Thế Hùng: Từ tuổi thơ nghèo luyện đàn trên giấy đến Tiến sĩ nhiều "nhà"

Phương Nhung

(Dân trí) - Từ cậu bé con nhà nghèo vẽ phím đàn ra giấy, luyện bằng trí tưởng tượng, Thế Hùng trở thành Tiến sĩ Mỹ học sở hữu nhiều "nhà": Nhà giáo, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà phê bình nghệ thuật…

Một ngày của nghệ sĩ Thế Hùng thường bắt đầu vào lúc 5h sáng, đó là lúc ông chìm đắm vào thế giới của hội họa.

Là Tiến sĩ Mỹ học, Thế Hùng yêu cái đẹp, những bức họa của Thế Hùng chủ yếu là tranh tĩnh vật, phong cảnh và trừu tượng, rất hiếm khi ông vẽ tranh chân dung, duy chỉ có bức "Nhạc sĩ của Tây Nguyên" ông vẽ người bạn thân của mình - nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Rời giá vẽ, người ta lại thấy một Thế Hùng lướt trên phím đàn piano, say mê sáng tác thơ...

Thế Hùng: Từ tuổi thơ nghèo luyện đàn trên giấy đến Tiến sĩ nhiều nhà - 1

Nghệ sĩ Thế Hùng bên cây đàn piano (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Với kí ức tuổi thơ của Thế Hùng, chiếc đàn piano ngày đó là một ước mơ xa xỉ. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Yên Mô, Ninh Bình, cậu bé Thế Hùng khi đó lấy giấy kẻ ô, vẽ từng phím đàn và học bằng trí tưởng tượng.

Chiếc đàn đặc biệt trong thế giới tuổi thơ đã gieo vào trái tim Thế Hùng những hạt giống ước mơ đầu tiên. Để rồi giờ đây Thế Hùng có trong tay gia tài khoảng 150 ca khúc tự sáng tác với 20 ca khúc đã được phát trên VTV, VOV, nhiều ca sĩ tên tuổi đưa vào album, MV. Ông là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Ông tốt nghiệp lớp Sáng tác khóa 1 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1990. Nhạc sĩ Hoàng Vân là giáo viên chủ nhiệm của lớp, người thầy trực tiếp hướng dẫn Thế Hùng sáng tác là nhạc sĩ Văn Ký.

Nhạc sĩ Hoàng Vân từng nhận xét: "10 tình khúc sáng tác bởi một họa sĩ, một người làm thơ, làm báo như Thế Hùng trong thời điểm hiện nay tuy không còn là hiện tượng lạ nhưng cũng còn hiếm. "Lời ru của biển" hay "Quan họ mùa xuân", "Tình khúc mùa hè" và "Bản Tăng gô mùa thu", những tên ca khúc gợi nhiều liên tưởng đến tên của những bức tranh. Và đó cũng là khao khát bộc lộ nhiều cảm hứng thanh âm khi mà bảng pha màu hội họa chưa thỏa mãn được nhà tạo hình".

Thế Hùng: Từ tuổi thơ nghèo luyện đàn trên giấy đến Tiến sĩ nhiều nhà - 2

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu trong Tọa đàm "Thơ - Nhạc - Họa Thế Hùng" (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Hỏi Thế Hùng có "tham lam" không khi thế giới của ông luôn đầy ăm ắp thơ, nhạc, họa, phê bình nghệ thuật, ông nói với PV Dân trí: "Chúng ta đang vận động trong xã hội 4.0, tôi cho rằng, phải giỏi nhiều thứ để hỗ trợ lẫn nhau. Với tôi, thơ, nhạc, họa là một. Tôi viết thơ rồi phổ nhạc. Thơ cũng ảnh hưởng đến tranh vẽ của tôi".

Vào năm 1992, nhạc sĩ Văn Cao từng viết lời bạt cho tập nhạc "Tình khúc mùa hè" của Thế Hùng như sau: "Thế Hùng trăn trở đi tìm cái đẹp. Không phải dễ dàng thấy được mình…" và nhạc sĩ Văn Cao mừng cho những thành công của Thế Hùng.

Thế Hùng: Từ tuổi thơ nghèo luyện đàn trên giấy đến Tiến sĩ nhiều nhà - 3

Nhạc sĩ Văn Cao viết lời bạt cho tập nhạc "Tình khúc mùa hè" của Thế Hùng vào năm 1992 (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Thế Hùng bắt đầu sự nghiệp thi ca, viết báo, phê bình nghệ thuật từ khi ông còn là phóng viên ảnh của báo Văn nghệ.

"Bắt đầu gần các nhà thơ Bế Kiến Quốc, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, tôi học và sáng tác từ đó", Thế Hùng nói. Đến nay ông đã sáng tác được khoảng 500 bài thơ, trong đó có hơn 100 bài thơ được đăng báo.

Về hội họa, ông từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khoa Đồ họa. Từ trình bày bìa, ông chuyển sang tạo hình và vẽ tranh tạo hình. Người thầy dạy Thế Hùng vẽ tranh lụa là họa sĩ Mai Long. Năm 1992, ông tổ chức triển lãm tranh lần thứ 1.

Trò chuyện với PV Dân trí, nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu chia sẻ về người bạn thân của mình: "Sáng nào tôi cũng gọi vui là sang "kiểm tra" Thế Hùng vẽ tranh, làm thơ, đàn piano. Tôi, anh Thế Hùng, anh Lê Đại Chúc, Dương Trung Quốc, Trần Tiến là bạn đồng niên.

Thế Hùng nhìn bề ngoài rất hào hoa nhưng đây là một "nông phu trên cánh đồng nghệ thuật". Anh ấy làm việc vất vả, khổ ải, và đến nay, anh ấy sống đàng hoàng, tử tế với nghề.

Không phải bỗng dưng Thế Hùng cùng một lúc làm cả nhạc, họa, thơ, phê bình nghệ thuật,… Thời gian làm ở báo Văn nghệ, Thế Hùng được tiếp xúc với nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Hoàng Cầm và nhiều tên tuổi lớn".

Thế Hùng: Từ tuổi thơ nghèo luyện đàn trên giấy đến Tiến sĩ nhiều nhà - 4

Họa sĩ Lê Đại Chúc tặng Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng bức tranh chân dung tại Tọa đàm "Thơ - Nhạc - Họa Thế Hùng" (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

"Thơ của Thế Hùng chân thành, xúc động, tranh Thế Hùng đã đi nhiều nước trên thế giới. Suy nghĩ về Thế Hùng, tôi thấy anh ấy có sức lao động lớn lao, ngọn lửa nghề giữ được mãi", họa sĩ Lê Đại Chúc "khắc họa chân dung" Thế Hùng.

Ở tuổi 75, Thế Hùng vẫn miệt mài "cày ải" trên cánh đồng nghệ thuật. Giữ trọn trái tim nhiệt huyết với thơ, ca, nhạc, họa, Thế Hùng còn đi thuyết trình, giảng dạy kĩ năng sống. Là Tiến sĩ Mỹ học, ông từng giảng dạy ở 10 trường đại học của Việt Nam.

Sáng hôm qua (24/8), Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Thơ - Nhạc - Họa Thế Hùng" và ra mắt "Tuyển tập Thế Hùng 2".

Thế Hùng: Từ tuổi thơ nghèo luyện đàn trên giấy đến Tiến sĩ nhiều nhà - 5

"Tuyển tập Thế Hùng 2" (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

"Tuyển tập Thế Hùng 2" gồm: 75 bài thơ đã đăng báo, 75 ca khúc đã phát trên VTV, VOV, YouTube, 75 bức tranh, 75 bài phê bình nghệ thuật đã đăng báo, 75 bài báo đã viết về ông, 75 ảnh tư liệu về Thế Hùng với các văn nghệ sĩ nổi tiếng, đồng nghiệp, bạn bè và 75 bức tranh của các thành viên Trung tâm Mỹ thuật Thế Hùng.

Nói như Thế Hùng, hơn nửa thế kỷ qua, "cỗ máy" Thế Hùng đã chạy hết công suất, nhưng những người bạn đồng niên của ông tin rằng, "gã nông phu" cần mẫn trên cánh đồng nghệ thuật chưa dừng lại mà sẽ tiếp tục ra "Tuyển tập Thế Hùng 3"…

Thế Hùng: Từ tuổi thơ nghèo luyện đàn trên giấy đến Tiến sĩ nhiều nhà - 6

Một trong số những tác phẩm hội họa của Thế Hùng (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Thế Hùng: Từ tuổi thơ nghèo luyện đàn trên giấy đến Tiến sĩ nhiều nhà - 7

Là Tiến sĩ Mỹ học, Thế Hùng yêu cái đẹp, những bức họa của Thế Hùng chủ yếu là tranh tĩnh vật, phong cảnh và trừu tượng (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Thế Hùng: Từ tuổi thơ nghèo luyện đàn trên giấy đến Tiến sĩ nhiều nhà - 8

Rất hiếm khi ông vẽ tranh chân dung, duy chỉ có bức "Nhạc sĩ của Tây Nguyên" ông vẽ người bạn thân của mình - nhạc sĩ Nguyễn Cường (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Vào năm 2021, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận nghệ sĩ, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng có những đóng góp quan trọng và tạo nhiều dấu ấn đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và sáng tạo văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam.