Thành Long từng “làm quá” để thu hút sự chú ý của Lý Tiểu Long

(Dân trí) - Trên phim trường, khi chẳng may bị dính “đòn” trong lúc tham gia diễn xuất, Thành Long đã cố tình làm quá lên để có cơ hội được thần tượng Lý Tiểu Long quan tâm hỏi han.


Lý Tiểu Long (trái) và Thành Long (phải) trên phim trường “Enter the Dragon” (Long tranh hổ đấu - 1973).

Lý Tiểu Long (trái) và Thành Long (phải) trên phim trường “Enter the Dragon” (Long tranh hổ đấu - 1973).

Trong buổi đầu sự nghiệp diễn xuất của mình, Thành Long là một diễn viên đóng thế chưa có tên tuổi, khi ấy, tuổi đời còn rất trẻ, chỉ 18-19 tuổi, nhưng Thành Long đã có may mắn được tham gia ê-kíp diễn viên đóng thế của “Fist of Fury” (Tinh Võ Môn - 1972) và “Enter the Dragon” (Long tranh hổ đấu - 1973).

Chính trên phim trường hai bộ phim này, Thành Long đã có dịp gặp gỡ thần tượng Lý Tiểu Long và có được những dấu ấn không thể xóa nhòa về thần tượng.

Chính từ những trải nghiệm thực tế trên phim trường mà Thành Long càng thêm yêu mến thần tượng Lý Tiểu Long: “Anh ấy ảnh hưởng tới tôi rất nhiều. Tôi thần tượng anh ấy từ cách anh ấy trò chuyện với mọi người. Trên phim trường, anh ấy có thể nói cả tiếng Hoa và tiếng Anh. Mọi người nhìn anh ấy như thể một vị thần trên phim trường”.

Đối với giới diễn viên đóng thế, Lý Tiểu Long nhận được rất nhiều sự tôn trọng và yêu mến bởi dù là ngôi sao võ thuật lớn, nhưng Lý Tiểu Long luôn đối xử với mọi người rất bình đẳng. Anh thường trò chuyện với tất cả mọi người làm việc trên phim trường, cùng ăn với họ, không phân biệt đẳng cấp hay vai trò.

Nếu có diễn viên đóng thế nào bị thương cần phải điều trị tại bệnh viện, Lý Tiểu Long sẵn sàng đóng góp vào kinh phí điều trị. Những hành động đó của Lý Tiểu Long đã khiến cậu thanh niên Thành Long vô cùng ấn tượng và cảm phục.


Lý Tiểu Long (1940-1973)

Lý Tiểu Long (1940-1973)


Thành Long (sinh năm 1954, hiện 64 tuổi)

Thành Long (sinh năm 1954, hiện 64 tuổi)

“Anh ấy đối xử với chúng tôi - những diễn viên đóng thế không tên tuổi - rất đỗi chân thành. Có một cảnh quay, tôi bị dính đòn và bị thương nhẹ chút, anh ấy liền chạy tới chỗ tôi hỏi: Cậu có sao không? Khi ấy tôi chỉ là một cậu thanh niên không tên tuổi, còn anh ấy là một ngôi sao điện ảnh lớn.

“Anh ấy thường nói chuyện với các diễn viên đóng thế khác nhưng không nói gì với tôi, bởi trong mắt anh ấy, hẳn tôi còn quá trẻ để có thể trò chuyện như những người đàn ông. Thế rồi bất ngờ tôi có một cảnh quay chung với anh ấy”.

Cảnh quay của Thành Long đòi hỏi anh phải treo mình trên dây cáp. Nhưng người phụ trách điều khiển dây cáp đã thả dây xuống quá nhanh khiến Thành Long bị ngã xuống đất bất ngờ và đau đớn, Lý Tiểu Long liền chạy lại kiểm tra xem Thành Long có ổn không: “Lý Tiểu Long đã nâng tôi dậy, khi ấy, tôi rất bất ngờ vì được thần tượng đích thân hỗ trợ”.

Vì mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ Lý Tiểu Long, nên Thành Long đã cố tình tỏ ra… mình rất đau đớn. Đó là câu chuyện xảy ra trên phim trường “Tinh Võ Môn” (1972), còn trên phim trường “Long tranh hổ đấu” (1973), trong một cảnh giao đấu, Lý Tiểu Long đã vô tính đánh vào mặt Thành Long bằng một cây côn.

“Ngay khi đạo diễn vừa hô cắt, Lý Tiểu Long liền vứt những cây côn xuống đất và chạy lại phía tôi. Tôi vốn đã quen với việc bị dính đòn khi diễn xuất. Tôi bị thương mỗi ngày và đã quen bởi đó là một phần công việc của diễn viên đóng thế. Lĩnh trọn những cú đấm, cú đá là chuyện thường ngày. Nhưng khi thấy Lý Tiểu Long chạy lại hỏi han, tôi lại một lần nữa giả vờ mình rất đau đớn”.


Lý Tiểu Long

Lý Tiểu Long

Những “chiêu thức” này của cậu thanh niên Thành Long đã khiến cậu được Lý Tiểu Long nhớ đến, nhờ đó, Thành Long được “thăng hạng” và được lựa chọn thực hiện nhiều cảnh quay khó hơn, được trả thù lao cao hơn.

Sau khi được làm việc với Lý Tiểu Long, chứng kiến huyền thoại dòng phim võ thuật tự liều mình thực hiện các cảnh quay nguy hiểm như thế nào, Thành Long đã tự hứa với mình rằng nếu trong tương lai có cơ hội được trở thành diễn viên võ thuật thực thụ, thì sẽ tự mình thực hiện tất cả những cảnh quay nguy hiểm.

Thực tế, đôi khi Lý Tiểu Long cũng phải sử dụng diễn viên đóng thế để thực hiện thay mình những cảnh võ thuật có tính chất biểu diễn, bởi thế mạnh của Lý Tiểu Long là những pha thực chiến, những cảnh giao đấu đòi hỏi sự chân thực.

Vì vậy, khi phải thực hiện những cảnh múa võ đẹp mắt mang tính trình diễn trên màn ảnh, Lý Tiểu Long thường phải nhờ người đóng thế. Đối với Thành Long, đó là những cảnh quay gây tiếc nuối, bởi người xem sẽ nhận ra ngay đó không phải Lý Tiểu Long mà là diễn viên đóng thế.

“Sau khi xem những cảnh sử dụng diễn viên đóng thế cho Thành Long, tôi càng có thêm động lực để sau này sẽ tự mình đóng tất cả các cảnh và đảm bảo rằng khán giả sẽ luôn biết chắc chắn người trên màn ảnh kia chính là tôi. Tôi luôn để khán giả được thấy rõ mặt mình trong các cảnh phim như một sự cam kết”, Thành Long chia sẻ.

Lý Tiểu Long trong “Enter the Dragon” (Long tranh hổ đấu - 1973)

Bích Ngọc
Theo SCMP/Asia One