“Tèo em” lại “xào nấu” ý tưởng phim Mỹ?

(Dân trí)- Không khó để nhận ra những nét “tương đồng” giữa bộ phim “Tèo em” của đạo diễn Charlie Nguyễn sản xuất năm 2013 và bộ phim hài “Due date” của Mỹ sản xuất năm 2010.

Sau thất bại của bộ phim “Bụi đời chợ Lớn”, đạo diễn Charlie Nguyễn, diễn viên Johnny Trí Nguyễn đã quay hướng đầu tư sang phim hài. Bộ phim hài “Tèo em” được lên kế hoạch ngay sau khi “Bụi đời chợ Lớn” có quyết định chính thức bị cấm phát hành. “Tèo em” đã kịp ra rạp vào mùa phim Giáng sinh và đang hứa hẹn sẽ làm nên những kỷ lục lớn về doanh thu ở các phòng vé.

Xem “Tèo em”, không khó để nhận ra những nét “tương đồng” có chủ ý giữa bộ phim của đạo diễn Charlie Nguyễn và bộ phim hài “Due date” của Mỹ sản xuất năm 2010.
 
“Tèo em” giống “Due date” bao nhiêu phần trăm?


“Tèo em” giống “Due date” bao nhiêu phần trăm?

"Due date" và "Tèo em" cùng lấy cuộc hành trình của 2 người đàn ông- một lịch lãm, đẹp trai, một "không bình thường" để lấy tiếng cười từ khán giả.

Cả hai bộ phim hài đều lấy tâm điểm gây cười từ cuộc hành trình của 2 người đàn ông, một người lịch lãm, đẹp trai, thành đạt, và một người- “có vấn đề về thần kinh”. Người đàn ông “có vấn đề” tất nhiên đã biến cuộc hành trình trở thành… “thảm họa”. Cũng chính anh ta mang đến đủ chuyện trời ơi đất hỡi, đủ những rủi ro, đủ những rắc rối cho người bạn đồng hành- là người đẹp trai, thành đạt.

Trên chuyến hành trình “gây bão” với các tình tiết hài, cũng rất dễ nhận ra những chi tiết “Tèo em” đã “mượn tạm” của “Due date”. Chi tiết đối mặt với cảnh sát, chi tiết về chiếc ví bị đánh cắp, chi tiết cô bạn gái của “người đàn ông đẹp trai” sinh em bé ở cuối phim… Nhưng, cũng không thể phủ nhận, những nỗ lực, cố gắng của Charlie Nguyễn trong việc “bồi bổ” cho “Tèo em” những tình tiết hài gây cười “độc và lạ”. Chính những tình tiết hài hước, gây cười “nghiêng ngả” các rạp chiếu (ngay cả khi vô lý) đã mang đến cho “Tèo em” doanh thu hứa hẹn.
 
“Tèo em” giống “Due date” bao nhiêu phần trăm?


“Tèo em” giống “Due date” bao nhiêu phần trăm?
Ở "Due date", 2 nam chính tương đối đồng đều về diễn xuất. Ở "Tèo em", Thái Hòa đã thể hiện sự hơn hẳn so với Johnny Trí Nguyễn.

Khi bắt tay vào làm “Tèo em”, Charlie Nguyễn đã từng khẳng định, “Ở thị trường phim Việt Nam hiện tại, có lẽ an toàn nhất là làm phim hài nhảm. Phim hài nhảm dễ ra rạp, dễ có doanh thu cao, dễ qua cửa kiểm duyệt…”. Khi ra rạp, “Tèo em” đã khẳng định Charlie Nguyễn nói đúng.

“Tèo em” cũng khẳng định một “chân lý” khác, đó là sự ảnh hưởng rõ nét của phim Mỹ đối với các đạo diễn Việt Kiều. Cho dù, khi về Việt Nam làm phim, mỗi đạo diễn Việt Kiều đều cố gắng khẳng định “chất riêng”, khẳng định hướng đi riêng, và khẳng định nguồn cội Việt Nam luôn luôn tuôn chảy trong mình.

Năm 2010, bộ phim “Giao lộ định mệnh” của đạo diễn Victor Vũ đã phải đối diện với sóng gió dư luận khi ý tưởng kịch bản của phim giống “Shattered” đến không ngờ. Chính Victor Vũ cũng không thể có câu trả lời cho thỏa đáng về sự giống nhau giữa “Giao lộ định mệnh” và “Shattered”.

Năm 2013, Dustin Nguyễn làm đạo diễn kiêm biên kịch, kiêm nam chính trong “Lửa Phật”. Bộ phim còn có tên khác là “Ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam”, tuy nhiên, khi xem phim, khán giả chỉ thấy ở một không gian “đặc sệt” chất Mỹ. Nhân vật xây dựng theo kiểu Mỹ. Hội thoại theo lối Mỹ. Cách làm phim đậm chất Mỹ cộng thêm chút hài hước của các phim hành động Thành Long, nhưng do làm không tới, “Lửa Phật” gây thất vọng ngay khi ra mắt.
 
 
Câu chuyện đậm chất Mỹ trong Lửa Phật của Dustin Nguyễn
Câu chuyện đậm chất Mỹ trong "Lửa Phật" của Dustin Nguyễn
 
 
Không phải đến “Tèo em”, những ảnh hưởng từ điện ảnh Mỹ mới lộ ra ở phim của Charlie Nguyễn. Từ “Long ruồi”, cách làm phim hài theo lối Mỹ đã thể hiện rõ nét. Những cú cắt cảnh, những cách dẫn chuyện, cách xây dựng tình tiết… thể hiện rất rõ Charlie Nguyễn đã xem, đã học hỏi, và đã thấm nhuần cách làm phim của Mỹ như thế nào.
 
Bản thân điện ảnh Mỹ cũng có những bộ phim làm theo cùng một công thức. Khi xem “Due date”, có thể nhiều người sẽ nhớ đến “Rain man”- bộ phim kinh điển từng đoạt 4 Oscar năm 1989. “Rain man” cũng kể về cuộc hành trình của hai người đàn ông, một người trẻ, đẹp trai, và một người đàn ông thiểu năng. Nhưng, những tình tiết để xây dựng nên câu chuyện, ý nghĩa, giá trị nhân văn, ý tưởng của cuộc hành trình… tất thảy đều là sự khác biệt rất xa giữa “Rain man” và “Due date”.
 
Câu chuyện đậm chất Mỹ trong Lửa Phật của Dustin Nguyễn
Bộ phim "Rain man" cũng kể về một cuộc hành trình của 2 người đàn ông, nhưng đằng sau tiếng cười là sự cảm động, là giá trị nhân văn về tình yêu thương giữa những con người. Phim đoạt 4 giải Oscar năm 1989.
 

Cũng giống như, khi xem “Tèo em”, ta có thể nhìn thấy sự tương đồng nhất định với “Due date”. Nhưng giữa “Tèo em”, “Due date” và “Rain man” là sự so sánh không thể khập khiễng hơn về ý tưởng, giá trị nghệ thuật trong một tác phẩm điện ảnh.

Giá trị của một bộ phim giải trí, phim hài nhảm là tiếng cười vui vẻ, là doanh thu phòng vé.

Giá trị của một bộ phim nghệ thuật, phim tác giả là sự nhân văn trong tiếng cười, trong câu chuyện để lại.

 
Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm