Thế hệ thứ tư của Công ty gốm sứ Minh Long I:
Táo bạo, phá cách và quyết liệt
Dấu ấn của những năm tháng du học đã cho Lý Huy Sáng - người kế tục gia nghiệp danh tiếng của “vua gốm sứ” Lý Ngọc Minh - những suy nghĩ táo bạo, phá cách và quyết liệt với mục tiêu chuyển công ty gia đình thành công ty có thương hiệu toàn cầu.
Nhân dịp bước sang năm mới, ông chủ trẻ - thế hệ vàng thứ tư - con trai cả của ông chủ Công ty gốm sứ Minh Long I, Lý Huy Sáng đã dành cho Dân trí buổi trò chuyện cởi mở.
Ông Lý Huy Sáng, thế hệ thứ tư của Công ty Gốm Minh Long I
Tham vọng “quốc tế hóa” ẩm thực Việt Nam
Cuộc thi ẩm thực Chiếc thìa vàng 2014 vừa kết thúc với một dư âm quá đẹp: chuyên nghiệp - đẳng cấp. Giới chuyên môn đánh giá cúp Chiếc thìa vàng có thể coi như là “giải Oscar của ngành ẩm thực Việt”. Với tư cách người khởi xướng, anh nếm vị thành công này như thế nào?
Mùa thứ 2 của Chiếc thìa vàng để lại trong tôi những cảm xúc rất đặc biệt. Đi xuyên chiều dài đất nước, cuộc thi đã tạo nên cơ hội để những món ngon dân gian “ẩn mình” được giới thiệu rộng rãi đến thực khách trên toàn quốc. Gần như tất cả các đặc sản của mỗi vùng miền đều đã tụ về ngày hội ẩm thực “Hương vị quê nhà” tổ chức bên lề cuộc thi chính.
Từ đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ cho đến cao nguyên Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng và khu vực Hà Nội, Chiếc thìa vàng thu hút hơn 140 nhà hàng lớn nhỏ với gần 250 món ngon từ dân dã đến sang trọng, cung cấp chất liệu cần thiết cho ý tưởng “vẽ” nên bản đồ về kho tàng ẩm thực Việt.
Gỏi cá trích Phú Quốc, cơm cháy ba khía, gỏi lá Tây Nguyên với hơn 50 loại lá khác nhau, thắng cố Lào Cai... Tuy dân dã nhưng các đặc sản này đều thể hiện được sự tinh tế, cân bằng chất liệu, đảm bảo ngon và lành. Và bản thân tên gọi thôi, cũng gợi vị, gợi hương lắm rồi.
Ngoài thành công về chất lượng cuộc thi, tôi thực sự xúc động trước tình cảm chân thành của các thí sinh. Dấu ấn cá nhân, cá tính của đầu bếp thường rất mạnh. Họ mạnh và riêng như chính mỗi món ăn đặc sắc mà họ tạo ra. Thế mà Chiếc thìa vàng đã làm cho họ coi nhau như một gia đình, vượt qua được sự ganh đua, hiềm khích thường thấy ở các cuộc thi.
Ông Sáng trong chiếc áo có chữ ký của các đầu bếp danh tiếng tham dự cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014 trong đêm Gala Dinner
Thế giới cũng như Việt Nam đang nở rộ các cuộc thi - các chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực. Việt Nam cũng mua bản quyền nhiều cuộc thi dành cho các đầu bếp, thế nhưng có vẻ Chiếc thìa vàng chẳng theo format nào cả?
Đúng. Chiếc thìa vàng là toàn bộ tâm huyết của ban lãnh đạo Minh Long I về nền ẩm thực Việt. Từ ý tưởng đến khung chương trình đều do chúng tôi dựng nên.
Bản thân cha tôi hay tôi, mỗi khi đi nước ngoài, đến các nhà hàng lớn, đều tâm nguyện, ẩm thực nước mình rất tuyệt - không đâu ngon bằng các món ăn Việt cả, nhưng chúng ta thiếu sự tổ chức, thiếu sự chuẩn hóa để món ăn Việt được lên bàn tiệc thế giới, được du khách coi là món chính khi du lịch Việt Nam chứ không phải chỉ nếm cho biết.
Chiếc thìa vàng không chú trọng vào chiêu trò, vào sự phô diễn kỹ thuật hay kịch tính của cuộc thi. Chiếc thìa vàng buộc các đầu bếp chú trọng nhiều đến việc cân bằng thực đơn, xây dựng các món ăn có lợi cho sức khỏe qua việc giảm thiểu quá trình nướng hay chiên, kết hợp với sản phẩm gốm sứ cao cấp để trình bày món ăn đẹp mắt.
Những điểm này rất quan trọng vì có làm được như thế chúng ta mới có thể hòa nhập vào ẩm thực thế giới, quốc tế hóa các món Việt, vừa đảm bảo các món ngon dân gian không bị thất truyền và được quảng bá rộng rãi ra thế giới.
Những dự định của Ban tổ chức về cuộc thi Chiếc thìa vàng năm 2015?
Năm 2014, cuộc thi Chiếc thìa vàng đã thành công, phát triển, không chỉ là cuộc thi nấu nướng thông thường, mà còn hỗ trợ khắc phục, nâng chất lượng các đầu bếp bằng những buổi training, huấn luyện. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa để đưa bản sắc, văn hóa ẩm thực Việt đến với thế giới trong những năm tiếp theo.
2015, Chiếc thìa vàng sẽ có thêm các hoạt động bên lề như tổ chức những chuyến trình diễn ẩm thực ra nước ngoài. Chúng tôi dự định sẽ tổ chức trình diễn tại hội chợ lớn nhất thế giới về hàng gia dụng chuyên cho nhà hàng khách sạn ở Đức.
Song song đó, chúng tôi sẽ tạo ra một câu lạc bộ các đầu bếp nhằm đưa Chiếc thìa vàng thành một hoạt động quảng bá du lịch quốc gia.
Cha và con gái, thế hệ thứ 5
Đằng sau vẻ trầm tĩnh của thiếu gia nhà Minh Long I là một khối lửa? Kế tục công ty gốm sứ đã truyền qua 4 thế hệ nhà họ Lý, nhưng có vẻ như sức nóng của ngọn lửa lò đang thổi bung trong anh những niềm đam mê khác?
Lửa - sức nóng, ánh sáng của lửa đã giúp con người tạo tác ra những vật phẩm đẹp nhất, quý giá nhất: như vàng, như gốm sứ đỉnh cao. Cha mẹ tôi đã thừa kế di sản nghề gốm sứ của dòng tộc và trong mấy mươi năm qua, Minh Long đã biến đất thành tinh hoa, rèn luyện một đội ngũ nghệ nhân đủ tinh xảo để làm nên những sản phẩm gốm sứ có thể xếp chung hàng với những tên tuổi lớn của các quốc gia có ngành gốm sứ bậc nhất thế giới.
Tôi không chỉ tự hào mà luôn luôn biết ơn ba tôi vì ông đã vượt qua tất cả nghịch cảnh để đeo đuổi niềm đam mê gốm sứ. Đó là ngọn lửa lớn thúc đẩy các anh em tôi. Chúng tôi nghĩ mình có trách nhiệm làm cho Minh Long vượt ra khỏi tầm vóc gia đình, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
Và lửa đã hun đúc trong tôi những đam mê, những khát vọng mà ngoài gốm sứ, là ước muốn chinh phục đỉnh cao quản trị, là ước mơ dùng công nghệ thông tin để hiện đại hóa sản xuất, là tâm nguyện góp sức cho ẩm thực Việt, là niềm mong chia sẻ nhiều hơn cho cộng đồng.
Thật thú vị, bởi người ngoại đạo chúng tôi chỉ nghĩ, tiếp quản công ty hơn 2.600 con người với hàng tỷ phép tính, hàng tỷ lo toan thật khó để có thời gian cho những đam mê khác. Vì sao công nghệ lại là thử thách tiếp theo anh chọn?
Tôi là người mê công nghệ và say sưa với mỹ thuật. Máy tính có sức quyến rũ kỳ lạ và ánh sáng thì mê hoặc đến ám ảnh tôi. Tôi có thể ngồi trên máy với tỉ tỉ ứng dụng sáng tạo của nó mà không hề mệt mỏi. Toàn bộ phần mềm quản trị của Minh Long do chúng tôi tự viết ra và áp dụng.
Nguồn đầu tư vào công nghệ thông tin của Minh Long không hề nhỏ, gần cả triệu USD. Các nhân viên ở những vị trí thích hợp đều được trang bị iPad để có thể liên lạc, báo cáo từ xa. Nhờ vậy mà hệ thống luôn chạy tốt, không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của lãnh đạo công ty.
Từ 2001, Minh Long đã áp dụng vi tính hóa trong sản xuất và quản trị. Năm 2003, chúng tôi thuê bên ngoài viết phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP nhưng họ không biết nhu cầu thực sự của Minh Long cũng như các công ty cần phần mềm như thế nào. Sau đó, tôi tự tổ chức nên đội ngũ làm công nghệ thông tin riêng. Đến nay đội ngũ lập trình viên của tôi đã lên đến 18 người. Cuối 2014 vừa qua, tôi đã lấy xong giấy phép công ty phần mềm Dream Digits (Tạm dịch: Ước mơ của những con số).
Ông Sáng chia sẻ tâm huyết đặt vào cuốn sách ẩm thực, mang món ngon Việt Nam đi khắp năm châu
Được biết anh còn dự định xây nhà máy kem với cam kết không dùng chất tạo màu mà vị không thua kém kem của các hãng danh tiếng?
Ăn kem thật sự rất thú vị. Sự ngọt ngào, mát lạnh của kem giúp con người tận hưởng cuộc sống trong một khoảnh khắc rất giản dị. Ăn kem rất giải trí, rất giảm stress.
Cũng như gốm sứ, những sản phẩm xuất phát từ Minh Long, điều đầu tiên là cam kết về chất lượng, về sự an toàn cho sức khỏe và sau đó là chinh phục đỉnh cao của chất lượng. Kem của tôi sẽ được làm hoàn toàn từ cây trái tươi từ nguồn Metro, sữa và nguyên liệu nhập từ Ý, châu Âu và được sản xuất trên dây chuyền nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để thỏa đam mê này, tôi đã phải trả một cái giá khá đắt - hàng chục ngàn đôla - khi nhập về một dây chuyền làm kem nhưng không đạt, sau đó phải mua lại dây chuyền khác. Hiện tất cả dự án đã được test kỹ, chỉ chờ lấy chứng chỉ HCCAP (quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm). Thương hiệu kem Greenie Scoop của Minh Long sẽ bán đầu tiên ở Minh Sáng Plaza (Bình Dương) và một điểm bán hàng trong tương lai.
Ở trên anh có nói đến niềm mong chia sẻ nhiều hơn cho cộng đồng, anh có thể chia sẻ nhiều hơn được không?
Nghề gốm cực lắm. Nhưng gia đình tôi vẫn đeo đuổi. Ngoài khát vọng chinh phục những kỹ thuật vô cùng phức tạp, còn là ước mơ mỗi chiếc chén, mỗi cái dĩa của người dân mình đều được đảm bảo an toàn và giúp tôn lên vị giác, thị giác cho mỗi bữa ăn.
Khi nghe nhiều khách hàng cắc cớ, “ông Minh Long, có ông chúng tôi có chén bát sạch ăn rồi, nhưng còn đũa, hầu như là đũa nhập mà không biết chất lượng ra sao, bao giờ ông sản xuất đũa luôn cho đủ bộ?” - chúng tôi thấy vui vì người tiêu dùng đã tin mình, đã “giao” thêm nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn cho bữa cơm của họ và thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn.
Cuộc đời của ba tôi và những cuốn sách ông bắt chúng tôi phải đọc ngay từ bé đã giúp anh em tôi biết xót xa trước thân phận con người, biết chia sẻ nhiều hơn với người khác.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện đầu xuân rất thú vị. Chúc cho các dự định, các ý tưởng tốt đẹp của anh thành công!
An Hưng