Tạm ngừng kinh doanh vì dịch, cặp vợ chồng chuyển sang làm vườn, trồng rau
(Dân trí) - Tranh thủ thời gian tạm ngừng công việc vì dịch Covid-19, vợ chồng Vân Anh quyết định cải tạo đất để làm vườn, trồng rau, vừa sửa sang khuôn viên vừa chủ động được nguồn thực phẩm sạch hàng ngày.
Cách đây vài tháng, khi địa phương thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, vợ chồng Nguyễn Đoàn Vân Anh (SN 1994) và Trương Gia Hưng (SN 1988) ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An buộc phải tạm ngừng công việc kinh doanh quán cà phê.
Có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, cặp đôi quyết định cải tạo, sửa sang lại khuôn viên quán, đồng thời làm vườn trồng rau để chủ động nguồn thực phẩm sạch hàng ngày.
"Những ô đất trước kia được trồng hoa nhưng mau tàn. Trong lúc dịch bệnh, đi lại mua bán khó khăn, vợ chồng mình nảy ra ý định đổi sang trồng rau, vừa có mảng xanh tươi mát, vừa cung cấp rau sạch cho gia đình", Vân Anh nói.
Để trồng được rau, anh Hưng phải mua những tấm ván tháo ra từ gỗ pallet, đem về tự đóng thành những ô vuông. Lối đi thì trải đá cho sạch sẽ, tránh mọc cỏ dại.
Thời gian đầu, cặp vợ chồng trẻ cũng gặp chút khó khăn như không mua được hạt giống và phân bón, lại chưa có kinh nghiệm trồng trọt, làm vườn. Để có giống gieo trồng, sau mỗi lần sơ chế rau trái như diếp cá, húng quế, Vân Anh tận dụng phần thân cây còn lại rồi giâm cành.
Với những trái như khổ qua, chanh dây, 9X chừa lại hạt để đem gieo. Những trái bắp ngô dùng để trang trí quán cà phê cũng được nữ gia chủ tận dụng tách hạt, ươm giống. Rau lang được trồng từ củ có mầm, đem vùi xuống đất.
Tích lũy dần dần, cặp vợ chồng trẻ cuối cùng đã hoàn thiện khu vườn nhỏ với đa dạng các loại rau trái. Trong vườn hiện có một số giống rau ngắn ngày, cho thu hoạch liên tục như cải ngọt, cải thìa, củ cải, tía tô, đậu bắp và ngò rí.
Chủ nhân khu vườn chủ yếu trồng rau theo nhu cầu của gia đình, xen kẽ các loại để có rau trái sử dụng thường xuyên. Ngoài những giống rau xanh, trong vườn còn có một số cây ăn quả như khổ qua (mướp đắng), đậu bắp, chanh dây, đu đủ, mít thái...
"Cây khi vừa nảy mầm thì bị ốc sên phá, cắn những lá non nên cứ khoảng 10 giờ tối là hai vợ chồng mình rọi đèn pin ra vườn để bắt. Sau một tuần thì tình trạng giảm hẳn, thỉnh thoảng mới thấy một vài con ốc sên.
Khi cây lớn hơn chút thì lại bị sâu xanh ăn lá tàn phá dữ dội. Mình tìm tòi trên mạng, học được cách pha hỗn hợp tỏi, ớt, gừng, dầu ăn và nước rửa chén làm dung dịch phun phòng, diệt các loại rầy, rệp, sâu ăn lá... Cách này khá hiệu quả, làm lượng sâu bọ giảm hẳn đi, nếu còn sót lại thì mình tìm cách tiêu diệt thủ công. Nhờ đó mà mình không cần dùng đến thuốc hóa học, đảm bảo rau sạch, an toàn", 9X chia sẻ.
Mỗi sáng, Vân Anh cùng chồng tranh thủ tưới nước, còn chiều mát thì trồng hay chiết cây sang chậu lớn. Sâu bọ thường hoạt động mạnh vào buổi tối nên thời điểm này, cả hai lại ra vườn bắt sâu và ốc sên, tiêu diệt côn trùng gây hại cho rau.
Để vườn rau tươi tốt, cô gái trẻ cho hay, cần lưu ý đảm bảo đất tơi xốp và giàu dinh dưỡng. 9X thường trộn đất thịt lấy trong vườn với tro trấu, xơ dừa và phân bò. Bên cạnh đó phải tưới nước đầy đủ cho rau trái cũng như diệt sâu bọ, nhổ cỏ...
Từ khi làm vườn, trồng rau, đôi vợ chồng trẻ không chỉ có nguồn thực phẩm sạch để sử dụng trong mùa dịch mà còn thấy tinh thần phấn chấn, lạc quan. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng cả hai cố gắng học hỏi dần dần để nâng cao kỹ thuật giúp việc làm vườn, trồng trọt hiệu quả, đa dạng hơn.
"Khu vườn nhỏ còn là chốn thư giãn của cả gia đình, giúp mọi người gắn kết nhau hơn còn các con thì có không gian vui chơi, trải nghiệm. Trong mùa dịch, các thành viên cũng học được cách sống chậm, biết yêu thương và quan tâm lẫn nhau.
Sắp tới, khi công việc kinh doanh hoạt động trở lại, mình vẫn duy trì niềm đam mê làm vườn trồng rau, đồng thời không ngừng học hỏi để cải thiện, nuôi nguồn năng lượng và lan tỏa lối sống xanh đến tất cả khách hàng", Vân Anh bày tỏ.