Thăm gác xưa của Trịnh
(Dân trí) – Chiều 1/4, căn gác 203/19 ở tầng 2, dãy nhà C khu tập thể đường Nguyễn Trường Tộ (TP Huế) nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống vào thời trai trẻ và sáng tác những bản nhạc đầu đời đã chính thức mở cửa, gợi nhớ biết bao ký ức...
Với thời gian không nhiều cộng với sự làm việc nỗ lực, các văn nghệ sĩ đã đưa về Gác Trịnh một số hiện vật như: Các bức tranh in lại từ tranh họa sỹ Đinh Cường, họa sỹ Bửu Chỉ, 3 tác phẩm của họa sỹ Hoàng Đăng Nhuận; bộ ấn phẩm lưu hành nội bộ về nhạc của Trịnh Công Sơn do gia đình tặng anh Nguyễn Chí Trí và những bức ảnh kỷ niệm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với những người bạn.
Gác Trịnh nhìn từ cửa sổ vào rộn rã và đầm ấm trong chiều 1/4
Đặc biệt có một ghế gỗ rất nặng ở căn gác này mà Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ đứng lên để vẽ một bức tranh trên cao được nhóm văn nghệ sĩ Huế sưu tầm.
Gác Trịnh sẽ là một không gian sáng tác, quảng bá về văn hóa và nghệ thuật. Cũng là nơi để thể hiện lòng nhân ái của con người mà Trịnh Công Sơn đã nói “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.
Sau đêm ra mắt Gác Trịnh, cũng là đêm kỷ niệm 12 năm ngày mất của TCS (01/4/2001 – 01/4/2013); trước mắt Gác Trịnh sẽ mở cửa để những du khách yêu mến Cố đô Huế, yêu mến nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đến để thăm lại nơi nhạc sỹ tài danh từng sống và sáng tác những nhạc phẩm đầu tiên cùng với những kỷ vật của bạn bè. Đồng thời thưởng thức các nhạc phẩm trong không gian thiêng liêng này.
Chiếc ghế kỷ niệm của 3 người bạn: Trịnh Công Sơn - Đinh Cường - Bửu Chỉ
Việc duy trì Gác Trịnh hiện tại sẽ do nhóm anh em văn nghệ sỹ Huế đảm nhiệm bằng tất cả tấm lòng đối với những người con của xứ Huế và quê hương, cũng như việc đón tiếp du khách được anh em trong nhóm văn nghệ sỹ Huế luân phiên nhau.
Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí sông Hương, đại diện cho nhóm văn nghệ sĩ cho ra mắt Gác Trịnh, thời gian tới sẽ kêu gọi nhiều người đóng góp các kỷ vật về Trịnh Công Sơn vào đây để thêm phần phong phú thêm các chốn cũ của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh.
Cũng trong kế hoạch sắp đến, Gác Trịnh sẽ là không gian triển lãm tranh, ra mắt các ấn phẩm giá trị của các văn nghệ sỹ hoặc những buổi giao lưu văn hóa giữa các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu…
Rất nhiều người yêu mến TCS, văn nghệ sĩ và du khách đã lắng lại những giây phút bộn bề cuộc sống để trở về với nhạc Trịnh qua tiếng ca sâu lắng của Camille Huyền, guitarist Trần Văn Phú cùng những kỷ vật một thời, và không gian dường như còn đọng lại hơi thở của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Dịch giả - nhà văn Bửu Ý (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) - một trong những người bạn thân thiết với TCS tại Huế
"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ..."
Những bức ảnh lưu lại khoảnh khắc trong từng giai đoạn cuộc đời Trịnh Công Sơn với bạn bè
Vì diện tích căn gác nhỏ nên không đủ chỗ cho nhiều người yêu mến nhạc sĩ đến viếng thăm