Thí sinh tử vong khi tham gia truyền hình thực tế

(Dân trí) - Việc diễn viên Shain Gandee của show truyền hình thực tế “Buckwild” chiếu trên kênh MTV qua đời ở tuổi 21 đã làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về mặt trái của các show truyền hình thực tế tại Mỹ hiện nay.

Dù những mặt trái của các show truyền hình thực tế đã được đề cập tới từ lâu nhưng chỉ tới đầu năm 2013 nó mới thực sự trở thành chủ đề quan tâm của dư luận và truyền thông.

Việc ngôi sao ca nhạc đồng quê Mindy Cready tự tử đã khiến rất nhiều người nhớ lại việc cô tham gia vào show truyền hình “Celebrity Rehab with Dr. Drew” hồi năm 2009 để được bác sĩ tâm lý trị liệu trực tiếp trên truyền hình.

Mindy Cready trong chương trình 

Mindy Cready trong chương trình “Celebrity Rehab with Dr. Drew”

Chương trình “Survivor” của Pháp (tương tự như “Cuộc đua kỳ thú”) cũng vừa phải hoãn phát sóng sau khi một thí sinh tham gia chết vì nhồi máu cơ tim ngay trong ngày đầu tiên bấm máy cho mùa mới.

Một thí sinh của Survivor phiên bản Pháp qua đời ngay trong ngày đầu bấm máy của mùa mới.

Một thí sinh của "Survivor" phiên bản Pháp qua đời ngay trong ngày đầu bấm máy của mùa mới.

Truyền hình thực tế không chỉ gây ra nhiều bất cập đối với những cá nhân tham gia mà ngay cả người xem nó cũng chịu không ít tác động.

Giữa bối cảnh có quá nhiều chương trình truyền hình thực tế ra đời, một số show đã quyết định đi theo con đường mạo hiểm mới, “kích động” lối sống tiêu cực trong khán giả, mong tăng lượng người xem nhờ vào những tình huống giật gân, gây sốt.

Việc MTV xây dựng chương trình “Buckwild” khắc họa cuộc sống của 9 bạn trẻ ở bang West Virginia (một vùng đất nhiều đồi núi, khá vắng vẻ) với sở thích tìm niềm vui trong những trò nguy hiểm đã gây ra nhiều phản ứng trong khán giả.

Một thí sinh của Survivor phiên bản Pháp qua đời ngay trong ngày đầu bấm máy của mùa mới.


Dù rằng trước mỗi tập phát sóng, nhà sản xuất “Buckwild” đều cảnh báo những hoạt động được khắc họa trong phim rất nguy hiểm và yêu cầu khán giả không làm theo, nhưng rõ ràng “Buckwild” đã ngầm cổ động cho một lối sống liều lĩnh, bất chấp tất cả trong giới trẻ.

Các diễn viên xuất hiện trong chương trình quan hệ tình dục dễ dãi, bừa bãi, có những “sáng tạo” quá đà, bên cạnh đó họ còn gây lộn, đánh nhau và uống rất nhiều rượu.

Chính cách xây dựng chương trình như vậy khiến nhiều người cho rằng nó đã ảnh hưởng tới lối sống của những diễn viên tham gia, gián tiếp dẫn tới cái chết của diễn viên Gandee.

Diễn viên Shain Gandee ra đi ở tuổi 21 trong một lần phượt.

Diễn viên Shain Gandee ra đi ở tuổi 21 trong một lần "phượt".

Trước khi chương trình “Buckwild” lên sóng, người dân ở bang West Virginia đã lên tiếng phản đối phong cách sống mà chương trình khắc họa về người dân vùng này.

Thượng nghị sĩ của bang - ông Joe Manchin thậm chí đã yêu cầu MTV không phát sóng chương trình “Buckwild”.

Trong lá thư gửi tới đài, ông viết: “Thay vì khắc họa những nét đẹp của vùng đất và người dân nơi đây, chương trình của các vị lại làm hại những người trẻ, khuyến khích họ làm những việc nguy hiểm, đáng xấu hổ… Chương trình này thật ngớ ngẩn, khắc họa không đúng về người dân bang West Virginia.”

Nội dung chương trình có thể khiến người xem hiểu nhầm rằng người dân bang West Virginia rất “nhạy bén” với các trò giải trí kỳ quái, mạo hiểm, thậm chí có lối sống tiêu cực.

Vài tháng trước, diễn viên Shain Gandee đã cùng các bạn diễn của mình lên tiếng bảo vệ cho chương trình “Buckwild”, cho rằng phong cách sống có phần bất chấp tất cả mà họ thể hiện trong “Buckwild” chỉ là bởi “tất cả chúng ta được sống có một lần”.

“Buckwild” không phải chương trình đầu tiên của MTV bị dư luận lên tiếng phản đối vì cổ xúy cho lối sống độc hại. Ngay cả chương trình “Jersey Shore” đình đám trước đó cũng phải nhận những phản hồi tương tự.

“Jersey Shore” khuyến khích các diễn viên tham gia hành động điên cuồng nhằm thu hút lượng người xem cao (quan hệ tình dục bừa bãi, nghĩ ra những trò chơi nguy hiểm, uống rượu bạt mạng, đánh lộn thường xuyên, thậm chí bị bắt vào đồn cảnh sát).

Diễn viên Shain Gandee ra đi ở tuổi 21 trong một lần phượt.


Điều này khiến người dân ở bang New Jersey rất thất vọng về chương trình. Thống đốc bang New Jersey còn gọi những diễn viên xuất hiện trong chương trình là “những kẻ thất bại” và ông kiên quyết không thông qua đề xuất giảm thuế của nhà sản xuất chương trình.

Người dân bang New Jersey còn lên án việc diễn viên trong “Jersey Shore” liên tục sử dụng tiếng lóng và coi đó là một thứ “đặc sản” của người dân vùng này. Những tiếng lóng đó rất nhạy cảm và thiếu văn hóa khiến người xem ở những bang khác có thể tưởng lầm rằng người dân nơi đây phân biệt chủng tộc.

Tờ New York Post còn gọi “Jersey Shore” là chương trình “phản cảm nhất từng được chiếu trên một kênh truyền hình chính thống”, tuy vậy đây lại là một chương trình thành công nếu xét trên tỉ lệ người xem.

Những luồng dư luận trái chiều trước các show truyền hình thực tế không làm cho chúng bị ngừng chiếu hay giảm bớt về số lượng. Tuần trước, kênh VH1 bắt đầu khởi chiếu chương trình “Wicked Single”, cổ xúy cho một phong cách sống tiêu cực khác. Lần này, họ hướng vào người dân Boston, ngay lập tức người dân vùng này lên tiếng phản đối chương trình.

Về “Buckwild”, hiện tại MTV đã hoãn chiếu để thể hiện sự tôn trọng và tiếc thương dành cho diễn viên Gandee. Có lẽ đã đến lúc các nhà sản xuất truyền hình thực tế cần nhận ra họ phải tôn trọng những người tham gia cũng như tôn trọng khán giả và nền văn hóa mà họ đang hướng tới.

 
Pi Uy
Theo Policy Mic