Tập tục mai táng của người Việt là vấn đề rất lớn, cần phải bàn tính kỹ

(Dân trí) - Tại diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biển đổi và những vấn đề đặt ra” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức vào chiều 27/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, tập tục mai táng là một câu chuyện rất lớn, cần phải bàn tính kỹ.

Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biển đổi và những vấn đề đặt ra” đã nhận được nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý…

Tập tục mai táng của người Việt là vấn đề rất lớn, cần phải bàn tính kỹ - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biển đổi và những vấn đề đặt ra”.

Theo đó, lễ thức tang ma, tập tục mai táng của người Việt Nam truyền thống đã và đang biến đổi hàng ngày. Đây là mối quan tâm đặc biệt của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, khi quan niệm, tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều sự đan xen, tiếp biến giữa các vùng, miền và văn hoá tộc người, vấn đề kinh tế, đất đai, môi trường, quy hoạch đô thị là… bài toán cần có nhiều lời giải.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, ban tổ chức đã nhận được 25 bản tham luận được thể hiện công phu, chất lượng tốt. Các tham luận đã tiếp cận lễ thức tang ma, tập quán mai táng của người Việt Nam từ góc độ khảo cổ, lịch sử, văn hoá, tôn giáo, kinh tế, môi trường…

“Tập quán mai táng của người Việt Nam gắn liền với đời sống văn hoát, tinh thần, tâm linh, tôn giáo… của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ. Mỗi vùng miền, mỗi tộc người đều có những hình thức mai táng khác nhau.

Ngày nay, dân số gia tăng, tỉ lệ người già ngày càng cao… khi có người qua đời, mỗi gia đình phải lo thủ tục mai táng theo các nghi thức truyền thống. Tập tục mai táng truyền thống của người Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều bất cập. Đây chính là điều gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quy hoạch đô thị…

Đối với người Kinh, tập tục mai táng theo hình thức địa táng - tức người chết thì chôn xuống đất (hung táng), sau một thời gian thì sẽ cải táng… xây mộ kiên cố. Quy trình này có nhiều lễ phức tạp, tốn kém thời gian, chi phí, đồng thời làm cho môi trường đất, nước ở nhiều khu vực quanh cách nghĩa địa bị ô nhiễm, trở thành nỗi ám ảnh, thậm chí tác động xấu đến sức khỏe của người dân trong khu vực

Ở các đô thị kinh phí và thủ tục cho việc mai táng người chết trở thành vấn đề lớn không chỉ của các cá nhân, gia đình mà của cả xã hội. Khi gia đình có người chết, việc lựa chọn hình thức địa táng hay hỏa táng, nơi chôn cất hay lưu giữ tro cốt ở đâu là việc đại sự, đồng thời vấn đề hộ khẩu, tiêu chuẩn, chế độ cũng không hề đơn giản.

Ở khu vực nông thôn, những gia đình có người chết phải giải quyết vấn đề người xa quê có được mang về quê nhà an táng? Người nghèo từ nơi khác đến có đủ tiền để mua suất đất ở khu nghĩa trang không?... Đây chỉ là những vấn đề đơn cử trong hàng loạt bài toán mang tính thời sự cần nhiều lời giải”, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn phát biểu.

Tập tục mai táng của người Việt là vấn đề rất lớn, cần phải bàn tính kỹ - 2

Toàn cảnh diễn đàn khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là một diễn đàn khoa học mở dành cho các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan quản lý trực tiếp bàn về tập tục mai táng - một câu chuyện không hề nhỏ.

Gần đây có rất nhiều ý kiến nêu lên thực tế tập quán mai táng không chỉ là câu chuyện về xã hội mà còn là câu chuyện rất lớn về kinh tế, môi trường, đất đai, đô thị… Từ đó đặt ra yêu cầu phải có những chính sách liên quan đến tập tục mai táng để bảo đảm phong tục tập quán của dân tộc nhưng cũng đáp ứng nhu cầu phát triển mới trên tinh thần “văn minh, tiết kiệm”.

“Tập quán ma chay, mai táng là một vấn đề xã hội liên quan đến tập tục, truyền thống nên không chỉ đơn thuần bằng các quy định pháp luật, chính sách kinh tế có thể giải quyết được vấn đề mà còn phải đi đôi với việc nghiên cứu rất sâu các khía cạnh văn hoá, xã hội, phối hợp tất cả các giải pháp mới có định hướng nhằm tạo chuyển biến tích cực. Việt Nam có trên 50 dân tộc anh em với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng khác nhau nên không thể máy móc áp dụng một chính sách, quy định chung cho tất cả. Chúng ta phải bàn rất kỹ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn các nhà khoa học cùng nhau nghiên cứu, đưa ra khuyến nghị và tham gia giải quyết.

Vì vậy, diễn đàn khoa học lần này rất cần thiết để các nhà khoa học, cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị-xã hội, tôn giáo… đưa ra những góc nhìn khác nhau, có các khuyến nghị cần thiết.

Điểm lại các hình thức mai táng từng tồn tại trong lịch sử, PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học nhận xét, thực tế từ xưa đã có những quy định khá chặt chẽ về thủ tục mai táng, đồng thời đã tồn tại song song nhiều hình thức mai táng như địa táng, hoả táng, thiên táng… Đáng chú ý, hình thức hoả táng (điện táng) hiện nay đang trở thành một xu thế cần được thúc đẩy để tạo thành một tập quán mai táng, vừa tiếp nối truyền thống tâm linh vừa phù hợp với yêu cầu hiện nay về bảo vệ môi trường, gìn giữ đất đai.

“Chúng ta không nên nghĩ truyền thống là cái cũ mà tự thân truyền thống tiếp tục vận động để dân tộc tiếp tục phát triển trong hội nhập, tiếp cận với các nền văn hoá khác. Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng của người dân, và cần vận động, thuyết phục để dần dần thay đổi tập quán mai táng của người dân như một đòi hỏi của xã hội”, Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm.

Đồng tình với quan điểm này, Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trong điều kiện hiện nay cần xây dựng quy chuẩn mới về nghi lễ tang ma, mai táng sao cho trang nghiêm nhưng không gây tốn kém, tiết kiệm, gìn giữ môi trường. Đặc biệt, chúng ta phải có quy hoạch đối với các nghĩa trang, vừa đủ điều kiện thờ phụng, tín ngưỡng, tâm linh nhưng tiết kiệm đất đai một cách hiệu quả.

“Theo quan điểm Phật giáo người dân nên chọn hình thức hoả táng, điều này phù hợp với truyền thống tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc. Cách đây 2.600 năm, khi Đức Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử của Ngài đã chọn hình thức hoả táng (trà tỳ) cho dù lúc đó có nhiều hình thức như địa táng, thuỷ táng, điểu táng, lâm táng…

Giáo hội đã tuyên truyền, đặc biệt là trong các phật tử, khi mất đi nên chọn hình thức hỏa táng hay điện táng ngày nay phù hợp với tình hình thực tế, không gây ô nhiễm môi trường, không bị lạm dụng về đất đai, không tốn kém, và vẫn thể hiện được lòng thành kính, tôn trọng đối với người đã mất”, hoà thượng Thích Gia Quang nói.

Nhiều nhà khoa học cũng kiến nghị một mặt cần phải có các quy định, chính sách khuyến khích người dân thực hiện các hình thức mai táng mới. Tuy nhiên, những quy định, chính sách này phải dựa trên, đồng hành với việc vận động người dân, trong đó cần phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo, tổ chức xã hội để định hướng, tạo đồng thuận trong nhân dân. Mặt khác, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền những vấn đề liên quan đến tập quán, phong tục mai táng đến cộng đồng, người dân và xã hội.

Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu tại diễn dàn đều nêu giải pháp, sáng kiến điện táng. TS Nguyễn Thị Thanh Bình (Viện Dân tộc học) cho biết: “Từ hung táng (cát táng) đến hỏa táng (chôn một lần) là một bước thay đổi lớn trong nhận thức và quan niệm của người dân, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Số lượng và tỷ lệ hỏa táng của Hà Nội trong những năm trở lại đây tăng lên đáng kể”.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm