“Thảm họa âm nhạc” không nằm ở… tiếng Anh!

(Dân trí)- Việc cuộc thi Giọng hát Việt lạm dụng quá nhiều những ca khúc tiếng Anh đã gây những tranh cãi nảy lửa. Số đông khán giả bày tỏ sự “mệt mỏi” khi nghe các thí sinh gào thét tiếng Anh. Tất nhiên, lỗi không nằm ở tiếng Anh, càng không phải vì âm nhạc…!

Uyên Linh đã từng có những phần biểu diễn thành công tại cuộc thi Viet Nam Idol 2010 với những ca khúc tiếng Anh. Thậm chí, ngay sau khi Uyên Linh hát Take me to the river, Tell him, Sway… Sức hút của những ca khúc này dường như được nhân lên, đông đảo khán giả yêu âm nhạc “sôi sục” tìm nghe lại những ca khúc này trên các website âm nhạc.
 
“Thảm họa âm nhạc” không nằm ở… tiếng Anh!
Uyên Linh được khen ngợi về khả năng hát tiếng Anh. Ca khúc Tell him Uyên Linh song ca cùng một người bạn từng được cư dân mạng "sôi sục" tìm kiếm

Nói như vậy để thấy, với âm nhạc- không có bất kỳ ranh giới nào về ngôn ngữ. Âm nhạc luôn có sức truyền cảm mãnh liệt tới trái tim con người, bất chấp mọi rào cản về sự khác biệt. Tuy nhiên, để chạm tới trái tim người nghe, âm nhạc ấy phải được truyền tải bằng cảm xúc và sự thấu hiểu.

Việc cuộc thi Giọng hát Việt sử dụng quá nhiều những ca khúc tiếng Anh tại 2 vòng thi Giấu mặt, Đối đầu đã gây nên những tranh cãi nảy lửa. Số đông khán giả bày tỏ sự “mệt mỏi” khi nghe các thí sinh của Giọng hát Việt gào thét, “mạnh ai nấy phiêu”, mặc sức làm “biến dạng” những ca khúc tiếng Anh nổi tiếng.

Nhạc sỹ Lưu Thiên Hương bày tỏ “Tôi đã nghe các thí sinh tham gia Giọng hát Việt hát tiếng Anh, quả thực, ở mỗi phần bè, tôi không nghe nổi họ hát gì. Tôi phải nghe bằng cách phân tâm nghe 3 bè giống như khi sáng tác để có thể cảm nhận được phần hát của từng thí sinh”.

Theo nhạc sỹ Lưu Thiên Hương, “Hẳn BTC có lý do riêng khi lựa chọn quá nhiều ca khúc tiếng Anh như vậy. Có thể, BTC muốn chương trình mới lạ hơn, muốn âm nhạc văn minh, hiện đại hơn, có lẽ BTC cũng muốn người nghe được hội nhập hơn với âm nhạc thế giới. Tuy nhiên, tôi đồng quan điểm với khán giả, tôi thấy “mệt” khi nghe những ca khúc tiếng Anh ở The Voice. Thật khó để chạm tới trái tim khán giả bằng cách hát ấy…”.
 
Thật khó có thể chạm tới trái tim khán giả bằng cách hát này...
"Thật khó có thể chạm tới trái tim khán giả bằng cách hát này..."

Ban tổ chức Giọng hát Việt muốn chương trình đẳng cấp hơn nên chọn hầu hết những ca khúc tiếng Anh cho thí sinh trổ tài, tuy nhiên, bản thân những ca khúc tiếng Anh được thể hiện thậm chí đã không đạt được đúng đẳng cấp cần có của nó.

Trở lại scandal lộ clip kết quả của The Voice để nói một câu chuyện khác. Khi Trần Lập gửi email cho Phương Uyên muốn xin đổi ca khúc cho cặp thi đấu Bảo Anh- Thu Thủy, thành viên của Bức Tường đã muốn 2 “chiến binh” của mình hát Giọt sương và chiếc lá thay vì Somebody that I used to know, nhưng đề nghị này bị từ chối.

Câu hỏi đặt ra, “Liệu chăng, nhưng ca khúc tiếng Việt không đủ tầm để xứng với đẳng cấp âm nhạc của The Voice phiên bản tiếng Việt?”.

Nhạc sỹ Lưu Thiên Hương cho rằng, “Mỗi nhạc sỹ có một thẩm mỹ âm nhạc khác nhau. Tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định cũng như thẩm mỹ âm nhạc của Phương Uyên (khi đó là Giám đốc âm nhạc của The Voice). Tôi sẽ không bàn luận về chuyện này. Nhưng, nếu là tôi, tôi sẽ chọn Giọt sương và chiếc lá. Không có vấn đề cá nhân ở đây. Rõ ràng, Giọt sương và chiếc lá với thể loại alternative rock, với những quãng cao, rất tốt để thí sinh khoe giọng”.
 
Thật khó có thể chạm tới trái tim khán giả bằng cách hát này...
"Những ca khúc tiếng Anh được thể hiện chưa đạt được đẳng cấp cần có của nó..." 

Một nhạc sỹ khác khi được hỏi về các ca khúc tiếng Anh được sử dụng quá nhiều trong Giọng hát Việt, và việc các ca khúc nhạc trẻ Việt bị xem là không đủ tầm, anh có nói “Tôi chẳng tự ái với câu hỏi này của bạn. Tôi không phủ nhận nhạc trẻ Việt hiện có nhiều “thảm họa”, nhiều ca khúc nhí nhố, nhiều ca khúc chẳng có nội dung… Nhưng, nếu để chọn cho một cuộc thi như Giọng hát Việt, ngay lập tức tôi có thể chọn ra một danh sách hàng trăm ca khúc Việt “đủ tầm” để thi thố, vừa hiện đại, trẻ trung, vừa là những ca khúc tuyệt hay”.

Việc lựa chọn quá nhiều ca khúc tiếng Anh còn gây ra những chuyện “dở khóc, dở cười” khác cho The Voice phiên bản Việt, khi trong “cơn bão” scandal, có thông tin rằng, rất nhiều thí sinh Giọng hát Việt hát tiếng Anh nhưng không hề biết tiếng Anh.

Đây có thể là tin đồn, nhưng là tin đồn có thể kiểm chứng, và là một tin đồn có cơ sở. Đã có lần, phóng viên hỏi ca sỹ Trọng Tấn, “Trong những đêm nhạc ngoại giao, các anh có thể ngay lập tức hát tiếng Pháp, hát tiếng Ý, hát tiếng Nga, hát tiếng Anh… Chẳng lẽ, các anh sẽ phải học ngần ấy thứ tiếng?”, ca sỹ Trọng Tấn đã thành thật trả lời rằng, “Không, chúng tôi thường học một hoặc hai ngoại ngữ là cùng. Còn lại, cũng có những trường hợp hát “chay” thế thôi, hát theo cách phát âm của bản nhạc gốc, chứ không hề biết tiếng”.

Có nghĩa rằng, những người thợ hát có thể hát tiếng Ý mà không cần phải biết bất kỳ một chữ tiếng Ý nào!

Thí sinh hát giỏi tiếng Anh cũng rất có thể là người không giỏi tiếng Anh, thậm chí, có thể không hiểu hết những gì mình vừa hát.
 
 
Sự thông minh, tinh tế này không phải thợ hát nào cũng có được...
"Sự thông minh, tinh tế này không phải thợ hát nào cũng có được..."

Tiếng Anh không có lỗi, âm nhạc càng không có lỗi. Với bất kỳ ngôn ngữ nào, người nghệ sỹ cũng có thể chạm tới trái tim khán giả nếu họ yêu ngôn ngữ ấy, nếu họ thấu hiểu ngôn ngữ ấy, và truyền được cảm xúc ấy đến khán giả.

“Tôi là người trong nghề, cũng từng là người học hát, điều quan trọng nhất theo tôi khi truyền tải cảm xúc đến người nghe là việc mình biết cách xử lý ca khúc. Tôi nghĩ, những ca khúc tiếng Anh ở The Voice đã bị xử lý quá “tham”. Thí sinh nào cũng “tham” những nốt cao và thi nhau thể hiện. Hãy nghe lại những ca khúc gốc mà xem, những nghệ sỹ danh tiếng thế giới khi hát ca khúc đó, họ đâu cần phải lên gân như vậy? Họ đâu cần phải phô diễn như vậy? Họ đâu gào thét đến thế? Mà ca khúc vẫn tuyệt hay. Với tôi, các thí sinh The Voice là những người hát tốt, nhưng chưa phải là những người hát thông minh”- Lưu Thiên Hương bày tỏ quan điểm.

Khi được hỏi về bí quyết để hát một ca khúc tiếng Anh, Uyên Linh đã nói “Khi hát, tôi tưởng tượng ra đó là một câu chuyện và muốn kể câu chuyện ấy theo cách của mình cho khán giả nghe…”.

“Câu chuyện” của ca khúc được kể như thế nào còn tùy thuộc vào sự thông minh, tinh tế của từng người. Sự thông minh, tinh tế này không phải ai cũng có được, không phải thợ hát nào cũng có được, và không phải cứ học mà có được.

 
Hiền Hương