Tâm sự của một nàng thơ từng ở bên danh họa Picasso
(Dân trí) - Dưới đây là hồi ức của “cô gái buộc tóc đuôi ngựa” từng ngồi làm mẫu cho danh họa Picasso năm 19 tuổi.
Đối với người phụ nữ ấy trong suốt quãng đời còn lại, thời gian được làm việc với Picasso chính là những “tuần lễ vàng” trong cuộc đời.
Giờ đây, ở tuổi 85, bà Lydia Corbett đang sống một cuộc sống tĩnh lặng ở hạt Devon, Anh. Nhưng trong một mùa hè tuyệt đẹp năm bà 19 tuổi, bà Lydia đã trở thành nàng thơ của vị danh họa nổi tiếng thế giới. Lần đầu cô thiếu nữ Lydia gặp gỡ vị danh họa là ở xã Vallauris (Pháp) hồi năm 1954.
Pablo Picasso là một trong những thiên tài hội họa, một trong những họa sĩ tài năng và có vị thế quan trọng nhất trong thế kỷ 20, ông là một danh họa lao động nghệ thuật miệt mài để lại nhiều tác phẩm cho hậu thế.
Mặc dù vậy, cuộc đời riêng của Picasso cũng có nhiều đồn đại, rằng ông luôn lấn át và khiến cho những người tình của mình đau khổ, ông cũng sẵn sàng chấm dứt một mối quan hệ mỗi khi cảm hứng nghệ thuật với nàng thơ đã hết.
Bất kể những đồn đại về cuộc đời Picasso và những nàng thơ của ông, bà Lydia Corbett nằm ngoài những câu chuyện kiểu như vậy.
“Có lẽ tôi là nàng thơ duy nhất nói những điều tốt đẹp về ông ấy. Ông ấy đã luôn dịu dàng, nhẹ nhàng với tôi, ông ấy khiến tôi cảm thấy thoải mái, giống như một người cha đối với con gái mình”, bà Lydia Corbett nhớ lại.
Sự gắn bó hợp tác giữa danh họa Picasso và cô gái trẻ Lydia Corbett dù vậy cũng chỉ diễn ra trong một quãng thời gian ngắn ngủi, đó là vài tuần trong mùa hè năm 1954, khi họ cùng lưu lại xã Vallauris hồi năm 1954.
“Ông ấy rất tốt với tôi và còn hài hước nữa, ông ấy đã làm mọi điều có thể để tôi cảm thấy tự tin. Ông ấy đã dành cho tôi nhiều điều và tôi sẽ mãi yêu quý ông ấy”, bà Lydia Corbett khẳng định.
Giờ đây, bà sống trong một căn nhà nhỏ ấm cúng ở hạt Devon (Anh), bà luôn giữ cho mình bận rộn với những sáng tạo nghệ thuật, như vẽ tranh, nặn tượng, làm gốm.
Khi gặp danh họa Picasso, tên của bà thời bấy giờ là Sylvette David, giới hội họa thường biết đến bà với biệt danh “cô gái buộc tóc đuôi ngựa của Picasso”. Khi ấy, Picasso đã nghiên cứu và thực hiện hơn 60 bức vẽ khắc họa chân dung cô gái tóc vàng 19 tuổi xinh đẹp. Lúc ấy, Sylvette David đã đính hôn với một nhà thiết kế nội thất có tên Toby Jellinek.
Phong cách quen thuộc của Sylvette David thuở ấy là buộc tóc đuôi ngựa cao, cô có một thân hình mảnh dẻ, một vẻ đẹp thanh thoát, đặc biệt, cô có một vẻ rụt rè, bẽn lẽn, ngây thơ.
Nhớ về mình thuở ấy, bà Lydia Corbett nhận xét: “Tôi rất khép kín, ngây thơ và nhiều sợ hãi. Tôi không có một tuổi thơ êm đềm bên mẹ và dượng, điều ấy đã khiến tôi bị tác động nhiều, tôi nghĩ Picasso đã cảm nhận được những điều ấy ở tôi”.
Picasso đang ở tuổi 73 khi gặp cô gái trẻ Sylvette David, và ông cũng đang trong những vật lộn của riêng mình. Khi ấy, ông vừa chia tay người tình gắn bó nhiều năm Francoise Gilot, người chủ động chia tay không phải là ông.
Picasso đã hẹn hò với Francoise Gilot kể từ khi ông 61 tuổi (lúc ấy nàng 21 tuổi). Francoise Gilot là nàng thơ đầu tiên chủ động rời bỏ ông và điều ấy khiến Picasso bị tổn thương, đau khổ và cảm thấy tuyệt vọng.
Rồi tháng 4/1954, ông nhìn thấy Sylvette đang đứng nói chuyện với các bạn trong một ngày nắng đẹp, ông cảm thấy rung động trước vẻ đẹp tuổi trẻ của cô và muốn vẽ cô. Ông liền tiếp cận cô gái trẻ. “Tôi không thể tin nổi ông ấy muốn vẽ tôi. Tôi không tin nổi ông ấy chú ý đến tôi”.
Trong những tuần sau đó, Sylvette ngồi làm mẫu 6 tiếng một ngày để danh họa Picasso thực hiện hàng loạt những bức chân dung thuộc nhiều thể loại - phác họa, tranh sơn dầu, nặn tượng - và kết quả là một loạt tác phẩm được giới chuyên môn gọi là “thời kỳ màu xám” của vị danh họa, bởi phần lớn các tác phẩm này đều sử dụng tông màu xám, đen và trắng.
Đây được xem là loạt tranh chân dung có số lượng lớn nhất mà ông từng thực hiện xung quanh một người mẫu. Dù vậy, trải nghiệm này thoạt tiên không dễ chịu đối với Sylvette: “Tôi sợ những người đàn ông lớn tuổi, tôi thường tìm cách tránh xa họ, nên Picasso đã trở thành một bài kiểm tra đối với tôi”.
Dù vậy, dần dần Sylvette có cảm nhận tốt về Picasso: “Ông ấy thực ra có diện mạo trẻ hơn tuổi, lại khỏe mạnh, rắn rỏi và sạch sẽ. Ông ấy không bao giờ để người đối diện cảm thấy khó chịu vì mùi thức ăn hay mùi rượu phả ra từ mình, tôi thậm chí không bao giờ nhìn thấy ông uống rượu hay say xỉn, thậm chí, ông còn chú ý tới việc sử dụng mùi hương”.
Mỗi ngày, Sylvette ngồi làm mẫu hàng tiếng đồng hồ trong xưởng vẽ của họa sĩ, giữa cô và vị danh họa luôn là sự im lặng gần như tuyệt đối. Khi đã tập trung vào sáng tạo, Picasso rất chú tâm, ông làm việc trong tĩnh lặng, cho tới cuối buổi làm việc, ông sẽ cho người mẫu xem tác phẩm đã hoàn thành của mình và một vài phác họa cho ý tưởng mới sắp thực hiện.
Bà Lydia Corbett giờ đây nhớ lại: “Ông ấy từng nói rằng một khi đã bước vào xưởng vẽ, ông bỏ cơ thể của mình ở bên ngoài căn phòng, chỉ còn linh hồn của người họa sĩ ở trong căn phòng. Còn tôi thì không suy nghĩ gì nhiều. Tôi rất đơn giản. Và tôi chỉ còn ngồi đó để ông ấy vẽ”.
Cô gái trẻ Sylvette David ngày ấy yêu sự bình yên trong xưởng vẽ bừa bộn. Khi không vẽ, Picasso là một con người tràn đầy năng lượng, ông liền mặc đồ đẹp, đeo kính râm, đội mũ cao bồi và đi lại, nói năng.
“Ông ấy cũng cố gắng để khiến tôi cười”, bà Lydia Corbett nhớ lại, nhưng thường cô gái trẻ quá rụt rè để có thể cười vô tư. Bà Lydia cũng khẳng định rằng mối quan hệ giữa họ không bao giờ đi qua ranh giới của họa sĩ và người mẫu.
“Tôi không bao giờ suy nghĩ lung tung khi ở bên cạnh ông ấy và cũng không bao giờ nói điều gì không phải. Tôi thậm chí không nhận tiền ngồi làm mẫu bởi tôi muốn mình có thể từ chối ngay lập tức nếu ông ấy muốn tôi làm người mẫu khỏa thân”, bà Lydia nhớ lại.
Dù vậy, Picasso vẫn thực hiện một số bức vẽ khỏa thân khắc họa chân dung nàng Sylvette David từ trí tưởng tượng của mình: “Tôi nghĩ có lẽ ông ấy hy vọng tôi sẽ nhượng bộ... Nhưng quả thực tôi rất ngoan cố và không bao giờ cảm thấy thoải mái khi hình dung về việc ngồi làm mẫu khỏa thân”.
Bà Lydia Corbett tiết lộ rằng thực tế đôi khi bà cũng cảm thấy ông đang đưa ra những tín hiệu, nhưng bà đều coi như không nhận thấy. Sau vài tuần cùng làm việc, đến tháng 6/1954, Picasso gặp nàng thơ mới - Jacqueline Roque (26 tuổi). Ngay lập tức, người đẹp trở thành nguồn cảm hứng mới và là người vợ hợp pháp thứ 2 trong cuộc đời Picasso.
Loạt tranh chân dung khắc họa nàng Sylvette David sau đó đã được Picasso triển lãm ở Paris và được giới phê bình khen ngợi. Một tóc đuôi ngựa buộc cao của Sylvette bỗng trở thành mốt.
Ngay lập tức người ta tìm tới nàng Sylvette: “Tôi từng phải lẩn trốn những phóng viên, có cả thư tình gửi tới cho tôi, có những người đàn ông xem xong tranh và thấy ảnh ngoài đời của tôi liền viết thư cầu hôn”.
Lúc này, cuộc hợp tác giữa Sylvette và Picasso đã đi tới hồi kết: “Tôi cảm ơn ông vì đã dành cho tôi quá nhiều, ông cho tôi sự bất tử trong nghệ thuật, sự tự tin, những ký ức và tình yêu thương.
“Ông tặng tôi một bức tượng do ông thực hiện khắc họa một người phụ nữ, cho tới giờ tôi vẫn còn giữ bức tượng ấy, ông cũng để tôi chọn một bức vẽ làm kỷ niệm trong số tranh ông khắc họa tôi, tôi chọn một bức phác họa đẹp”.
Sau đó, ông rời khỏi xã Vallauris để chuyển tới thành phố Cannes (Pháp), cùng sống với nàng Jacqueline. Cô Sylvette tới Anh cùng với hôn phu Toby.
3 năm sau, chồng của Sylvette bị bệnh, cô bán bức phác họa cho một người Mỹ để có tiền giúp chồng trị bệnh. Về sau, chồng cô đi theo một người phụ nữ khác, Sylvette David đổi tên thành Lydia Corbett với quyết tâm giã từ cuộc đời cũ.
Trong những năm tháng sau này, Sylvette còn gặp lại Picasso một lần nữa hồi năm 1965, khi ấy, bà 31 tuổi, ông 85 tuổi: “Ông ấy vui khi gặp lại tôi”, nhưng sau đó, bà Lydia không gặp lại họa sĩ thêm lần nào nữa.
Khi Picasso qua đời ở tuổi 91, nhiều góc khuất trong cuộc đời ông, xung quanh những nàng thơ, bắt đầu được khai thác, người ta tìm đến Sylvette với hy vọng được nghe những câu chuyện giật gân, nhưng bà từ chối.
Lúc này, Sylvette đã trở thành Lydia, một người phụ nữ hai con, có cuộc sống tĩnh lặng ở hạt Devon, Anh. Cuộc hôn nhân thứ hai của bà cũng không hạnh phúc và đi tới kết thúc, nhưng bà cố vực mình dậy ở tuổi 45 và tìm tới hội họa.
Dù thực hiện tới hơn 60 tác phẩm khắc họa Sylvette David trong mùa hè ấy, nhưng “giai đoạn màu xám” của Picasso thường không được nhắc tới nhiều trong tổng thể sự nghiệp của ông, chia sẻ về điều này, bà Lydia cho hay: “Tôi không biết tại sao người ta không nói nhiều về giai đoạn mà ông ấy khắc họa tôi. Có thể họ không thấy giai đoạn đó có gì thú vị vì giữa chúng tôi không có gì cả”.
Bích Ngọc
Theo The Times/Daily Mail