Thiếu tự trọng và thiếu văn hóa ngày càng trầm kha

Đến xem hoa, nhưng nhiều người đã ứng xử với vẻ đẹp của hoa bằng cách của những người thiếu văn hóa, thiếu ý thức, khi cố tình phá hoại những cây hoa mà đáng ra được nâng niu, gìn giữ...

Hoa là biểu tượng của cái đẹp, đương nhiên, những người biết thưởng hoa thường là những người có tâm hồn, có hiểu biết và biết trân trọng cái đẹp, bởi vẻ đẹp nào cũng xứng đáng được gìn giữ và nâng niu…Thế nhưng, rất lạ khi sự thật y ở nhiều lễ hội hoa, vườn hoa lại cho thấy không phải vậy...

 

Tam giác mạch ở Hà Giang.

Tam giác mạch ở Hà Giang.

Thung lũng hoa ở Hồ Tây sau 3 ngày mở cửa miễn phí phải vội vàng đóng cửa, dù dự định ban đầu là mở cửa 1 tuần, bởi thung lũng hoa đã “be bét” vì bị chính những người đến “thưởng hoa” phá nát. Những tưởng người biết chơi hoa đều là những người có văn hóa, thì sẽ biết nâng niu vẻ đẹp mong manh của hoa.

Anh Bùi Mạnh Hiếu, đã bất ngờ khi thấy có vô số người thiếu ý thức đến độ, dù chủ vườn đã cho làm những lối đi, biển báo cấm ngắt hoa bẻ cành, có nhân viên bảo vệ hướng dẫn, nhưng họ vẫn dẫm đạp lên các luống hoa, thản nhiên ngắt hoa để chụp ảnh, bất chấp đội ngũ nhân viên hùng hậu nhắc nhở. Thậm chí, không ít người khi nhân viên nhắc còn cố “cãi cùn” và tiếp tục giẫm vào hoa để bước qua cho nhanh, hc chụp ảnh, không cần biết việc có một tấm ảnh đẹp cho riêng mình như thế làm tổn hại rất nhiều cho những người khác.

Mở cửa miễn phí cho người xem hoa, là thiện chí của anh để mọi người cùng được thưởng thức cái đẹp mà không phải đi xa. Thế nhưng, thiện chí ấy đã bị “giẫm đạp” như những dấu chân giẫm nát những cánh hoa, để chủ vườn không chỉ bị tổn thất về công sức, tiền bạc đầu tư, cất công mang từ Hà Giang về 2 tạ hạt tam giác mạch để gieo, mà nhiều cây hoa bị chết sẽ không thể trồng lại kịp cho thu hoạch vào Tết Nguyên đán.

Điều đáng nói là sự thiếu ý thức như thế này diễn ra nhiều năm và ở nhiều nơi. Trước khi “tàn phá” thung lũng hoa ở Hồ Tây, cũng là thời điểm lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang chuẩn bị diễn ra, nhưng nhiều nương hoa tam giác mạch ở Hà Giang đã bị những người đến “chơi hoa” phá nát, khiến Ban Tổ chức đã phải rất vất vả tìm các phương án khắc phục cho kịp lễ hội.

Cách đây gần chục năm, lần đầu tiên lễ hội hoa anh đào Nhật Bản được tổ chức ở Hà Nội, BTC đã phát hoảng vì không thể ngờ ý thức của nhiều người dân lại kém thế. Những cây anh đào tươi được vận chuyển từ Nhật Bản sang Việt Nam rất kỳ công. Hội hoa anh đào Nhật Bản đã phải lựa chọn từ những cây hoa từ vùng Đông Bắc rồi mang đến Việt Nam bằng đường hàng không, tính toán thời gian sao cho nở đúng ngày lễ hội. Anh đào được coi là quốc hoa của người Nhật nên họ rất nâng niu, trận trọng.

Ấy thế mà những cây anh đào được trưng bày ở sân Quần Ngựa chưa hết một buổi, đã bị nhiều người bẻ cành mang về. Nhìn những người Nhật thất vọng trước những cây anh đào tan tác đủ hiểu họ nghĩ gì về văn hóa tự giác của người Việt Nam. Thế là, mùa lễ hội hoa anh đào năm sau, BTC phải nhờ tới lực lượng Công an Hà Nội cùng với lực lượng bảo vệ và 140 tình nguyện viên Nhật Bản và Việt Nam tham gia. Mỗi cây anh đào có 2-4 bảo vệ ngồi canh từ chiều hôm trước, cùng tấm biển “năn nỉ” người dân đừng phá hoa rất …tội nghiệp.

 

Tranh cướp hoa ở Lễ hội Hoa Anh Đào. Ảnh: Dân việt.

Tranh cướp hoa ở Lễ hội Hoa Anh Đào. Ảnh: Dân việt.

 

Bảo vệ quanh gốc anh đào trong lễ hội hoa.

Bảo vệ quanh gốc anh đào trong lễ hội hoa.

Những lễ hội hoa tổ chức xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố lân cận cũng từng bị ngắt hoa, bẻ cành, giẫm vào trong khu vực trưng bày hoa để chụp ảnh. Sợ những hành động phá hoại hoa lặp lại, lễ hội hoa năm sau, BTC phải huy động 500 người tham gia gìn giữ an ninh.

Việc “cướp” hoa ở cửa hàng của Tập đoàn bán lẻ Aeoon Mall (Nhật) ở TP.HCM năm trước cũng từng bị lên báo Nhật với những lời nhận xét thẳng thắn: “Người dân đua nhau giành chậu hoa và vòng hoa ngay trước lễ khai mạc. Đó là hành động thiếu đạo đức. Ở nhiều nơi tại Nhật, vòng hoa chúc mừng được xem là “linh vật”, song ở Việt Nam, nó không có ý nghĩa gì cả …”

Điều đáng nói là, hầu hết những người đã “cướp” hoa, phá hoại hoa ở các lễ hội hoa, các vườn hoa, đều không phải là người trông nghèo khó. Vậy thì điều gì đã “thôi thúc” họ làm những việc mà họ thừa biết rằng, nếu những người nhỏ tuổi hơn trong gia đình họ chứng kiến, sẽ rất xấu hổ và không thể coi đó là tấm gương? Không vì lý do thiếu thốn về kinh tế, chỉ có thể là lý do thiếu lòng tự trọng mà thôi.

Nhưng dường như nhờ có hoa, văn hóa và nhân cách của nhiều người mới có phần bộc lộ.

Theo Thanh Hằng

Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm