Huế:

Thành Lồi nhận bằng di tích khảo cổ quốc gia

(Dân trí) - Ngày 10/10, Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND Thành phố Huế đã tổ chức lễ đón nhận bằng di tích quốc gia “Di tích khảo cổ học Thành Lồi”.

Thành Lồi được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII. Đây là thành lũy quân sự của người Chăm Pa nằm trên đồi Long Thọ (ngày nay thuộc địa phận 3 phường Thủy Biều, Thủy Xuân, Phường Đúc của Thành phố Huế).

Thành có dạng hình vuông, chu vi dài 2 km với cấu trúc khép kín 4 mặt. Các lũy thành nằm theo hướng Tây - Nam - Đông - Bắc do người Chăm Pa xây dựng có quy mô tương đối lớn, đào đắp, xây dựng kiên cố. Thành đã lợi dụng triệt để địa thế tự nhiên sẵn có là sông Hương làm hào chắn, tạo nên một công trình phòng thủ chắc chắn.

 

Thành Lồi hiện tại chỉ còn một số ít nền móng nằm chìm trong cỏ dại
Thành Lồi hiện tại chỉ còn một số ít nền móng nằm chìm trong cỏ dại

 

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã đề cập đến Thành Lồi thể truyền là chỗ ở của vua Chiêm Thành gọi là thành Phật Thệ. Trong năm 1989, đoàn nghiên cứu do cố Giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn đầu đã tiến hành khảo cổ Thành Lồi đã nhận xét Thành Lồi có đầy đủ hệ thống hào, hệ thống thoát nước, không hề thua kém thành Trà Kiệu.

Thành Lồi được chia thành 3 tầng: Tầng 1 từ bề mặt của thành xuống 1,8-2 m bằng đất nện chặt; tầng 2 dày 0,5-1 m được đắp bằng gạch, đá cuội; tầng 3 dày 1,8-2 m được đắp bằng đất nền chặt. Kỹ thuật xây gạch tại Thành Lồi theo kiểu mài chập liên kết thành khối vững chắc, không có mạch vữa như kỹ thuật xây dựng ở các công trình kiến trúc Chăm Pa.

Hiện tại, Thành Lồi đã bị tàn phá gần như toàn bộ, chỉ còn lại một số dấu tích nền móng mờ nhạt nằm chìm trong cỏ dại.

Đại Dương