Tân Nhàn tiết lộ ca khúc khiến mẹ khóc trong "Con đường âm nhạc"
(Dân trí) - Nữ ca sĩ khiến khán giả xúc động khi cùng NSƯT Đình Cương hát "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa". Tân Nhàn tiết lộ, đây là bài hát văn đã từng khiến mẹ của cô rơi nước mắt...
Chương trình Con đường âm nhạc số đầu tiên của năm 2023 tôn vinh sự nghiệp âm nhạc của ca sĩ, Tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn do phòng âm nhạc Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội tối 2/4.
Trong 90 phút, nữ ca sĩ đã thể hiện nhiều màu sắc từ dòng nhạc âm hưởng dân gian đến chèo, hát văn, quan họ. Cô mở đầu đêm nhạc với tác phẩm hát văn Cô đôi Thượng ngàn do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí.
Việc chọn bài hát văn mở đầu đêm nhạc không chỉ là cách làm "nóng" chương trình ngay từ điểm khởi đầu mà còn như một sự ngầm khẳng định của Tân Nhàn về một lối đi mà cô trân trọng, nỗ lực, kiên trì trong sự nghiệp âm nhạc của mình đó là tôn vinh và góp phần chấn hưng âm nhạc truyền thống.
Tân Nhàn chia sẻ trên sân khấu rằng, điều cô khát vọng là không chỉ dạy cho sinh viên giỏi về thanh nhạc mà còn phải biết yêu, hiểu và hát được âm nhạc truyền thống. Bởi trong quan niệm của cô, âm nhạc truyền thống chính là hồn cốt, là tinh hoa văn hóa của dân tộc, đã là người Việt thì phải yêu và giữ gìn, phát triển nó.
Từ một Tân Nhàn của hiện tại và tương lai, Con đường âm nhạc của cô ngược trở về những ngày đầu tiên đi hát cách đây gần 20 năm qua những bài hát gắn với tên tuổi cô và giúp cô nổi danh. Từ một cô bé nhà nghèo ở Hà Nam, đêm hứng mưa dột qua mái nhà tranh, ngày chạy chân trần khắp chốn ruộng vườn, ngấm vào từng huyết mạch bao khúc dân ca quê hương để nuôi nguyện ước trở thành ca sĩ, Tân Nhàn đã xuất sắc giành giải Nhất Sao mai 2005, phong cách nhạc dân gian.
Ngày ấy, Tân Nhàn đặc biệt nổi tiếng với Trăng khuyết. Ca khúc cũng là tiêu đề cho album đầu tay của Tân Nhàn trong sự nghiệp nghệ thuật chuyên nghiệp. Nói về giải thưởng của Tân Nhàn khi đó, NSND Thanh Hoa, thành viên hội đồng chấm giải bồi hồi xúc động. Bà cho rằng, Tân Nhàn đã rất xuất sắc và giải thưởng với cô là xứng đáng.
Sau ngần ấy năm, Tân Nhàn hát lại Trăng khuyết với một tinh thần mới, một bản phối mới. Cùng cách phối mới mẻ, dày dặn là giọng hát trưởng thành không chỉ ở chuyên môn mà cả độ chín của đời sống, đi qua những khúc quanh lên xuống để kiếm tìm hạnh phúc.
Hai ca khúc tiếp theo thuộc dòng dân gian vốn cũng đã in dấu ấn của Tân Nhàn trong lòng khán giả là Ở hai đầu nỗi nhớ (Phan Huỳnh Điểu) và Tình đất (Tuấn Phương). Giọng cô như tiếng hai chiếc chén sứ thượng hạng va nhẹ vào nhau như khán giả ví von theo lời kể của MC Mỹ Vân, mà lại tình cảm, tha thiết, nồng nàn.
Giọng hát nữ ca sĩ được khen ngợi, dù trước đêm nhạc, Tân Nhàn bị đau họng và thi thoảng bị hụt hơi. Theo Tân Nhàn, cô rất căng thẳng trước đêm diễn.
Tại chương trình, Tân Nhàn song ca với người bạn tri kỷ - Giải Nhì Sao mai 2007 Thu Hà ca khúc Hai quê. Sự gắn bó thân thiết và hiểu nhau đến tận cùng của họ đã mang đến một phần trình diễn hoàn hảo khi giọng ca người nọ nương tựa vào người kia, nâng đỡ và chan hòa vào nhau, tình cảm sâu nặng.
Tân Nhàn và Thu Hà được bạn bè gọi là "đôi bạn cùng tiến" vì cả hai cùng học và trở thành Tiến sĩ âm nhạc. Hiện Tân Nhàn là Phó khoa thanh nhạc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Thu Hà là Phó khoa nghệ thuật Đại học sư phạm Hà Nội 1.
Ngay sau đó, khán giả tiếp tục được đắm chìm với những ngọt ngào mà Tân Nhàn mang đến qua ca khúc Thư tình cuối mùa thu (Thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu). Là ca khúc đã gắn liền với nhiều tên tuổi nhưng ở Tân Nhàn lại mang một dáng vẻ khác. Là một bức thư tình lãng mạn của một trái tim đa cảm, yêu mê say cuồng dại.
Cuối phần một của chương trình, lần đầu tiên, Tân Nhàn trình diễn một ca khúc mới Tiếng khèn mùa ban nở (sáng tác Lê Minh). Ca khúc có chất liệu âm nhạc Tây Bắc với tiếng khèn, tiếng đàn môi, hoa ban và chiếc váy cách điệu trang phục dân tộc rực rỡ.
Phần sau của đêm nhạc, Tân Nhàn mang đến không gian âm nhạc đa dạng cùng các chất liệu âm nhạc truyền thống. Đây là thành tựu âm nhạc mà Tân Nhàn đã có được bằng cách chăm chỉ học hỏi nhiều tiền bối trong làng âm nhạc dân gian như nghệ nhân Hà Thị Cầu, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Đình Cương… Bên cạnh đó là quá trình Tân Nhàn tự tìm tòi qua băng đĩa nhạc. Bằng tài năng âm nhạc của mình, có thể thấy, ở bất kỳ loại hình âm nhạc dân gian nào khi Tân Nhàn dấn thân đều mang đến cho cô những dấu ấn.
Trong đêm nhạc, Tân Nhàn đã trình diễn hai bài chèo cổ là Đào liễu và Duyên phận phải chiều với chất giọng tròn, căng nẩy, mẩy.
Ở thể loại quan họ, Tân Nhàn trình diễn ca khúc Tương phùng tương ngộ. Một không khí xứ Lim hiện về với hội hè và nón quay thao, với anh hai, chị hai của thời hiện đại. Tất cả hừng hực nhựa sống, hẹn hò người trước người sau. Đúng như MC Mỹ Vân nói, không biết Tân Nhàn là nghệ sĩ hay nghệ nhân, sự hòa quyện giữa hai yếu tố này đã đem đến những phần thể hiện cổ điển mà hiện đại.
Và một lần nữa, trên sân khấu, nữ ca sĩ khiến khán giả xúc động khi hát cùng người thầy dạy hát văn của mình - NSƯT Đình Cương ca khúc Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Tân Nhàn tiết lộ, đây là bài hát văn đã từng khiến mẹ cô rơi nước mắt khi nghe cô hát.
Hình ảnh Tân Nhàn trong bộ trang phục áo mớ ba mớ bảy cách tân cùng những giai điệu âm nhạc truyền thống cô mang đến đã tiếp tục khẳng định sự cống hiến của cô trên con đường nghệ thuật.
Tại chương trình, NSND Quang Thọ và NSND Quốc Hưng đồng quan điểm cho rằng, Tân Nhàn là một điển hình trong việc khai thác âm nhạc trên nền tảng của một ca sĩ được đào tạo bài bản, thấm đẫm kỹ thuật thanh nhạc thính phòng. Sự kết hợp này mang đến cho Tân Nhàn một chỗ đứng khó thay thế.
Trong khi đó, nhà lý luận phê bình âm nhạc Quang Long khẳng định, sự cống hiến của Tân Nhàn là ở chỗ đã mang âm nhạc dân gian đến đời sống đương đại bằng âm nhạc hiện đại. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh ái mộ Tân Nhàn bởi tình yêu của cô dành cho âm nhạc dân gian.