Thế mạnh của cà phê truyền thống trước sự du nhập của cà phê nước ngoài

Ngọc Linh

(Dân trí) - "Những năm trở lại đây, các thương hiệu cà phê nước ngoài có cơ hội phát triển ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên cà phê truyền thống vẫn là lựa chọn khó thay thế của người Việt".

Đó là những nhận định của anh Nguyễn Đức Hiếu - một người yêu thích sâu sắc về cà phê cho biết. Cà phê Việt Nam từ lâu đã được định vị và có chỗ đứng trên bản đồ thế giới. Việt Nam là nước có sản lượng xuất khẩu hạt cà phê chưa qua chế biến lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil). Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài cà phê Robusta. Đó mới chỉ là thế mạnh đầu tiên về chất lượng cà phê nhân xanh ở nước ta.

Thế mạnh của cà phê truyền thống trước sự du nhập của cà phê nước ngoài - 1

Anh Nguyễn Đức Hiếu

Theo anh Nguyễn Đức Hiếu, để nói về lợi thế để cà phê Việt Nam phát triển phải kể đến số lượng các hàng quán cà phê là rất lớn. "Ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, bước chân đến con phố nào cũng sẽ có hàng quán cà phê. Ngay dọc con phố Triệu Việt Vương dài chưa tới 1km đã có tới trên dưới 100 cửa hàng cà phê với đủ các kiểu cách, quy mô khác nhau, tuy nhiên những cửa hàng nhỏ đa phần nhiều hơn, các cửa hàng cà phê lớn lại ít hơn. Tức là vẫn đủ để đáp ứng tất cả các nhu cầu của từng đối tượng khách hàng".

Vì sao số lượng hàng quán cà phê quy mô nhỏ ở Việt Nam lại lớn như vậy? Theo anh Hiếu chia sẻ, đó là do đặc thù di chuyển của người Việt Nam, người Việt phần lớn di chuyển bằng xe máy. Khách hàng thì ưu tiên sự tiện lợi, đi xe máy tạt qua vỉa hè hay đâu đó để uống cốc cà phê cũng dễ dàng. Hàng quán cà phê thường tập trung ở các khu phố đông đúc dân cư, quanh khu phố đi bộ hoặc ngay ở chân các bến tàu, điểm dừng xe bus. Với đặc trưng về giao thông đã tạo nên văn hóa cà phê vỉa hè rất riêng ở Việt Nam.

Để nói về đặc trưng nhất của cà phê truyền thống Việt Nam phải nói đến cà phê phin. Hình ảnh ly cà phê phin cũng đã được Á Hậu Hoàng Thùy mang ra thế giới bằng màn trình diễn trang phục dân tộc tại Chung kết Miss Universe 2019 lần thứ 68 được tổ chức tại Mỹ. Theo anh Hiếu, khi nhắc đến thức uống đặc trưng của Việt Nam người nước ngoài sẽ nghĩ ngay đến cà phê phin.

Những năm gần đây cà phê trứng cũng đã nổi lên và trở thành món đồ uống rất đặc trưng của Việt Nam. Cà phê trứng là sự kết hợp hoàn hảo và mới lạ mà trên thế giới chỉ cà phê truyền thống Việt Nam mới có.

Khi được hỏi về những thách thức và cơ hội của cà phê truyền thống khi các nhãn hiệu cà phê nước ngoài du nhập và phát triển tại Việt Nam, anh Hiếu thẳng thắn chia sẻ: "Các nhãn hiệu cà phê du nhập vào Việt Nam không hẳn là sự cạnh tranh với cà phê truyền thống. Bản thân tôi cũng cho rằng các nhãn hiệu cà phê nước ngoài cũng đem lại cho văn hóa cà phê Việt Nam những thay đổi tích cực.

Về quy trình đào tạo, văn hóa phục vụ hay bày trí không gian… rất chuẩn. Chính họ cũng mang đến nhiều kiến thức mới mẻ cho cà phê Việt mà bản thân tôi cũng phải chọn lọc để học hỏi mỗi ngày.

Nếu hỏi tôi có lo lắng các nhãn hiệu cà phê truyền thống của Việt Nam một ngày nào đó sẽ lép vế trước các nhãn hiệu cà phê hiện đại du nhập vào Việt Nam hay không. Tôi nghĩ là không. Bởi đặc thù của người Việt Nam khi uống cà phê hay cũng giống như đi ăn hàng quán thì quen quán nào sẽ dành một sự gắn bó rất mật thiết với quán đấy".

Đó là sự gắn bó khá là "kỳ cục" giữa người bán hàng và khách hàng mà chỉ ở Việt Nam mới có. Chính vì vậy mà những cửa hàng cà phê truyền thống lâu đời như của gia đình anh Hiếu đã có sự gắn bó rất mật thiết với khách hàng. Đó là điều vô cùng quan trọng để khẳng định vị thế của cà phê truyền thống trước sự du nhập và phát triển như vũ bão của các nhãn hiệu cà phê nước ngoài.