Thấy gì về Châu Việt Cường qua những bài hát đầy ca từ kích động?

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, những ca khúc của Châu Việt Cường đã phần nào phản ánh "gu" thẩm mỹ, lối sống và con người của nam ca sĩ này. Và những bài hát này sẽ rất nguy hiểm đối với người trẻ bởi nó chứa đựng quá nhiều sự kích động tiêu cực.

Đầy những ca từ kích động và hoang dã...

Thông tin ca sĩ Châu Việt Cường (tên thật là Nguyễn Việt Cường, sinh 1984 ở Thanh Hoá) bị cơ quan công an tạm giữ vì liên quan đến cái chết của một cô gái vào hôm 6/3 đã khiến dư luận dậy sóng. Nhiều thông tin về lí lịch cũng như âm nhạc của Châu Việt Cường cũng đã được bàn tán xôn xao.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị H. - mẹ của Châu Việt Cường thì vì rất tự tin vào giọng hát của mình nên trong một lần đoàn xiếc về thôn biểu diễn, Cường mạnh dạn ứng tuyển và được tuyển chọn đi hát cùng đoàn. Cường trở thành ca sĩ từ lúc nào không hay bởi một năm chỉ về thăm nhà 1 đến 2 lần.

Châu Việt Cường.
Châu Việt Cường.

Bản thân ca sĩ Hồ Quang 8 lại cho biết, thời điểm mới đi hát, Châu Việt Cường hát rất giống ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Nam ca sĩ này thậm chí chấp nhận làm cái bóng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng để được mời hát ở các hội chợ. Sau này, với sự khuyên nhủ của nhiều người, Cường đã có lối đi riêng. Tuy nhiên, các bài hát của nam ca sĩ được cho là ngang tàng, hoang dã…

Nhiều chuyên gia cho rằng, âm nhạc phản ánh phần nào con người và cuộc sống của người ca sĩ. Và nếu lướt qua một số ca khúc mà nam ca sĩ này thường biểu diễn trên sân khấu sẽ thấy rất rõ điều đó. Ngay từ tựa đề ca khúc đã khiến người ta giật mình bởi rất toàn cổ súy “bay”, “lắc”, “chơi”, “say”, “cuồng quay”: Từ trên trời rơi xuống, Đẳng cấp dân bay, Sau cơn bay, Phong cách người chơi, Mình thích thì mình làm thôi, Bạc trắng tình đời, Hết tiền hết tình, Chán đời…

Theo tìm hiểu, “Đẳng cấp dân bay” là một ca khúc mà Châu Việt Cường từng biểu diễn ở nhiều vũ trường lớn nhỏ. Lời bài hát đầy tính kích động như: “Đẳng cấp dân bay là phải biết cuồng quay”, “Lên sàn bay là mới gọi là hay. Hãy cùng nhau bay và say để thấy đẳng cấp bay”, “Đã là dân bay là phải biết cuồng quay, cuồng mê hết mình, phê không tính toán thì mới là “chất”...

Tương tự, bài “Phong cách người chơi” cũng chứa đựng những ca từ rất phản cảm: “Nhà giàu nứt vách chắc gì đã có phong cách của một dân chơi thời nay người ơi. Nghèo mà chơi chất nhiều hơn vô kể, sống rất bao dung thật tâm tử tế”…

Các cụm từ mang tính cổ súy người nghe “bay”, “say”, “cuồng quay”... cũng tràn lan trong những ca khúc khác mà Châu Việt Cường chọn thể hiện. Bản thân ca khúc “Sau cơn bay” dù thể hiện tâm trạng của một “dân chơi” khi nhận ra “Sau cơn bay thân xác rã rời” hoặc “Cuộc sống sau cơn bay là những tháng năm hao gầy, ngày xưa ta trên mây giờ nỗi đau thương tìm thấy” nhưng vẫn chỉ khiến cho người ta muốn quên mình hơn chứ không phải là thức tỉnh bản thân.

Ngoài ra, Châu Việt Cường cũng thể hiện nhiều không đếm xuể các ca khúc về chủ đề “thất tình”, “chán đời”, “ngông cuồng”... Nhiều người thậm chí còn cho những ca khúc mà Châu Việt Cường toàn gieo rắc nguồn năng lượng tiêu cực đối với người nghe và nguy hiểm hơn khi các ca khúc này đa phần được hát phục vụ những người trẻ.

Ngay cả các ca khúc về chủ đề tình yêu, ca khúc mà Châu Việt Cường thể hiện cũng đầy rẫy những ca từ mạnh bạo: “Trái tim của anh bỗng đập như điên”, “Anh sẵn sàng chết trong vòng tay em”…

Rất nguy hiểm đối với người nghe

Một chuyên gia âm nhạc nhận định rằng, không cần phải nói rõ ra, người nghe cũng đã ít nhiều hiểu về “gu” thẩm mỹ, tính cách, lối sống, con người... của Châu Việt Cường qua những ca khúc mà anh thể hiện. Bởi người có “gu” âm nhạc tinh tế, có lối sống lành mạnh và tính cách ngoan hiền sẽ không bao giờ lạm dụng những ca khúc như thế để thể hiện. Và càng không thể mang những ca khúc như thế đến gần với những người trẻ bởi đó là việc nguy hiểm khôn lường.

“Người ta nói “Văn học là nhân học”, ở đây hiểu rộng ra là tác phẩm nghệ thuật cũng phản ánh tâm hồn, trí tuệ và lối sống của người thể hiện. Với những bài hát mà Châu Việt Cường thể hiện, mới nghe thôi tôi đã hoảng hồn. Âm nhạc này quá đen tối, quá kích động và quá nguy hiểm đối với người nghe.

Tôi không hiểu Châu Việt Cường để lương tâm của người hoạt động nghệ thuật ở đâu mà lại đi hát những ca khúc như thế. Và có lẽ vì thế mà âm nhạc của anh ta chỉ giới hạn ở các hội chợ hoặc các sự kiện âm nhạc trong phạm vi rất nhỏ. Và đó cũng là lí do nam ca sĩ này đã phải dùng tới những scandal tai tiếng để mà đánh bóng mình. Đánh bóng mình nhưng mãi vẫn không nổi bởi âm nhạc như thế, “gu” thẩm mỹ như thế và lối sống như thế thì ai dám nghe. Nghe một bài đã khiếp huống hồ nghe hết bài này đến bài khác”, chuyên gia âm nhạc này nói.

Bản thân ca sĩ Duy Mạnh cho rằng, âm nhạc tác động rất lớn đến suy nghĩ và hành động của người nghe, đặc biệt là giới trẻ. Vì lẽ đó, anh thường rất hứng thú khi viết các ca khúc về đề tài xã hội mang tính triết lý. Qua mỗi bài hát, người nghe không chỉ thưởng thức âm nhạc mà còn nhận thấy những lầm lạc của bản thân hoặc bạn bè.

Từ đó, họ tìm cách vượt thoát khỏi những điều tiêu cực và sống có ích hơn với gia đình lẫn cuộc đời. Bằng chứng là hai ca khúc “Kiếp đỏ đen” và “Kiếp bán độ” của Duy Mạnh đã từng được rất nhiều người yêu thích bởi truyền tải đến người nghe thông điệp về sự thức tỉnh.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học XH Việt Nam cho rằng, âm nhạc - điện ảnh - văn học - sân khấu... là những hình thái nghệ thuật tác động rất lớn đến ý thức, suy nghĩ và hành vi của con người.

Vì lẽ đó, người hoạt động nghệ thuật không chỉ có trách nhiệm mang nghệ thuật đến với người thưởng thức mà còn phải biết dùng nghệ thuật để truyền bá các thông điệp về chân – thiện – mỹ.

Một bài hát đúng nghĩa phải hàm chứa cả yếu tố nội dung và hình thức tích cực tức làm cho con người phát triển hơn và nhận thức đúng đắn hơn. Trên thị trường hiện nay vẫn đang trôi nổi nhiều thể loại âm nhạc có những ca từ, giai điệu... không phù hợp với người nghe và cần phải sớm được loại bỏ cũng như kiểm soát chặt chẽ.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm