“Tấm Cám…” có vẽ lại được thị trường phát hành phim Việt?
(Dân trí) - Thị trường phát hành phim Việt Nam sôi động hơn hẳn trong vài năm trở lại đây, với tốc độ phát triển trung bình 35 - 40%/năm. Tuy nhiên, sự chênh lệch trong hệ thống phát hành giữa CGV và tất cả các đơn vị còn lại đã tạo nên những bất hòa âm ỉ.
Và, việc phim Tấm Cám - chuyện chưa kể, sẽ không chiếu tại hệ thống CGV chỉ là giọt nước tràn ly trong cạnh tranh giữa CGV và các nhà phát hành trong nước.
Bất đồng về tỉ lệ
Chiều 17/8, BHD, đơn vị phát hành Tấm Cám chuyện chưa kể cùng nhà sản xuất VAA chính thức thông báo về việc bộ phim này không được phát hành trong hệ thống cụm rạp của CGV. Nguyên nhân là do giữa CGV và BHD không đạt được thỏa thuận tỉ lệ trong việc phát hành. Bà Ngô Bích Hiền, Phó Chủ tịch BHD, Giám đốc điều hành tại TP.HCM xác nhận: “Chúng tôi mong muốn tỉ lệ của chủ phim và chủ rạp là 50 % - 50 %. Tỉ lệ này tương đương tỉ lệ của Fan Cuồng, một phim Việt Nam do CGV phát hành tại BHD Star trước đây không lâu”.
Năm 2015 Việt Nam lọt vào danh sách “thị trường điện ảnh nhiều hơn 100 triệu USD”. Theo tạp chí Hollywood Reporter, tỷ suất tăng trưởng từ doanh thu bán vé phim của Việt Nam năm 2012 lên đến 614%, xếp cao nhất trong số13 thị trường điện ảnh “nóng” nhất thế giới.
Tuy nhiên, 50% là điều mà CGV không đồng ý. “Với suất chiếu lớn thì chi phí để vận hành rạp tương ứng sẽ rất cao. Tỷ lệ này đã thống nhất từ trước tới nay cho tất cả các phim Việt Nam khi phát hành tại rạp CGV, không chỉ riêng với Tấm Cám, những chuyện chưa kể”, đại diện CGV giải thích. So sánh tương quan giữa hai hệ thống phát hành, một là CGV với hệ thống 35 cụm rạp trên toàn quốc và một là hệ thống 4 cụm rạp BHD Cineplex, rõ ràng, sự chênh lệch về lợi là không nhỏ.
Thực ra, mối quan hệ giữa CGV và BHD nói riêng cũng như các nhà phát hành trong nước nói chung đã thiếu êm đẹp từ lâu. Mới đây nhất là vào tháng 6/2016, 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA đã cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội điện ảnh Việt Nam, khẳng định họ đang bị hệ thống CGV chèn ép tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé. Theo 8 đơn vị, tỉ lệ 55/45 là lợi thế lớn so với CGV. So với các thị trường phát hành phim các nước, rõ ràng, tỉ lệ ăn chia CGV dành cho đơn vị phát hành là tương đối thấp hơn.
Cũng phải thấy rằng, ở Việt Nam, CGV có lợi thế tiên phong, có công của “người mở cõi” nên họ có trong tay hệ thống rạp nhiều và hoành tráng nhất. Hiện CGV vừa là “ông vua rạp chiếu” cũng vừa là “nữ hoàng phát hành”. Đây là đơn vị đã đặt quan hệ và làm việc gần như độc quyền với 5 studio, và hiện tại là đơn vị được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là CGV phát hành 90% phim Hollywood ở Việt Nam. Sau khi hoàn tất thương vụ Megastar và CGV, họ lại độc quyền nhập thêm những phim có chất lượng tốt của Hàn Quốc, do phát hành CJE. Như vậy, ở cả hai “mặt trận”, phát hành phim và kinh doanh cụm rạp, CGV đều có lợi thế hơn hẳn. Kết quả những kiện tụng trước đó của các nhà phát hành phim và CGV minh chứng, về luật, họ không sai.
Nội dung hay cụm rạp quyết định?
Chia sẻ từ CGV, từ đầu năm 2016 tới nay, CGV đã phát hành 8 phim Việt Nam. Dự kiến trong những tháng cuối năm 2016, CGV sẽ tiếp tục phát hành thêm 9 phim, đưa tổng số phim Việt phát hành lên 17 phim, trở thành đơn vị phát hành nhiều phim Việt nhất tại Việt Nam. Ấm ức từ lâu, nhưng vì sao đến Tấm Cám, chuyện chưa kể, đơn vị phát hành mới có quyết định bùng nổ này?
Thực tế, nhà sản xuất và phát hành đều biết, Tấm Cám chuyện chưa kể đủ tốt để có thể dùng nó, thể hiện đòi hỏi chính đáng của mình. Phim ít sạn, nhiều sao và thừa kỹ xảo đẹp mắt, đương nhiên là sẽ hút khán giả, nhất là các bạn trẻ đến rạp. Diễn xuất khá tốt của các thành viên nhóm nhạc 365 cùng Ngô Thanh Vân và Ninh Dương Lan Ngọc trên nền một câu chuyện tương đối, đủ làm hài lòng khán giả của họ. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chia sẻ: “Chúng tôi đã bỏ 22 tỷ đồng đầu tư. Vì là phim cổ trang nên hoàn toàn không có sự tham gia của các đơn vị tài trợ. Doanh thu phim, phụ thuộc hoàn toàn vào phòng vé”. Đầu tư lớn hơn hẳn các phim Việt khác, không có tài trợ trước đó, không chấp nhận thỏa thuận với cụm rạp, rõ ràng, “đả nữ” cũng như nhà phát hành có niềm tin và đang đặt nhiều hy vọng vào một cái kết cổ tích cho việc phát hành Tấm Cám chuyện chưa kể, một bộ phim Việt được đầu tư nghiêm túc. Doanh thu của phim sẽ trả lời cho câu hỏi, nội dung hay rạp chiếu giữ vai trò quyết định thị trường?
Biên kịch Ngô Thị Hạnh, Ủy viên Ban chấp hành Hội điện ảnh TP.HCM, cho biết, xét ở khía cạnh làm nghề thì việc tác phẩm không được công chiếu rộng rãi hơn đã là một thiệt thòi. Tuy nhiên, xét về kinh tế thì trong việc này, CGV cũng là đơn vị sẽ mất đi doanh thu vì lượng khán giả đến với Tấm Cám những chuyện chưa kể chắc chắn không nhỏ.
Theo bà Đặng Thu Hiền, Giám đốc đơn vị phát hành phim Green Media, 2016 sẽ là thời gian tiếp tục ghi nhận sự phát triển của phim Việt. Có đến khoảng 40 dự án phim Việt sẽ hoàn thành trong năm 2016, tăng gấp đôi so với 2015. Nếu Tấm Cám chuyện chưa kể làm được cái kết cổ tích cho việc phát hành phim, có lẽ, thị trường phát hành phim sẽ có những biến chuyển mới.
Không đạt được thỏa thuận phát hành với CGV nhưng đơn vị phát hành đã thỏa thuận được với Kidari Ent, một công ty của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh phát hành phim điện ảnh, DVD, TV và VOD về việc mua toàn bộ bản quyền của phim Tấm Cám chuyện chưa kể để phát hành tại thị trường Hàn Quốc.
Phương Quyên