Thấy gì qua những bộ phim bị loại khỏi Bông Sen Vàng 2015

(Dân trí) - 15 phim trình chiếu trong “Chương trình toàn cảnh” của LHP lần thứ 19 là những phim không được chọn dự giải Bông Sen Vàng. Đây là những phim do các đơn vị tư nhân sản xuất thừa tính giải trí mà lại thiếu tính nghệ thuật.

“Thần tượng” bị loại dù từng đạt nhiều giải

TS. Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, LHP 19 năm nay có 103 phim dự thi các thể loại: phim truyện, tài liệu, khoa học và hoạt hình. Trong số 55 phim truyện đủ điều kiện tham gia LHP, hội đồng tuyển chọn đã chọn ra 20 bộ phim ở hạng mục “Phim dự thi” và 15 bộ phim trình chiếu trong “Chương trình toàn cảnh”.

Năm nay, các phim tham dự phải đạt tiêu chuẩn: Nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn; Nghệ thuật thể hiện sáng tạo; Chủ động hội nhập quốc tế. Phim tranh giải hạng mục Phim dự thi phải đạt các tiêu chuẩn: Mang đậm bản sắc dân tộc; Có nội dung tư tưởng tốt, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sáng tạo, có tính phổ cập cao; Nghệ thuật thể hiện mới, hấp dẫn, có tìm tòi độc đáo về ngôn ngữ điện ảnh; Có tính hội nhập quốc tế.

Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điển ảnh cho rằng, chất lượng phim dự LHP 19 năm nay khá đồng đều.
Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điển ảnh cho rằng, chất lượng phim dự LHP 19 năm nay khá đồng đều.

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách 15 bộ phim trình chiếu trong “Chương trình toàn cảnh” nhiều người khá bất ngờ bởi “Thần tượng”, một bộ phim từng đạt một lúc 6 giải tại Cánh Diều Vàng 2014 như: Phim truyện Xuất sắc nhất, Giải báo chí - phê bình điện ảnh cho phim truyện điện ảnh xuất sắc năm 2013, giải Đạo diễn xuất sắc cho Nguyễn Quang Huy, Nam diễn viên phụ xuất sắc Ngô Kiến Huy, Quay phim xuất sắc cho Trang Công Minh, Họa sĩ thiết kế xuất sắc cho Ngô Phước Trường lại bị loại khỏi danh sách dự giải Bông Sen Vàng 2015. Điều này cũng có nghĩa là cơ hội duy nhất cho “Thần tượng” tại sân chơi này chỉ còn giải thưởng “Phim được yêu thích nhất” do khán giả bình chọn mà thôi.

Đạo diễn Quang Huy cho rằng, công ty anh tham gia các sự kiện của Cục và Hội Điện ảnh trên tình thần ủng hộ nền điện ảnh nước nhà vì thế không đặt nặng vấn đề được chọn hay không được chọn. Theo đạo diễn Quang Huy có thể vì “Thần tượng” đã bị cũ do công chiếu quá nhiều và từng đạt giải rồi nên hội đồng tuyển chọn không chọn dự giải Bông Sen Vàng 2015. Nếu lý giải theo quan điểm của đạo diễn Quang Huy thì trong 20 phim được chọn dự giải Bông Sen Vàng 2015 có không ít phim thuộc dạng “nhẵn mặt” như: “Đập cánh giữa không trung”; “Hương Ga”, “Trúng số”...

15 phim không được chọn dự giải Bông Sen Vàng 2015.
15 phim không được chọn dự giải Bông Sen Vàng 2015.

Nhiều người cho rằng, so với “Chàng trai năm ấy” thì “Thần tượng” đáng để được chọn hơn bởi xét về tính nghệ thuật thì phim này “ăn điểm” hơn. Tuy nhiên, có thể vì mỗi đơn vị tư nhân chỉ được chọn một phim nên hội đồng tuyển chọn đã chọn “Chàng trai năm ấy” của đạo diễn Quang Huy bởi phim này mới sản xuất năm 2014, lại cũng từng tạo hiệu ứng tốt và đặc biệt là cân bằng giữa yếu tố giải trí với nghệ thuật.

Nhảm, nhạt không có cửa với Bông Sen Vàng

Trước hết, phải nhìn nhận khách quan rằng trong số 15 phim bị loại khỏi danh sách đều thuộc dòng phim giải trí do các đơn vị tư nhân sản xuất. Các bộ phim này thuộc nhiều thể loại kinh dị (Quả tim máu; Đoạt hồn; Chung cư ma; Ngủ với hồn ma…), hài (Bộ ba rắc rối; Để mai tính 2; Em là bà nội của anh; Ma dai…), tình cảm lãng mạn (Thần tượng; Cầu vòng không sắc) và tổng hợp (49 ngày, Cô dâu đại chiến 2; Kungfu phở; Hiệp sỹ mù…)… và từng đạt doanh thu cao nhưng giá trị nghệ thuật lại ở mức ít ỏi (ngoại trừ “Thần tượng”).

Xét về tổng thể, không ít bộ phim trên từng bị coi là “dở tệ” khi từ kịch bản đến tính nghệ thuật và tính độc đáo đều dưới điểm trung bình. Nhiều phim như: “Kungfu Phở”, “Để mai tính 2”, “Bộ ba rắc rối”… ngay khi mới ra rạp đã bị chê thảm hại. Khán giả thậm chí còn không hiểu vì sao những bộ phim này lại có thể thuyết phục được các “ông lớn” của các hãng phát hành phim nhận phát hành.

Phim Bộ ba rắc rối từng bị xem là phiên bản lỗi của điện ảnh Việt.
Phim "Bộ ba rắc rối" từng bị xem là phiên bản lỗi của điện ảnh Việt.

“Kungfu Phở” của đạo diễn Nguyễn Quốc Duy được xem là có ý tưởng độc đáo khi chọn món phở truyền thống để làm đề tài và chọn võ thuật Kung Fu để thể hiện. Với ý tưởng này nhiều người nghĩ đạo diễn sẽ có nhiều đất để thể hiện những ý tưởng táo bạo của mình. Tuy nhiên, phim đã làm không tới khi kém chất điện ảnh, diễn biến phim thiếu sự logic, trang phục sến sẩm, diễn viên diễn chưa tới… Tương tự, “Để mai tính 2” Charlie Nguyễn tiếp nối hiệu ứng của “Để mai tính” nhưng lại tạo ra tiếng cười nhảm nhí. Các tình tiết tạo nên tiếng cười trong phim mang tính rẻ tiền, hời hợt và chọc cười theo kiểu “cù nách”. Nhân vật chính do Thái Hòa đảm nhận không thoát khỏi cái bóng của “chị Hội” ở “Để mai tính” phần 1 khiến cho khán giả cảm thấy nhàm với cách diễn đều đều, nhờ nhợ.

“Bộ ba rắc rối” cũng bị xem là một phiên bản lỗi của điện ảnh Việt. Phim thuộc thể loại hài và được đầu tư khá kỹ ở phần hậu kỳ nhưng vẫn không thể tạo được dấu ấn khi thiếu sự logic trong kịch bản, nhiều tình tiết dài dòng, mang tiếng cười gượng gạo…

Một đạo diễn xin giấu tên chia sẻ rằng, khán giả là "giám khảo" đầu tiên và công tâm nhất đối với việc thẩm định các tác phẩm điện ảnh. Vì thế, nhiều tác phẩm điện ảnh ngay khi vừa ra rạp đã có thể biết được số phận của nó đối với việc dự giải các kỳ liên hoan phim. Năm nay, cả khán giả lẫn giám khảo đã gặp nhau một cách đồng nhất và có sự lựa chọn thỏa đáng. Trong số 15 phim không được chọn dự giải nếu so với 20 phim được chọn rõ ràng còn có một khoảng cách rất xa nhất là khi áp theo các tiêu chí mà Ban tổ chức LHP 19 đã đề ra.

Từ thực tế trên có thể thấy, LHP đang ngày càng “tinh” và “sắc” hơn trong việc “chọn mặt gửi vàng”. Tuy nhiên, thật đáng buồn cho điện ảnh nước nhà khi lượng phim giải trí đang bị sa đà theo những yếu tố câu khách để tăng doanh thu. Chính điều này đã góp phần làm cho điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều cơ hội hòa nhập được với điện ảnh quốc tế.

Hoàng Khánh Đăng

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm