Thế giới đẹp lãng mạn với những... mái nhà tranh
(Dân trí)- Nhà lợp mái rơm mái rạ là một “đặc sản” kiến trúc của vùng quê, không chỉ một thời phổ biến ở Việt Nam mà hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn trên khắp thế giới, mái gianh vẫn được sử dụng như một lối kiến trúc cổ điển đầy lãng mạn.
Sau một vụ mùa thu hoạch, rơm rạ đầy ngập cả đường làng, những người nông dân cần cù, hay lam hay làm đã nghĩ ra đủ hình thức tận dụng, biến những thứ tưởng như là phế thải trở thành những món đồ thủ công đẹp mắt. Trong đó, đáng kể nhất là kiến trúc nhà mái lợp rơm rạ, cho tới nay vẫn còn thịnh hành ở nhiều miền quê phương Tây và tạo nên nét duyên dáng đặc trưng cho kiến trúc ở vùng nông thôn.
Người ta vẫn xây nhà mái ngói, mái bằng bình thường, nhưng trên tầng mái thứ nhất hay còn gọi là mái trong đó là một khung mái thứ hai bao trùm ra ngoài được lợp bằng rơm rạ. Khi mưa xuống, nước sẽ trôi đi rất nhanh. Mùa hè, nó còn có tác dụng chống nắng, chống nóng. Trọng lượng nhẹ của lớp mái ngoài này cùng tính năng bảo vệ của nó giúp nâng cao tuổi thọ công trình và biến những ngôi nhà giản dị trở thành một tác phẩm kiến trúc mềm mại, duyên dáng, đầy tính thẩm mỹ. Chẳng thế mà công việc của những người thợ chuyên lợp mái rơm mái rạ được xếp vào nhóm “craft” – nghề thủ công tại nhiều nước phương Tây bởi tính chất công việc yêu cầu độ khéo léo từ bàn tay người thợ.
Ngày nay, bạn vẫn có thể tìm thấy những ngôi nhà mái gianh ở vùng nông thôn các nước Châu Âu, Châu Á, trong đó nước Anh được biết tới là xứ sở của những mái nhà gianh đẹp mắt nhất. Những ưu thế của mái rơm mái rạ đã được khẳng định qua thời gian, nó vừa hữu dụng, vừa giàu thẩm mỹ và giá thành lại rất rẻ, độ bền rất cao.
Ở những nước phát triển, khi xu hướng kiến trúc hiện đại đã trở nên quá phổ biến, những trang viên ở vùng nông thôn bắt đầu quay lại với lối kiến trúc hoài cổ và tạo nên một vẻ đẹp hài hòa với tổng thể không gian xung quanh. Đồng thời, kỹ thuật tạo hình cho mái gianh đã đạt tới mức có thể biến mỗi mái nhà thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt và không phải mái nhà nào cũng giống nhau, điều đó làm nên sự đa dạng sinh động cho mỗi công trình.
Kiến trúc mái gianh của Anh
Mái rơm mái rạ của Hà Lan
Một nếp nhà xinh của Ireland
Mái gianh của Nhật luôn vút cao
Mái gianh ở một vùng quê Hàn Quốc