Thành công của vở diễn về đạo thầy trò và chống tham nhũng

(Dân trí) - Vở diễn “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời” dựng theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu, tiết mục của Nhà hát chèo Quân đội, do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn đã được UB Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt nam trao giải vở diễn xuất sắc nhất năm 2013.

Đây cũng là vở diễn đoạt huy chương vàng tại Hội thi Nghệ thuật chèo chuyên nghiệp được tổ chức tại Hải Phòng vào tháng 11/2013. Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Hiếu tác giả kịch bản.

Thành công của vở diễn về đạo thầy trò và chống tham nhũng


Xin được chúc mừng nhà văn Nguyễn Hiếu. Cảm xúc của ông thế nào khi vở diễn ”Chu Văn An - Người thầy của muôn đời” dựng theo kịch bản “thầy Chu” của ông đoạt Huy chương vàng và danh hiệu vở diễn xuất sắc của UBLHVHNTVN trao tặng?

Tôi rất xúc động khi thấy tác phẩm của tôi được công chúng và Ban GK cùng như UBLHVHNT VN đánh giá cao. Thật mừng khi thấy khán giả vỗ tay, trầm trồ tán thưởng những thông điệp tôi cần nói trong kịch bản. Cũng qua báo Dân Trí cho tôi gửi tới NSND Doãn Hoàng Giang sự biết ơn khi ông đã chuyển tải được hết bản sắc, ý tưởng tôi gửi gắm trong kịch bản này bằng cách dàn dựng thông minh và sáng tạo.

Điều gì đã tạo cho ông cảm xúc để viết kịch bản "Thầy Chu"?

Đã có nhiều tác giả từng viết về gương sáng, đức độ của Chu Văn An”. Nhưng từ góc độ của mình, tôi muốn thể hiện Chu Văn An trong tư thế người thày mẫu mực, biết yêu dân, thương dân. Có bản lĩnh dám khuyên can vua Trần Dục Tông đang bị đám nịnh thần thao túng. Khi viết kịch bản này quả là tôi có nghĩ đến thực trạng đáng buồn của nền giáo dục nước ta hiện nay, nghĩ đến cả quốc nạn tham nhũng đang làm băng hoại xã hội ta. Suy tư chủ đạo của tôi khi viết kịch bản này là tôi nghĩ nhiều đến sự vất vả, bất an của con người bình thường ở nước ta hiện nay. 

Tôi mong muốn, làm sao đất nước ta có nhiều người thầy mẫu mực, hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Nhiều người trò biết tôn sư trọng đạo. Dù trưởng thành và có sự nghiệp lớn lao đến bao nhiêu cũng không bao giờ quên được công lao dạy dỗ của người thầy. Với tác phẩm này tôi muốn đức hiếu học của dân tộc ta thêm một lần được biểu dương, gìn giữ để trở thành một trong những đức tính tốt đẹp nhất trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước ta.

Tác giả kịch bản, nhà văn Nguyễn Hiếu (bìa phải) và đạo diễn- NSND Doãn Hoàng Giang (bìa trái)
Tác giả kịch bản, nhà văn Nguyễn Hiếu (bìa phải) và đạo diễn- NSND Doãn Hoàng Giang (bìa trái)

Và đó cũng là điều làm nên thành công vở diễn?

Sức hút hay nói cách khác là thành công của vở diễn chính là tính thời sự của kịch bản với phương thức "lấy xưa nói nay". Dù viết về chủ đề nào thì cũng cần đáp ứng được những gì người xem cần ở một tác phẩm sân khấu trong giai đoạn này. Khán giả thích thú khi một vị Quân Vương vẫn lễ phép trước mặt thầy. Tài năng và đức độ của người thầy đủ sức cảm hoá được con người, quỷ thần. Có một chi tiết tạo sự lôi cuốn của kịch bản. Đó là bản “thất trảm sớ” nổi tiếng của Chu Văn An bị thất truyền đã lâu. 

Nay qua nghiên cứu, tìm tòi tôi đã dựng lại gần trọn những ý chính trong bản sớ lừng danh này cùng vai hề nói lên những ao ước, nguyện vọng của người dân. Cũng cần nói rõ sức hấp dẫn của vở diễn “Chu Văn An…” còn được ghi nhận bởi nghệ thuật dàn dựng với cách kể chuyện tài hoa cùng những điểm nhấn, cách tân táo bạo của đạo diễn. Cách diễn như nhập thần của dàn diễn viên trẻ trung và có chuyên môn cao của nhà hát chèo Quân đội.

Một cảnh trong vở diễn Chu Văn An- Người thầy của muôn đời

Một cảnh trong vở diễn "Chu Văn An- Người thầy của muôn đời"

Còn đối với cá nhân NSƯT Tự Long, người đóng vai chính - Thầy Chu Văn An - ông có nhận xét như thế nào ?

Người xem và ngay cả tôi thường nghĩ NSƯT Tự Long với hình ảnh là một diễn viên hài nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ khi anh nhập vai Chu Văn An. Anh đã lột tả được thần thái, tâm trạng của “Người thầy của muôn đời” bằng cách diễn đĩnh đạc, có hồn với một sự chủ động trong cách xử lý tình tiết, với một chất thoại và giọng ca có chiều sâu đầy cảm xúc.

Được biết ông là nhà văn có nhiều cuốn tiểu thuyết khá nổi tiếng như “Người đàn bà quỉ ám”,”Con ngố”, “Bụi đường”, “Những mảnh trần gian”… và gần một chục tập kịch truyện ngắn vậy về kịch thì…

Tôi bắt đầu say kịch sau khi đọc tuyển tập Shakespeare hồi học lớp 10, năm tôi 16 tuổi. Không ngờ đó là sự mở đầu cho một thể loại tôi theo đuổi với tất cả sự đam mê và vất vả trong nửa thế kỉ sáng tác văn học của mình. Ngay sau đó tôi viết kịch bản "Truyền thuyết nỏ thần” bắt chước y hệt lớp lang, đối thoại của nhà viết kịch vĩ đại. Kịch bản đầu tiên "Chuyện như thế thì cần phải nói”( nhại lại tên một vở kịch của Shakespeare “Chuyện không có gì mà ầm ĩ thế”) của tôi được đạo diễn Lộng Chương dựng từ năm 1976 khi tôi 28 tuổi

Trong các vở kịch đã dựng ông tâm đắc nhất các vở nào ?


Trong các vở kịch đã dựng ông tâm đắc nhất các vở nào ?

Đó là “Bốn trái tim đau” do đạo diễn NSƯT Lê Chức dựng năm 1992 cho HNSSKVN. "Linh hồn đông lạnh" do đạo diễn NSƯT Đỗ Kỉ dựng năm 2008 cho Nhà hát Kịch Việt nam. “Hàng rào giữa hai nhà” do NSND Lê Hùng đạo diễn cho NHKVN năm 2011 Và vừa rồi kịch bản "Thầy Chu" do đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang dựng thành tiết mục tham gia hội thi nghệ thuật chèo năm 2013 của Nhà hát chèo Quân Đội.

Qua Hội thi nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc, là một tác giả , theo ông, cái thiếu nhất hiện nay ở chèo để lôi cuốn khán giả?

Theo tôi cái thiếu nhất của chèo hiện nay là chèo chưa ra chèo. Thiếu kịch bản chèo viết đúng thể loại của chèo. Từ kết cấu đến nhân vật. Lấy kịch bản kịch nói rồi gắn các làn điệu vào như một nồi cơm tẻ gạo xấu mà lại trộn khoai, sắn. Điều lớn nữa là các kịch bản chèo hiện này từ bỏ sự phản ảnh điều người xem cần phản ảnh. Né tránh những điều người xem muốn xem, không nói hộ khán giả những điều họ muốn nói. 

Điều nữa chèo cũng như kịch hiện nay đôi khi quên nhu cầu giải trí của người xem với những kịch bản căng cứng thiếu yếu tố hài, phê phán nhẹ nhàng, không có đột biến (cour de theat). Còn một điểm nữa cũng là nhu cầu người xem là các đoàn không chăm lo đến việc xây dựng các ngôi sao nổi trội toàn diện từ diễn xuất, thanh và sắc, khiến cho vở diễn toàn những thợ diễn nhàn nhạt, không để lại ấn tượng mạnh cho khán giả.

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Nhà văn Nguyễn Hiếu

Nhưng có vẻ trong Hội thi vừa qua, tình cảm khán giả dành cho chèo là rất hào hứng đầy chứ?

Tôi hoàn toàn bất ngờ trước sự mộ điệu của khán giả Hải Phòng - một thành phố công nghiệp - trước các đêm diễn chèo. Qua đấy tôi chợt nhận ra nghệ thuật chèo chính là một trong những nghệ thuật hồn cốt của nền văn minh lúa nước - cốt lõi của nền văn hoá Việt nam - Từ những đêm diễn chèo chật cứng người xem một cách chăm chú và thưởng thức một cách sành điệu, tôi mới hiểu. 

Khán giả nước ta không hề quay lưng với bất kì loại hình nghệ thuật kịch nào nói chung và chèo nói riêng. Muốn hấp dẫn khán giả thì trước tiên các đoàn nghệ thuật, các nhà hát phải tôn trọng khán giả. Cho ra những tác phẩm chèo thì cho ra chèo. Kịch và cho ra kịch.

Nhà văn có thể tiết lộ cho độc giả báo Dân trí ý định sáng tác của ông thời gian tới sau thành công vừa rồi ?

Trong hai trại viết vừa qua tôi đã hoàn thành hai kịch bản phản ảnh một vài mảng thực trạng khắc nghiệt của đất nước, của Hà Nội ta gần đây. Một số đoàn, Nhà hát đã nhận và đang xem xét. Thêm vào đó tôi đang hoàn chỉnh cuốn tiểu thuyết về một đề tài thời sự để tham gia cuộc thi viết "Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ 3 do Hội nhà văn và Bộ Công an tổ chức. Nhà XB Hà Nội cũng chuẩn bị phát hành một tập lý luận phê bình và chân dung một số văn nghệ sĩ. Một NXB ở TPHCM cũng đang hoàn thiện một vài thủ tục để in tập truyện ngắn thứ 9 của tôi trong thời gian tới .

Cảm ơn sự chia sẻ của nhà văn. Năm Giáp ngọ chúc nhà văn gặt hái tiếp thành công!

Xin cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị này mà báo Dân Trí đã dành cho tôi. Nhân đầu xuân chúc Báo Dân Trí, tờ báo luôn luôn đề cao công việc khuyến học và đức hiếu học của dân tộc ta ngày càng xứng đáng với tình yêu của bạn đọc. Chúc bạn đọc của báo Dân Trí niềm vui và hạnh phúc mới.

 
Phan Lương Ánh thực hiện