Thế giới của những người đi săn nhật ký

(Dân trí) - Bạn có thói quen viết nhật ký không? Bạn cảm thấy thế nào nếu ai đó đọc được toàn bộ nhật ký của bạn? Từ những câu chuyện trần trụi, những ý tưởng hoang đường tới những bí mật gây xấu hổ...

Thế giới của những người đi săn nhật ký - 1

Có một thế giới của những người chuyên đi săn tìm nhật ký của người lạ. Bà Sally MacNamara vẫn luôn nói với 4 người con của mình rằng nếu có hỏa hoạn xảy ra trong ngôi nhà của họ ở thành phố Seattle (Mỹ), họ sẽ giải cứu cho Olga đầu tiên. Olga không phải là thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình hay một thú cưng nào đó, kỳ thực, bà MacNamara còn chưa từng gặp Olga bao giờ.

“Olga” rất quý giá đối với bà MacNamara - một người bán sách online 63 tuổi, “Olga” là cuốn nhật ký 118 tuổi được viết bởi một người phụ nữ sống ở Mỹ có tên Olga. Cuốn nhật ký bắt đầu được viết từ năm 1902, xoay quanh trải nghiệm của một người phụ nữ trẻ di cư tới Mỹ, cuộc sống của cô đương nhiên gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ.

Chia sẻ về lý do tại sao mình lại yêu thích cuốn nhật ký này đến thế, bà MacNamara chia sẻ: “Olga không quá cẩn trọng với những gì cô ấy viết ra, mọi thứ đều rất chân thực và gần gũi, đó là lý do tại sao tôi lại yêu thích Olga đến vậy”.

Bà MacNamara đã mua cuốn nhật ký viết tay này thông qua một người bán sách online hồi năm 2005, cho tới giờ, bà MacNamara vẫn coi cuốn nhật ký này là một trong những tài sản giá trị nhất của bản thân.

Trong suốt 35 năm qua, bà MacNamara đã đọc hơn 8.000 cuốn nhật ký của những người xa lạ. Từ khi bà còn là một đứa trẻ, mẹ của bà đã luôn hướng bà theo phong cách sống gọn gàng, vứt bỏ mọi đồ đạc ít dùng tới. Có một ngày, bà MacNamara phát hiện ra một tập giấy cũ, viết tay, bị bỏ trong thùng rác, ngay lập tức bà cảm thấy xót xa…

Cha của bà đã tự sát khi bà mới 13 tuổi, ông để lại rất nhiều giấy tờ viết tay, nhưng mẹ bà đã không giữ lại bất cứ trang nào: “Lớn lên, tôi bắt đầu thu thập những cuốn nhật ký, thư từ cũ của những người xa lạ được đem rao bán, tôi giữ gìn chúng thật cẩn thận. Tôi yêu thương những con người có thật mà thậm chí tôi còn chưa từng gặp mặt”.

Thế giới của những người đi săn nhật ký - 2

Trong suốt 35 năm qua, bà MacNamara đã đọc hơn 8.000 cuốn nhật ký của những người xa lạ

Thoạt tiên, bà MacNamara mua lại những cuốn nhật ký từ những tiệm bán đồ cũ, nhưng rồi bà thấy trên các trang thương mại điện tử cũng bắt đầu có những người bán mặt hàng này và bà bắt đầu nhập cuộc.

Trong hành trình sưu tầm, mua bán của mình, bà MacNamara rất nhớ cuốn nhật ký được viết hồi năm 1927 bởi một người đàn ông góa vợ. Bà cũng từng rơi vào cảnh góa chồng khi người chồng của bà gặp tai nạn trên công trường xây dựng. Những xúc cảm mà bà từng trải qua như được viết lại trên những trang nhật ký đầy xúc cảm của người đàn ông góa vợ.

Bà MacNamara còn từng giúp một người con gái “đoàn tụ” lại với cuốn nhật ký của mẹ, một cuốn nhật ký được ghi chép hàng ngày hồi năm 1942. Người phụ nữ hiện giờ đã bị mất trí nhớ do tuổi già, bà sống trong nhà dưỡng lão. Mỗi khi người con gái đến thăm bà, cô lại lấy nhật ký ra đọc cho mẹ nghe.

Về bà Olga - chủ nhân của cuốn nhật ký mà bà MacNamara yêu thích nhất, bà đã từng tới thăm mộ của bà Olga tại bang Wisconsin (Mỹ).

Bà MacNamara vừa mua, vừa bán nhật ký, thư từ cũ của những con người xa lạ. Bà đã có hơn hai thập kỷ chuyên mua bán “những bí mật của người xa lạ”, đó là một thú vui của bà trong cuộc sống, gần dây, thú vui ấy dần trở nên phổ biến hơn đối với nhiều người khác.

Việc đọc những bí mật, những chuyện riêng tư của người khác chắc chắn có sức khơi gợi, hấp dẫn đối với mỗi chúng ta, nhưng liệu chúng ta có vấn đề gì về tâm lý không nếu tò mò đọc những điều riêng tư của người khác?

Thế giới của những người đi săn nhật ký - 3

Thực tế, đó là một nét tâm lý thuộc về bản năng, thậm chí, một số nhà phê bình văn học còn tin rằng những người viết nhật ký một cách cẩn thận và giữ gìn những cuốn nhật ký ấy kỳ thực đều âm thầm hy vọng rằng rồi một ngày sẽ có ai đó đọc những gì họ viết.

Cô Joanna Borns (35 tuổi), một nhà văn đến từ thành phố New York (Mỹ), có tài khoản YouTube thu hút 10.000 lượt theo dõi. Cô Borns thường chia sẻ những đoạn clip trong đó, cô đọc nhật ký của những người xa lạ mà cô sưu tầm được. Trong 3 năm qua, Borns đã mua được 5 cuốn nhật ký với giá tương đương từ 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.

Chia sẻ về cảm nhận sau khi đọc những cuốn nhật ký của người lạ, cô Borns cho hay: “Thật thú vị khi được thấy chúng ta giống nhau tới thế nào thông qua những dòng ghi chép về cuộc sống thường nhật. Việc được ‘ngó nghiêng’ vào những dòng suy nghĩ riêng tư của người khác thực sự hấp dẫn đối với nhiều người”.

Vậy những cuốn nhật ký và thư từ cũ được mua bán như thế nào? Cô Borns chủ yếu mua tại những buổi đấu giá đồ cũ vốn được tổ chức khá phổ biến trong đời sống xã hội Mỹ, mỗi khi một gia đình muốn dọn bớt đồ cũ trong nhà.

Bà Victoria, một người phụ nữ 58 tuổi sống ở thị trấn Cheltenham (Anh) đã bán những lá thư và nhật ký sưu tầm được kể từ năm 2004. Bà Victoria thường mua những món này tại các chợ đồ cũ rồi bán lại với giá cao hơn: “Tôi thường tới những phiên chợ đồ cũ và thi thoảng bắt gặp những tập thư từ, nhật ký cũ, mỗi lần như vậy là một lần tôi cảm thấy sung sướng”.

Thế giới của những người đi săn nhật ký - 4

Trước khi bán đi những thư từ và nhật ký, bà Victoria luôn dành thời gian để đọc, cho tới giờ, cuốn nhật ký yêu thích nhất của bà được viết bởi một nữ phi công lái máy bay dân sự từng sống trong Thế chiến II, bà Victoria đã bán cuốn này cho một người mua tại Mỹ với giá lên tới tương đương gần chục triệu đồng - một mức giá khá cao so với mặt bằng chung của những cuốn nhật ký cũ.

Hiện tại, khi nhu cầu đối với nhật ký viết tay bắt đầu lên cao, nhiều người thậm chí còn... tự bán nhật ký của mình. Không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ lý do tại sao họ bán nhật ký của chính họ, nhưng một cô gái có tên Marika (16 tuổi), đến từ Ba Lan thì sẵn sàng chia sẻ, gần đây, Marika đã rao bán nhật ký của người em họ với giá tương đương gần 1,5 triệu đồng.

Marika sẵn sàng chia sẻ câu chuyện: “Tôi biết nhiều người có nhu cầu với những thứ như thế này. Em họ tôi nói rằng đây cũng là cách hay để kiếm ít tiền tiêu vặt. Em họ không cho tôi được đọc nhật ký, bởi không muốn tôi biết những suy nghĩ thầm kín của em ấy. Nhưng em ấy không ngại nếu có người lạ sống ở một nơi xa đọc nó, bởi hai người có thể sẽ chẳng bao giờ gặp nhau trong đời”.

Cuốn nhật ký này được người em họ của Marika viết trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến tháng 5/2020. Sau đó, một người đàn ông sống ở bang Virginia (Mỹ) đã mua cuốn nhật ký này.

Nhiều nhà sưu tầm cho rằng nhật ký có những giá trị lớn lao. Chẳng hạn như bà Polly North (41 tuổi), giám đốc của dự án “Great Diary Project”, kể từ năm 2007, bà Polly và các cộng sự đã sưu tầm được hơn 10.000 cuốn nhật ký: “Nhiều người không nhìn ra hết tầm quan trọng của những cuốn nhật ký. Tôi tin rằng các sử gia có thể tìm thấy nhiều điều thú vị qua những cuốn nhật ký”.

Thế giới của những người đi săn nhật ký - 5

Dự án của bà Polly nhận được rất nhiều nhật ký quyên tặng từ những con người đương đại, những người này có quyền lựa chọn để nhật ký của họ được tiếp cận ngay, hoặc phải dán kín cho tới sau bao nhiêu năm mới được mở ra. Đa số mọi người sẵn sàng để nhật ký của họ được đọc và chia sẻ ngay sau khi quyên tặng.

Cuốn nhật ký yêu thích nhất của bà Polly được viết bởi một người phụ nữ có khả năng viết lách khá hạn hẹp. Người phụ nữ từ nhỏ đã sống “du mục” với cha mẹ, hiện tại, bà vẫn còn sống: “Trong cuốn nhật ký của bà không có chữ nào được viết hoa, không có dấu phẩy, dấu chấm. Mọi thứ được viết thẳng tuột, trần trụi, không hề có tính văn chương, nhưng cuốn nhật ký đó lại rất kỳ diệu đối với tôi”.

Thực tế, một nguyên tắc “đạo đức” của những người chuyên đi săn tìm, sưu tầm nhật ký của người khác là phải thay đổi tên tuổi của chủ nhân nhật ký nếu muốn chia sẻ câu chuyện đó lên mạng. Nếu nhật ký thuộc về người quá cố, mọi chuyện đơn giản hơn, nhưng với những người còn đang sống, việc thay đổi danh tính sẽ giúp giảm thiểu những vấn đề phát sinh.

Bà MacNamara nhận thấy rằng ngày nay, người ta thường hay so sánh cuộc sống của mình với những gì được trưng trổ trên truyền thông, trên mạng xã hội và cho rằng bản thân mình đang “không thực sự sống” một cách trọn vẹn, đủ đầy.

Nhưng khi đọc những cuốn nhật ký, bà MacNamara nhận ra rằng mỗi người đều có câu chuyện riêng ấn tượng của họ: “Không có cuốn nhật ký nào mà tôi từng đọc không để lại trong tôi một ấn tượng thú vị. Mỗi người đều có câu chuyện của họ, tất cả chúng ta đều có câu chuyện của mình, ai mà chẳng có khó khăn, chẳng có niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống...

“Bạn nghĩ mình là một kẻ bộ hành cô độc trong cuộc đời, nhưng không phải đâu, ngay cả xúc cảm ấy cũng là phổ quát trong cuộc sống này”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm