Thắm và “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”

(Dân trí) - Điện ảnh Việt Nam cuối năm 2014, đầu năm 2015 có một hiện tượng “xưa nay hiếm” tại các rạp chiếu phim ở Hà Nội và TPHCM, khán giả rủ nhau “rồng rắn” đi xem một bộ phim tài liệu: phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm.

“Dõi theo từng động tác của những con người đầy ngẫu hứng”

Phim có đề dẫn: “Thỉnh thoảng có đoàn hội chợ ghé qua mang đến những trò giải trí phá đi sự đơn điệu hàng ngày. Chúng tôi quan sát từ xa, vừa thích thú, vừa sợ hãi dõi theo từng động tác của những con người đầy ngẫu hứng, vừa ăn mặc sặc sỡ, vừa ngang tàng, và rất khác biệt này”.

Hình ảnh đoàn hội chợ trong ký ức tuổi thơ của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm trong phim tài liệu “chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” có lẽ không xa lạ với tuổi thơ của những người lớn lên ở những tỉnh lẻ. Nhất là trong những dịp Tết, những miền quê nghèo tưởng đâu cứ “buồn le lói” lại vui tưng bừng với những “phút huy hoàng” cùng sân khấu với “những con người đầy ngẫu hứng” áo xanh áo đỏ, lấp lánh kim sa hột lựu nhảy múa, hát ca cho mọi người mua vui.

Cảnh hậu trường trong phim.

Cảnh hậu trường trong phim.

Song cuộc dấn thân của Thắm trong “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” cho thấy những góc khuất cuộc đời của những con người tự nhận mình là “pê đê bóng gió” - một cuộc đời không chỉ phiêu lưu, lãng mạn như cảm nhận ban đầu của Thắm khi chọn đề tài đoàn hội chợ, mà là một cuộc đời phiêu lưu, bấp bênh và buồn.

Đằng sau những đêm sân khấu rực rỡ ánh đèn là cảnh sống tạm bợ ngày qua ngày của hơn 30 con người “tứ cố vô thân”; sau ánh đèn sân khấu là tâm tư của một người kể chuyện rằng cha mẹ có mỗi một đứa con trai út là “tui” mà “tui như vầy nè” nên phải kiếm một thằng con trai để cho cha mẹ có cháu kêu “ông nội”, “bà nội”; sau ánh đèn sân khấu là nỗi lo “nợ người ta 200 triệu” mà chắc tới khi chết rồi, “mình” cũng chưa trả hết nợ cho người ta; sau ánh đèn sân khấu là chiếc võng đong đưa tâm sự chuyện đời thường, chuyện yêu đương… Phim cứ thế dìu người xem đi qua một hành trình cảm xúc vỡ nhiều cảm hiểu, nhiều cảm thông với “những con người đầy ngẫu hứng, những người ăn mặc sặc sỡ, vừa ngang tàn, vừa rất khác biệt này”

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: “Họ đã là người nhà của tôi”

Lực hấp dẫn của “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” như nhiều khán giả chia sẻ chính là sự thật và sự thật trong những cảnh quay sống động, đầy cảm xúc. Hiện thực cuộc sống của đoàn hội chợ được tái hiện nguyên xi trong phim qua ống kính dấn thân Nguyễn Thị Thắm. Nữ đạo diễn trẻ cho thấy hình ảnh của một cuộc dấn thân chuyên tâm và chuyên nghiệp: vừa theo đoàn hội chợ lê la từ tỉnh này qua tỉnh khác suốt 5 tháng ròng rã như mê muội, ống kính của Thắm vừa tỉnh táo bắt lấy những chi tiết “đắt” trong từng khoảnh khắc đời thường của đoàn hội chợ.

Những câu thoại của những nhân vật có thật đang sống cuộc đời thật của họ trong phim đôi khi nói ra nghe nhẹ tênh, khiến người ta bật cười đó mà cũng ngậm ngùi buồn đó. Chuyện đời ở đoàn hội chợ kể ra buồn, nhưng họ chỉ cười buồn thôi mà không khóc. “Họ là những người từng trải, mạnh mẽ” - đạo diễn Thắm nói về những người mà cô đã ở cùng, ăn cùng, ngủ cùng suốt 5 tháng. Khi chị Phụng và một chị nữa trong đoàn mất sau vài tháng phim đóng máy, Thắm đã bị sốc vì “chưa bao giờ mất đi trong đời những người thân thiết, gần gũi với tôi đến thế”.

Khi phim hạ màn, đạo diễn bước ra chào, khán giả đã bất ngờ trước một cô gái còn rất trẻ, rất nhỏ nhắn. Năm ấy một mình theo đoàn hội chợ quay phim, Thắm mới 25 tuổi. Làm sao một cô gái như vậy lại “có gan” đi sống trong cảnh mà hình dung là rất vất vả và phức tạp?

“Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo nên vốn là người không câu nệ về điều kiện sống. Mọi người hay nói cộng đồng này phức tạp, cộng đồng kia phức tạp nhưng khi đến và sống với mọi người trong đoàn, tôi thấy mọi người rất tình cảm, quan tâm giúp đỡ nhau. Mỗi lần tôi gặp gỡ một nhân vật, khám phá ra thêm một điều gì đó thì đó là động lực để tôi tiếp tục hành trình. Việc không bao giờ biết được ngày mai mình sẽ gặp điều gì cũng khiến tôi cảm thấy phấn khích” - nữ đạo diễn trẻ nói.


“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” là bộ phim tài liệu dài 86 phút về đề tài đoàn hội chợ. Phim được quay trong 5 tháng và hoàn tất thực hiện trong 5 năm (2009 - 2014). Phim công chiếu lần đầu ở Liên hoan phim Cinema du Reel tại Pháp. Sau đó, tham gia nhiều Liên hoan phim quốc tế tại Indonesia, Myanmar, Mỹ, Đài Loan, Lào... tại Liên hoan phim tài liệu Đông Nam Á Chopshots Indonesia, phim đã chiến thắng ở hạng mục Special mention.






Khánh Hiền