"Tenet"- giải cơn khát phim "bom tấn"

Sau vài lần dời lịch chiếu, “Tenet” - phim “bom tấn” với kinh phí 225 triệu USD của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan, cũng ra mắt công chúng và trở thành tác phẩm được kỳ vọng mang lại sinh khí cho điện ảnh đang ngắc ngoải vì dịch Covid-19.

Ngay từ khi "Tenet" được Warner Bros. Pictures công bố ngày ra rạp, giới mê phim đã nhấp nhổm chờ đợi bởi đây không chỉ là tác phẩm tái xuất của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan mà còn là một trong những tác phẩm ít ỏi được gắn mác "phải xem" (must-see) trong năm 2020.

"Canh bạc" mùa dịch

"Tenet" tạo được sự chú ý ngay từ đầu bởi phim do Christopher Nolan viết kịch bản và đạo diễn, quay trên định dạng 70 mm và IMAX. Phim có mức kinh phí đầu tư 225 triệu USD và cũng là phim "bom tấn" hiếm hoi ra rạp trong lúc đại dịch, "canh bạc" lớn của Warner Bros. Pictures.

Tenet- giải cơn khát phim bom tấn - 1

Cảnh trong phim “Tenet”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

"Tenet" có bối cảnh trải dài qua nhiều quốc gia từ Đan Mạch, Estonia, Ấn Độ, Ý, Na Uy, Vương quốc Anh và Mỹ. Khán giả theo chân nhân vật chính là điệp viên do John David Washington thủ vai cùng với cộng sự của anh là Neil (Robert Pattinson thủ vai) cùng đi điều tra, bảo vệ sự tồn vong của nhân loại, ngăn chặn thế chiến III trước khi nó xảy ra.

Phim mang đến cho khán giả những cảnh hành động mạo hiểm mãn nhãn từ trên cao xuống thấp, từ đất liền ra biển cả, từ đường cao tốc đến chiến trường. Không chuộng kỹ xảo hoặc CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), phim của Christopher Nolan nói chung và "Tenet" nói riêng đều mang đến sự chân thật qua từng phân cảnh. Ngay cả cảnh máy bay đâm vào hông ngôi nhà nổ tung cũng được dàn dựng chứ không dùng kỹ xảo.

Nhờ nỗ lực tạo sự chân thật nhất có thể, phim có những trường đoạn đẹp mắt, thỏa mãn thị giác lẫn thính giác với âm thanh sống động. Về nội dung kịch bản, "Tenet", như bao phim khác của Christopher Nolan, là thể loại hành động, giả tưởng trí tuệ khá phức tạp, không theo dõi chặt sẽ bị lỡ nhịp, khó hiểu. Ông tiếp tục sáng tạo với những khái niệm mới về thời gian và lần này là sự đảo ngược dòng thời gian, khiến vật chất chạy ngược thay vì tất cả đều chạy ngược với những viên đạn ngược, những cảnh chiến đấu ngược. Những khái niệm về gọng kìm thời gian cũng được đưa vào và muốn hiểu hết không hề dễ dàng, buộc người xem phải xem tác phẩm nhiều lần mới lý giải được tất cả những ẩn dụ cài cắm bên trong.

Đúng như Christopher Nolan từng nói, phim không phải hành trình du hành thời gian mà chỉ là một sự đảo ngược về quá khứ có chủ đích ở những điểm cần thiết, thay đổi những điều cần thay đổi.

Đạo diễn cũng cài cắm trong phim những giá trị nhân văn, thông điệp về tình cảm gia đình, tình thân trên mô-típ đặc thù giữa một anh hùng, kẻ ác muốn hủy diệt nhân loại và cuộc chiến ngăn chặn sự hủy diệt này.

Tuy nhiên, điểm trừ là "Tenet" chưa tạo được những cao trào, vỡ òa khiến người xem phải cảm xúc theo nhân vật. Tình người, tình cảm vợ chồng nhấn nhá trong phim chỉ đạt mức vừa phải đủ khiến khán giả chú ý mà chưa đủ sức tác động cảm xúc của họ. Sự thiếu hụt về mặt cảm xúc dù là chủ đích của biên kịch hay không vẫn khiến cho tác phẩm "bom tấn" này không thể so được với "Inception", "Interstellar" cũng của chính Christopher Nolan. Trong cuộc dạo chơi đầy trí tuệ giữa những khái niệm mới về không gian, thời gian, "Tenet" của Christopher Nolan chưa vượt được cái bóng chính mình.

Trông đợi "cú nổ" phòng vé

Bom tấn "Tenet" đã chiếu ra mắt tối 26/8 tại TP HCM, khán giả Việt được xem phim chính thức từ ngày 28/8, sớm hơn so với khán giả Mỹ (từ ngày 3/9). Dù bình luận có khen, chê trái chiều, "Tenet" vẫn là tác phẩm ấn tượng, cho khán giả cảm giác xứng đáng được gọi "bom tấn". Tác phẩm này được các nhà phát hành xem như "cứu tinh" phòng vé, giải cơn khát phim cho khán giả trong mùa dịch. Thêm vào đó, giới phát hành tin Christopher Nolan là cái tên bảo chứng chất lượng cho các phim do ông thực hiện nên "Tenet" đủ sức kéo khán giả rời nhà đến rạp thưởng thức.

Theo Daily Mail, doanh thu bán vé cho "Tenet" có vẻ hứa hẹn tại Anh dù lúc mới mở cửa, hệ thống rạp chiếu phim ở nước này trong tình trạng "ế dài" do nhiều người vẫn sợ dịch bệnh lây lan. Các chuyên gia trong ngành tuyên bố doanh thu "Tenet" tại nước này có thể đạt mức như "Once Upon A Time in Hollywood" của Quentin Tarantino làm được là 50 triệu bảng Anh.

"Tenet" sẽ đi được đến đâu, có thực sự tạo nên "cú nổ" doanh thu phòng vé hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhất là diễn biến của đại dịch Covid-19 thời gian tới. Tuy nhiên, giữa thời điểm khan hiếm phim "bom tấn", mọi sự chú ý đổ dồn vào một tác phẩm thì cơ hội dành cho "Tenet" nhiều hơn thách thức. 

Cuộc chiến giữa phát hành truyền thống và mạng

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành nhiều nơi, khán giả cũng chưa trở lại thói quen ra rạp thì những phim "bom tấn" thương hiệu lớn luôn là "cứu tinh" cho hệ thống rạp. Trước đó, nhà rạp còn trông chờ vào "Hoa Mộc Lan" của hãng Walt Disney nhưng phim này đã được nhà sản xuất quyết định đưa lên nền tảng mạng thu phí vào tháng 9 nên nhà rạp trông đợi vào "Tenet". Doanh thu giữa "Tenet" và "Hoa Mộc Lan" sẽ được người trong giới quan sát thận trọng. Nếu "Hoa Mộc Lan" thắng doanh thu, nền tảng mạng sẽ trở thành kênh phát hành được các nhà sản xuất lớn xem xét cho các "bom tấn" của họ. Lịch sử phát hành phim của thế giới sẽ bị tác động, thay đổi lớn.

Ngược lại, "Tenet" chiến thắng sẽ minh chứng rạp chiếu truyền thống vẫn là lựa chọn lý tưởng của khán giả. Có lẽ hiểu được tầm quan trọng của "canh bạc" mang tên "Tenet" trong cuộc chiến giành lấy khán giả, các nhà phát hành đồng tâm hiệp sức cùng Warner Bros. Pictures, mang phim đến tất cả những nơi đã được phép mở cửa hoạt động trở lại.

Theo Minh Khuê
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm