Tết từ trong bếp Tết ra

(Dân trí) - Từ hai mươi lăm Tết, nhà nhà đã lo ngả lợn, tát ao bắt cá, chuẩn bị lá dong gạo nếp, đậu xanh, muối dưa hành ăn Tết. Lúc này, trong làn gió lạnh, gian bếp nhỏ luôn cháy hồng ngọn lửa và thơm nức mùi những món ăn ngon lành hấp dẫn.

Bắt đầu từ đầu tháng Chạp, trong cái lạnh thấu xương của những đợt gió bấc, mẹ tôi bắt đầu tích trữ gộc tre để dành nấu bánh chưng. Còn việc đun nấu hàng ngày đã có cây rơm vàng góc vườn đàm nhiệm. Từ nấu cơm, đun nước cho đến nồi cám lợn to đùng cũng đều dùng rơm để nấu. Vì thế, chỉ đun mấy ngày là bếp tro đã đầy tú hụ, thứ tro rơm này nếu đem rắc lên luống mạ non thì trở thành một tấm áo bảo vệ giúp cho mạ không bị chết vì gió lạnh. Tháng Chạp mưa phùn gió bấc lạnh nhất trong năm, cây rơm trở thành người bạn tri kỉ của người nông dân. Một bếp lửa nồng nàn đượm khói, một ổ rơm thơm ấp ủ những giấc mơ thơ bé…

Những ngày ấy, gian bếp là nơi ấp ủ, giữ lửa sống cho cả gia đình lớn. Những bữa cơm được dọn ra ngay trong gian bếp còn vương làn khói lam sao mà đầm ấm. Tôi vẫn nhớ in hình ảnh ba ông đầu rau nặn bằng đất sét khom lưng đứng trên bếp lửa, đội trên đầu những nồi cơm nồi canh bốc hơi nghi ngút (còn lâu lắm mới xuất hiện những kiềng sắt ba chân, bếp than hay bếp gas). Nhà ai cũng tự làm lấy cho mình những ông đầu rau bằng đất sét, phơi khô rồi mới đặt vào bếp.

Tết đến bắt đầu từ gian bếp ấm (ảnh minh họa)
Tết đến bắt đầu từ gian bếp ấm (ảnh minh họa)

Hồi bé, khi ngồi đun bếp, tôi thường lấy que cời bằng tre vẽ lên thân ông đầu rau thậm chí gõ cọc cọc lên đầu ông vua bếp. Những khi phát hiện ra, mẹ tôi thường mắng, bà bảo chúng tôi làm như vậy là sẽ mang tội với thần bếp. Trước ngày Tết ông Táo hai mươi ba tháng Chạp, mẹ tôi thường dặn chị em tôi phải quét dọn nhà cửa sạch sẽ, lau chùi đồ đạc cẩn thận, nhất là gian bếp phải tinh tươm để vua bếp còn về trời báo cáo và xin Ngọc Hoàng phù hộ cho năm tới. Mẹ nói, trong cả năm, có ai làm việc gì tốt hay xấu vua bếp đều biết hết, ông sẽ ghi vào sổ chẳng sót điều gì. Thậm chí ai chăm ngoan học giỏi được nhiều điểm 10 hoặc lười biếng ham chơi không vâng lời cũng đều được tâu lên Ngọc Hoàng. Nghe thế, chúng tôi mắt tròn xoe, rất sợ và không dám nói dối, không dám ăn vụng và để đồ dơ bẩn, cũng chăm chú học hơn vì sợ vua bếp biết chuyện tâu lên Ngọc Hoàng.

Ngày tiễn ông Táo lên trời, tôi hay theo mẹ đi mua cá chép, tôi mê nhất mấy con chép đỏ nhỏ xinh, giương đôi mắt tròn lấp lánh. Mẹ làm lễ xong, tôi lăng xăng dành phần đi thả cá, lòng thành kính mong sao được ông Táo xí xóa cho chuyện trong năm tôi trót nói dối mấy lần, thầm mong ông Táo xin giúp Ngọc Hoàng phù hộ cho tôi học giỏi và… chóng biết đi xe đạp, không bị ngã sưng, trầy đầu gối nữa. Khi mấy chú cá chép vàng quẫy đuôi vờn nước bơi ra khỏi tầm mắt, tôi thầm nghĩ ông Táo sẽ vui lắm vì mấy con cá này xinh đẹp và khỏe mạnh, chắc ông sẽ nói tốt về tôi và cả gia đình.

Những ngày giáp Tết thật náo nức và bận rộn. Mọi công việc đều phải làm ngay, làm bằng hết, cứ như thể bước sang năm mới là không được làm gì nữa. Từ hai mươi lăm Tết, nhà nhà đã lo ngả lợn, tát ao bắt cá, chuẩn bị lá dong gạo nếp, đậu xanh, muối dưa hành ăn Tết. Lúc này, trong làn gió lạnh, gian bếp nhỏ luôn cháy hồng ngọn lửa và thơm nức mùi những món ăn ngon lành hấp dẫn. Và không gian lạnh giá của mùa đông sẽ ấm sực lên bởi mùi mật mía nồng nàn quyện lẫn vị gừng tươi nóng bỏng, mùi lạc rang thơm giòn của mẻ chè lam nhà ai đang ngào trong bếp, một món ăn đặc trưng mỗi dịp xuân về. Lũ trẻ khi ấy chỉ còn bấm đốt tay chờ ngày nghỉ Tết, chờ phút nếm bánh “cua” và đợi thời khắc được diện quần áo mới để bố cho đi cúc bái.

Thực sự thì lúc này mới đúng là “vui hơn Tết” bởi Tết đã đến thật gần.

Bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, chõ bánh gai bánh mật đang đồ cũng ngào ngạt lên hương, cả nhà ai cũng hân hoan phấn khởi. Trong nhà, bố đang sửa soạn, bày biện trang trí lại bàn thờ với hộp mứt đỏ và những chai rượu đầy màu sắc. Ngoài sân, chị tôi đang gánh nước rửa cái sân gạch đỏ au, làm tôn thêm cái rực rỡ của chậu cúc vàng rực. Nhành đào bích đang phô những nụ hồng mập mạp, căng đầy nhựa sống. Bánh pháo đón giao thừa cũng đã được đem ra sửa soạn để chuẩn bị đón xuân.

Tết đã đến bắt đầu từ gian bếp ấm.

Thái Hương Liên

(Trích: “Mùa ấu thơ”, NXB Kim Đồng, 2015)