảo - một công trình được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Nhà nước tiếp tục đầu tư triển khai các dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia đang đầu tư dở dang trong những năm qua. Mỗi năm, đầu tư tu bổ tổng thể cho 60 - 90 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho 300 - 400 di tích.

Kinh phí thực hiện việc này dự kiến khoảng 5.200 tỷ đồng trên tổng số gần 7.400 tỷ đồng được duyệt. .

Thủ tướng yêu cầu đến năm 2015 phải hoàn thành công tác tổng kiểm kê giá trị văn hóa phi vật thể trên cả nước, xây dựng bản đồ phân bố giá trị văn hóa phi vật thể. Dự kiến, chương trình tiến hành 500 dự án sưu tầm bảo tồn lưu giữ văn hóa vi vật thể, hoàn chỉnh ngân hàng dữ liệu về loại hình văn hóa này.

Ngành văn hóa cũng có kế hoạch nghiên cứu lập hồ sơ thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, phục dựng 20 lễ hội, hoàn thành các làng bản cổ tiêu biểu để khai thác phục vụ du lịch văn hóa.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ các bảo tàng tỉnh, thành phố mua từ 10 - 30 hiện vật mỗi năm để xây dựng sưu tập phù hợp với loại hình và nhiệm vụ của bảo tàng.

Hoạt động này dự kiến ngốn khoảng 290 tỷ đồng.trong vòng 3 năm tới.

Ngoài ra, chương trình còn đặt nhiệm vụ phải đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống, thông qua hình thức xây dựng, nâng cấp các rạp biểu diễn nghệ thuật truyền thống TƯ, hỗ trợ xây dựng các rạp tại các địa phương có loại hình nghệ thuật tiêu biểu.

Bên cạnh đó, nhà nước sẽ hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho các đoàn nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cán bộ, diễn viên theo từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các đối tượng nghệ nhân, diễn viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Việc xây dựng, biên soạn giáo trình, các ấn phẩm, băng đĩa về các loại hình nghệ thuật truyền thống cho hệ thống trường học trên cả nước cũng được đề cập.

 
P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm