Tấn Minh: “Tôi hát không bắt chước ai”

(Dân trí) - Là một trong những giọng ca nổi tiếng với những bản tình ca da diết, lãng mạn và đầy cảm xúc, không ít người cho rằng hẳn ca sĩ Tấn Minh phải trải qua nhiều mối tình lắm mới thể hiện các ca khúc sâu sắc đến vậy...

Ca sĩ hát thế nào thì bộc lộ bản chất con người như thế

Nghe anh hát “Gửi người em gái miền Nam”, trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 10 khán giả như “say” trong sự da diết, lãng mạn. Được biết, đây không phải lần đầu tiên, anh thể hiện sáng tác này của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, hẳn cảm xúc mỗi lần thể hiện không giống nhau chứ?

Không khác gì đâu, vẫn nguyên vẹn nhưng đầy đặn hơn theo mỗi lần biểu diễn. Mỗi lần hát là một lần tôi thấy mình được trải nghiệm sâu sắc hơn, khiến tôi trưởng thành và cảm xúc cũng đầy đặn, hoàn hảo hơn.

Phần khác cũng bởi Đoàn Chuẩn là một trong số ít các nhạc sĩ mà tôi yêu thích. Những ca khúc như “Gửi người em gái miền Nam”, “Tình nghệ sĩ”, “Lá thư”, “Gửi gió thu ngàn bay”… tôi đều đã thể hiện và nghĩ nó rất hợp với mình.

Tấn Minh da diết thể hiện Gửi người em gái miền Nam trong Giai điệu Tự hào tháng 10.
Tấn Minh da diết thể hiện "Gửi người em gái miền Nam" trong Giai điệu Tự hào tháng 10.

Trước anh, có khá nhiều ca sĩ thể hiện thành công ca khúc này. Vậy, anh có “bí quyết” gì để khi hát vẫn chinh phục được khán giả?

Tôi nghĩ hát bằng chính con người mình, theo cảm nhận riêng của mình thì đã không giống ai rồi. Rất nhiều người hát nhạc Đoàn Chuẩn, nhưng tôi hát vẫn luôn có sự khác biệt vì đơn giản là tôi không bắt chước ai. Cộng thêm tôi được thừa hưởng những tinh hoa của các bậc tiền bối để lại. Với mỗi ca khúc, tôi luôn hát hết sức chân thật, mộc mạc theo cách nghĩ của mình, làm sao để truyền tải thông điệp của bài hát ra một cách tự nhiên nhất.

Nhiều ca sĩ chia sẻ, khi thể hiện các ca khúc trữ tình họ thường lấy cảm xúc, sự trải nghiệm từ những điều mình đã trải qua, thậm chí từ chính… cuộc tình của mình. Còn anh thì sao?

Tôi cũng nghe loáng thoáng chuyện vài người hay lấy điều gì đó làm điểm tựa cho cảm xúc. Tôi không bao giờ như thế mà làm trực diện với tác phẩm, nghiên cứu để biết tác giả đang viết gì và muốn truyền đạt điều gì. Cố gắng tuân thủ những ý đồ, ý tứ, thủ pháp của tác giả.

Thực ra, việc thể hiện một tác phẩm hoàn chỉnh cần rất nhiều thứ để có thể đạt được cảm xúc. Đó là sự hiểu biết về tác phẩm, hoàn cảnh ra đời, thực trạng thời điểm tác phẩm ra đời, có kiến thức âm nhạc… Có được những điều đó, tôi cố gắng uyển chuyển bằng cảm xúc và những hiểu biết của mình với đời sống thực tại. Bởi quan trọng nhất vẫn là cảm xúc mình truyền tải tới khán giả như thế nào.

Vợ chồng ca sĩ Tấn Minh- Thu Huyền trong liveshow riêng của anh năm 2014.
Vợ chồng ca sĩ Tấn Minh- Thu Huyền trong liveshow riêng của anh năm 2014.

Người ta thường mặc định, ca sĩ hát nhạc trữ tình thì ngoài đời sống cũng… lãng mạn lắm. Điều này có đúng với anh không?

Nếu mọi người tinh ý sẽ thấy rằng ca sĩ hát như thế nào thì con người họ cũng như vậy. Khi nghe một ca sĩ nào đó hát, thậm chí không cần nhìn, tôi cũng có thể đoán ra bản chất của con người ấy đến 7 phần. Trong cuộc sống chúng ta ngoại giao, đối nội đối ngoại hay nói chuyện với nhau thì có thể mình không cảm nhận hết được. Nhưng ca hát bộc lộ bản chất con người. Con người anh thế nào thì anh sẽ hát như vậy!

Nghĩa là anh là người lãng mạn?

(Cười) Tôi không nói vậy nhé! Nhưng tôi nghĩ trong cuộc sống, ai cũng lãng mạn thôi. Có người ít, có người nhiều. Có người có điều kiện để lãng mạn, có người không... Đã là con người, dù có cứng rắn như thế nào thì có những giây phút thảnh thơi và nghĩ cho gia đình, bạn bè thân thuộc. Đó đều là những giây phút hết sức lãng mạn…

“Đừng bắt các bạn trẻ phải nghe những gì quá khó”

Gần đây nhiều nghệ sĩ đang rất được công chúng ủng hộ và tin yêu với những hoạt động cộng đồng, từ thiện tích cực. Bản thân anh nghĩ gì về điều này?

Cộng đồng rất rộng lớn, nhiều việc để làm và tôi đánh giá rất cao các nghệ sĩ có đóng góp với các hoạt động cộng đồng. Tôi đánh giá cao những nghệ sĩ đi làm từ thiện, mở thư viện, trường học… Nhưng điều đó không có nghĩa tôi đánh giá thấp những người không làm việc đó. Mỗi người có một sứ mệnh, bổn phận riêng.

Tôi vẫn thích sự chuyên sâu. Hát hay, yêu nghề, tâm huyết với nghề và đưa ra những tác phẩm tốt, có ảnh hưởng tích cực với cộng động cũng là một đóng góp. Nghệ sĩ có thể không cần làm gì, chỉ cần đưa ra một tác phẩm có ý nghĩa với cộng đồng cũng là một điều đáng quý rồi. Thay vì hát một bài nhảm nhí, không có tính giáo dục thì chúng ta nên mang tới những tác phẩm hay, có tính xây dựng, mang hơi thở thời đại và có tính giáo dục. Hãy bắt đầu làm thật tốt từ những cái nhỏ nhất.

Tấn Minh: Tôi vẫn thích sự chuyên sâu. Hát hay, yêu nghề, tâm huyết với nghề và đưa ra những tác phẩm tốt, có ảnh hưởng tích cực với cộng động cũng là một đóng góp
Tấn Minh: "Tôi vẫn thích sự chuyên sâu. Hát hay, yêu nghề, tâm huyết với nghề và đưa ra những tác phẩm tốt, có ảnh hưởng tích cực với cộng động cũng là một đóng góp"

Nghe anh nói, tôi chợt nhận ra rằng những ca khúc thị trường với những lời lẽ vô bổ đang “hoành hành” trên thị trường. Đáng nói là nó được khá nhiều bạn trẻ yêu thích…

Tôi nghĩ chúng ta đừng nên đổ lỗi cho khán giả, cũng đừng nên dùng từ “thị trường”. Từ trước tới nay, nhắc đến “thị trường”, mọi người hiểu rằng đang ám chỉ một dòng nhạc nào đó. Tôi nghĩ như thế là sai mà nên dùng từ “âm nhạc giải trí” thì đúng hơn. Âm nhạc nào cũng cần có thị trường, bất kể nhạc cổ điển, dân ca, thính phòng,… vì thị trường là người tiêu dùng.

Chúng ta phải song hành và tồn tại cùng những thứ đang xảy ra. Tôi không đánh giá thấp nhạc như bạn nói là nhạc thị trường. Tôi chỉ mong muốn chúng ta hãy nâng cấp nó lên. Vẫn là âm nhạc giải trí nhưng hãy nâng cấp về văn hóa, ngôn ngữ và mọi thứ, vì nó đang phục vụ cho khá nhiều đối tượng.

Còn việc viết ra những tác phẩm lời lẽ vô bổ, tôi vẫn muốn nói là chúng ta hãy bắt đầu từ bản thân mỗi người, từ những câu hát, nốt nhạc đầu tiên. Mỗi chúng ta phải có văn hóa để định hướng cho giới trẻ. Đừng bắt các bạn trẻ phải nghe những gì quá khó.

Họ không tiếp nhận được những gì quá xa xỉ, quá cao cấp mà chỉ tiếp nhận được những thứ gần gũi thôi. Nên thay vì viết ra những ca khúc có từ ngữ thiếu tính xây dựng thì chúng ta có thể viết những ca từ đẹp đẽ, trẻ trung mà vẫn hiện đại. Chúng ta cùng đồng lòng xây dựng thì sẽ có một nền văn hóa âm nhạc rất sạch sẽ.

Nhưng có khó để làm việc đó không khi có một lượng không nhỏ các ca sĩ hiện nay đều xuất thân từ các cuộc thi âm nhạc giải trí, mà không phải ai cũng được đào tạo bài bản?

Nói khó cũng sai mà không khó cũng không đúng. Điều đó gắn với tâm của người cầm bút. Chúng ta phải có sự định hướng, chia sẻ và gắn kết thì mọi thứ mới trong sạch được.

Còn việc đổ lỗi cho sự nhan nhản của các chương trình truyền hình thực tế thì cũng không hoàn toàn đúng, đó chỉ là một phần lý do. Họ có thể xuất phát từ truyền hình thực tế, nhưng nếu gặp một êkip giỏi hoặc những nghệ sĩ tài năng có hệ thống giáo dục và tính định hướng tốt thì họ sẽ tốt theo. Cái chính vẫn là ý thức của bản thân mỗi người thôi.

Cám ơn anh về những chia sẻ!

Hoàng Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm