Thừa Thiên Huế:

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần

Đại Dương

(Dân trí) - Bắt đầu từ thứ Hai, 7/9, Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai cho toàn thể cán bộ công chức của Sở mặc áo dài truyền thống khi đi làm việc.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở đã áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng. Đây cũng là ngày tổ chức lễ Chào cờ tập trung toàn bộ khối văn phòng Sở, kết hợp giao ban đơn vị và tặng hoa chúc mừng sinh nhật các thành viên có sinh nhật trong tháng.

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 1

Lễ chào cờ đầu tuần tại Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế với 100% cán bộ vận áo dài, khăn đóng xưa

Ông Hải cho biết, áo dài được sử dụng ở đây là áo dài truyền thống mang đậm bản sắc Huế, chủ yếu là áo dài Ngũ thân đối với nam. Áo dài Ngũ thân chính là kiểu áo do chúa Nguyễn Phúc Khoát sáng tạo nên từ năm 1744 sau lần cải cách trang phục ở Đàng Trong và chúa quyết định xưng vương hiệu, cho quy hoạch và xây dựng Đô thành Phú Xuân (tiền thân của Kinh thành Huế thời Nguyễn). Về sau, áo Ngũ thân được hoàng đế Minh Mạng đưa lên thành quốc phục của người Việt Nam; chủ trương này được đưa ra từ năm 1827, và thực hiện quyết liệt từ năm 1837.

Áo Ngũ thân (hay năm thân) gồm 2 thân trước, 2 thân sau, 1 thân con phía trong. 5 thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân mình. Trên áo có 5 cúc tượng trưng cho Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín, nên khi mặc áo dài Ngũ thân vào, bản thân mỗi người phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý của người quân tử.

Cùng với chiếc áo dài còn có tấm thẻ bài (mô phỏng theo kiểu xưa) có ghi 4 chữ Nho là “Nguyên Phong Chấp Sự”, tức là giữ gìn phong tục xưa. Người mặc áo dài Ngũ thân luôn quấn khăn hoặc vận chiếc khăn đóng kiểu chữ Nhân, hay chữ Nhất.

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 2

Áo dài Ngũ thân cho cán bộ nam ở Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế

Riêng nữ giới thì vận áo dài truyền thống đã có chút cách tân, do áo dài nữ biến đổi rất phức tạp, đa số từ kiểu năm thân, tứ thân thành kiểu hai thân nên việc mặc áo dài (2 thân như hiện nay) vẫn đảm bảo được nét đẹp và giữ được sự thoải mái, nhưng sắp tới Sở Văn hóa và Thể thao cũng sẽ trang bị áo Ngũ thân truyền thống cho cán bộ công chức nữ.

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 3

Áo dài truyền thống cho cán bộ nữ. Tất cả mọi người ngoài áo dài đều có mang khăn đóng

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Vũ Minh Tú, Phó Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa cho biết, việc mặc áo dài đã được Sở triển khai từ trước, anh chị em trong Sở đã quen với việc mặc áo dài trong các dịp lễ, hội nghị nên thấy bình thường và thoải mái. “Vì là ngành văn hóa, nên mặc áo dài khơi dậy niềm tự hào dân tộc và văn hóa xưa với nhiều điều tốt đẹp của cha ông” - ông Tú trao đổi.

Sắp tới, Sở cũng dự kiến sẽ quy định các cán bộ mặc áo dài ngày thứ Hai hàng tuần trong lễ Chào cờ và giao ban, để tuyên truyền việc khôi phục lại nếp mặc áo dài xưa, là tinh túy của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 4

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế là người tiên phong đưa ý tưởng mặc áo dài truyền thống cho cả nam và nữ đi làm ngày đầu tuần thành hiện thực

Được biết, Sở Văn hóa & Thể thao là đơn vị được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai đề án Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam. Ngày 8/7 vừa qua, Sở đã chủ trì tổ chức thành công hội thảo khoa học với cùng tên gọi. Hiện tại, Sở đang tích cực triển khai nhiều hoạt động để chuẩn bị tổ chức Ngày Hội Áo Dài, dự kiến sẽ thực hiện sau khi Việt Nam khống chế thành công đại dịch Covid-19.

Cùng với Sở Văn hóa & Thể thao, hiện nay đã có một số đơn vị, ngành triển khai phục hồi phong trào mặc áo dài truyền thống đối với toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động.

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 5

Lễ chào cờ trong trang phục áo dài xưa

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 6
Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 7
Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 8

Những chiếc khăn đóng tưởng chừng chỉ gặp trong những dịp lễ, húy kỵ nay đã xuất hiện ở công sở chuyên về ngành văn hóa tại Huế

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 9
Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 10

Thẻ bài ghi 4 chữ Nho: Nguyên Phong Chấp Sự, tức là giữ gìn phong tục xưa

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 11

Mẫu áo dài Ngũ thân xưa. Sắp tới Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cũng sẽ trang bị áo Ngũ thân truyền thống cho cán bộ công chức nữ.

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 12

Gia đình Tổng đốc Hà Đông - Hoàng Trọng Phu với áo dài Ngũ thân (ảnh tư liệu: Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế)

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 13

Chân dung những người đàn ông ở Huế xưa mặc áo dài Ngũ thân vào những năm 1924-1930 (ảnh bưu thiếp của Photo Nadal Saigon, nguồn ảnh: delcampe.net)

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 14

Thầy trò trường Trung học Khải Định (tức Quốc Học Huế) năm 1937 với áo dài Ngũ thân

Thích thú hình ảnh cán bộ Sở vận áo dài khăn đóng xưa đi làm ngày đầu tuần - 15

Gia đình Hoàng thân Nguyễn Phúc Hồng Khẳng trong trang phục áo dài Ngũ thân chụp tại Lạc Tịnh Viên, Huế (ảnh tư liệu: Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế)