Tàn dư còn sót lại của những nền văn minh cổ
(Dân trí) - Các phát hiện khảo cổ cho thấy các nền văn minh cổ vô cùng tinh tế và phát triển vượt ra ngoài dự đoán của nhân loại ngày nay. Đáng tiếc những gì chúng ta biết được còn quá ít trong khi những tàn dư thì đang dần biến mất qua thời gian.
Các thiết bị cổ đại (I-rắc và Hy Lạp)
Tri thức của người cổ đại phát triển hơn những gì chúng ta từng biết rất nhiều. Từ pin điện tới bình đồ địa cầu, rất nhiều thiết bị tinh vi đã được khai quật và tìm thấy ở các di tích khảo cổ. Tronng đó hai phát hiện đáng chú ý là thấu kính Nimrud và cơ cấu Antikythera nổi tiếng. Thấu kính Nimrud được tìm thấy ở cung điện Nimrud (Iraq) đã hơn 3000 năm tuổi. Một số chuyên gia cho rằng các thấu kính này là một phần của chiếc kính viễn vọng được người Babylon sử dụng, từ đó cho thấy sự tiến bộ của họ trong ngành thiên văn. Cơ cấu Antikythera (năm 200 trước Công nguyên) được làm ra để tính toán chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các hành tinh để dự đoán các hiện tượng thiên văn. Đáng tiếc là người ta chỉ có thể phỏng đoán về cách chúng được tạo ra và sử dụng nhưng khó có thể tìm ra lí do khiến chúng biến mất dần theo thời gian.
Đế chế Rama (Ấn Độ)
Dù trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh và xâm lược, lịch sử cổ đại của Ấn Độ vẫn được bảo tồn. Được cho là bắt đầu từ năm 500 trước Công Nguyên, các phát hiện trong thời gian qua đã cho thấy nền văn minh Ấn Độ xuất hiện cách đây hàng nghìn năm. Trong thung lũng Indus, người ta đã tìm thấy thành phố Harappa và Mohenjo Daro. Hai thành phố này có cấu trúc phức tạp tới mức các nhà khảo cổ tin rằng chúng được thiết kế toàn bộ trước khi công việc xây dựng bắt đầu. Nền văn hóa Harappa cũng là một câu đố lớn với các nhà nghiên cứu. Nguồn gốc và nguyên nhân suy tàn của nó vẫn bị ẩn giấu, ngôn ngữ và chữ viết hoàn toàn không thể giải mã được. Ở khu vực khảo cổ, không có dấu hiệu về sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội và không có các công trình tôn giáo. Không có nền văn minh nào, kể cả Ai Cập và Mesopotamia có trình độ hoạch định và phát triển như vậy.
Thành phố đá cổ Nan Madol (Mỹ)
Ngoài khơi đảo Pohnpei ở Micronesia là thành phố cổ Nan Madol. Nó được xây dựng hoàn toàn bằng các khối đá bazan khổng lồ trên nền đá san hô, với những tảng đá nặng tới 50 tấn. Trong lòng thành phố là mạng lưới các kênh đào và đường ống ngầm. Qui mô của nó được so sánh với Vạn lý trường thành (Trung Quốc) và Kim tự tháp Ai Cập, dù các khối đá ở Kim tự tháp chỉ nặng khoảng 3 tấn. Không có ghi chép nào về những người xây dựng thành phố này, thời gian xây dựng hay lí do người ta tạo ra nó. Các thử nghiệm cho thấy nó được xây dựng vào năm 200 trước Công nguyên. Nguồn gốc các khối đá xây dựng cũng là bí ẩn, cũng như cách họ vận chuyển và xếp chúng lên độ cao 15m và độ dày 5m. Xương người tìm thấy ở đây lớn hơn rất nhiều so với những người Micronesia đang sống ngày nay.
Đường hầm thời đồ đá (Châu Âu)
Từ Scotland tới Thổ Nhĩ Kì, phía dưới hàng trăm khu dân cư thời Neolithic, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về một mạng lưới đường ngầm rất dày đặc. Với chiều dài từ 350m (Áo) tới gần 700m (Bavaria, Đức), việc các đường hầm này tồn tại tới 12 nghìn năm là minh chứng rõ ràng cho trình độ của những người xây dựng chúng, cũng như qui mô của mạng lưới ban đầu. Dù chúng không được nối với nhau, các chuyên gia tin rằng người ta đã sử dụng các đường hầm này để đi lại một cách an toàn và tránh các nguy hiểm dọc đường. Ngoài ra, mạng lưới này còn được dùng để làm nơi chứa đồ.
Cao nguyên Giza (Ai Cập)
Có rất nhiều tài liệu đã viết về các bí ẩn của Ai Cập cổ đại. Mọi người đều biết các kim tự tháp lớn đều được xây dựng với độ chính xác đáng kinh ngạc, tới mức nhiều người cho rằng nó không đơn giản là một lăng mộ. Hơn nữa, sự ăn mòn trên tượng Nhân sư Sphinx chủ yếu do mưa gió trước khi khu vực này trở thành sa mạc, cách đây ít nhất là 7000 đến 9000 năm. Sự trỗi dậy bất ngờ của nền văn minh Ai Cập khiến nhiều nhà khoa học tin rằng đó là sự tiếp nối của một nền văn minh cổ hơn và đã bị quên lãng. Ngoài tượng nhân sư, bằng chứng về các công trình khác trước thời thịnh vượng của Ai Cập đều được tìm thấy ở các công trình như Lăng mộ Khafre hay đền thờ Menkaure. Chúng được dựng từ các khối đá trong quá trình xây dựng tượng nhân sư và đều bị xói mòn do mưa.
Tổ hợp đền thờ Gobleki Tepe (Thổ Nhĩ Kì)
Có niên đại từ cuối kỉ băng hà (12 nghìn năm trước), tổ hợp đền thờ vừa được phát hiện ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kì được gọi là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất thời hiện đại. Trước cả khi con người chế tạo ra đồ gốm, chữ viết, bánh xe và luyện kim, các công trình này cho thấy sự phức tạp trong quá trình xây dựng, vốn không liên quan tới các nền văn minh Palaeolithic. Công trình này xuất hiện trước Stonehenge hàng nghìn năm, bao gồm 20 kết cấu dạng tròn cùng các cột chống bằng đá cao tới 6m và nặng 15 tấn. Không ai biết những người đã xây nên khu vực này, nhưng nó khiến người ta phải tự hỏi làm cách nào mà những người chuyên săn bắn hái lượm lại có kiến thức rất tiến bộ về xây dựng và điêu khắc như vậy.
Theo Listverse