Tại sao thần Vệ Nữ có ngón chân trỏ dài hơn ngón chân cái?

(Dân trí) - Trong một số bức vẽ thần Vệ Nữ, nàng được khắc họa với ngón chân trỏ dài hơn ngón chân cái. Thực tế, trong cuộc sống đời thường, đôi khi chúng ta cũng bắt gặp những người có bàn chân lạ như vậy.

Đó là một hiện tượng thường được gọi là “bàn chân Hy Lạp” hoặc “ngón chân Morton”. Khoảng 15-20% người có bàn chân với cấu trúc lạ như vậy, cụ thể: ngón chân trỏ dài hơn ngón chân cái.

Tại sao thần Vệ Nữ có ngón chân trỏ dài hơn ngón chân cái? - 1

Bàn chân nàng Vệ Nữ trong bức họa của danh họa người Ý Sandro Botticelli.
Bàn chân nàng Vệ Nữ trong bức họa của danh họa người Ý Sandro Botticelli.

Bức họa về thần Vệ Nữ thành Milo do danh họa người Ý Sandro Botticelli (1445-1510) thực hiện khắc họa một thân hình phụ nữ theo chuẩn Đẹp nghệ thuật của văn hóa cổ Hy Lạp, nghệ thuật tân cổ điển, cũng như các tiêu chí về vẻ đẹp phụ nữ thời kỳ Phục hưng.

Trong suốt 2.000 năm, thần Vệ Nữ đã là nhân vật biểu tượng trong nghệ thuật hội họa phương Tây, mặc dù giới nghiên cứu hội họa đã phân tích vẻ đẹp của từng đường cong nơi nàng Vệ Nữ, nhưng có một chi tiết nhỏ mà trước nay ít khi được chú ý tới, đó là ngón chân trỏ của nàng dài hơn ngón chân cái - một chi tiết khá lạ so với các tỉ lệ đẹp mực thước khác.

Tại sao rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc trong nền nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, mặc dù rất tôn trọng những chuẩn Đẹp trong cách khắc họa diện mạo thần Vệ Nữ, lại có một sự đồng thuận âm thầm khá lạ lùng về tỉ lệ bàn chân của nàng?

Bức tượng đồng “Boxer at Rest” (Võ sĩ ngồi nghỉ), bức tượng đá hoa cương “Diana of Versailles” (Nàng Diana thành Versailles), hay bức “Barberini Faun” (Thần rừng say rượu) đều là những tác phẩm kinh điển chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Tất cả đều có cấu tạo bàn chân kỳ lạ đó.

Tại sao thần Vệ Nữ có ngón chân trỏ dài hơn ngón chân cái? - 3

Ngón chân trỏ dài hơn ngón chân cái có thể bắt gặp trong nhiều tác phẩm nghệ thuật chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp cổ đại. Trong ảnh là bức tượng “Laocoön and his sons” (Laocoön và các con trai).
Ngón chân trỏ dài hơn ngón chân cái có thể bắt gặp trong nhiều tác phẩm nghệ thuật chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp cổ đại. Trong ảnh là bức tượng “Laocoön and his sons” (Laocoön và các con trai).

Trước đó hàng ngàn năm, các họa sĩ Hy Lạp cổ đại cũng từng khắc họa những ngón chân “đều tăm tắp”, thu nhỏ dần một cách hài hòa, từ ngón chân cái tới ngón chân út. Giống như các kim tự tháp, mọi chi tiết đều được đo đạc, thực hiện với một tỉ lệ hài hòa, chính xác.

Thế rồi phong cách nghệ thuật thay đổi theo thời gian, ngón chân trỏ bắt đầu được khắc họa dài hơn ngón chân cái, đây được xem là chuẩn mực mới trong nghệ thuật hội họa cổ điển. Đây không phải một sự đổi thay ngẫu hứng, mà do chịu ảnh hưởng từ tỉ lệ vàng được các nhà toán học Hy Lạp cổ đại xây dựng nên.

Tỉ lệ vàng xuất hiện trong nhiều tạo vật của tự nhiên và bắt đầu được các nhà toán học của Hy Lạp cổ đại sử dụng. Lần đầu tỉ lệ vàng được chính thức đề cập dưới dạng văn bản, là bởi nhà toán học người Hy Lạp - Euclid. Lúc này, tỉ lệ vàng bắt đầu trở thành chuẩn Đẹp được nhiều ngành nghề đem áp dụng.

Bức tượng đá hoa cương “Diana of Versailles” (Nàng Diana thành Versailles)
Bức tượng đá hoa cương “Diana of Versailles” (Nàng Diana thành Versailles)

Sau khi nhà toán học Euclid đề cập tới tỉ lệ vàng - một tỉ lệ được xem là thần thánh và đầy tính thẩm mỹ, kỹ sư người La Mã - Marcus Vitruvius Pollio - cũng bắt đầu viết về tỉ lệ hoàn hảo của cơ thể người:

“Cái rốn được đặt ở giữa cơ thể người một cách hoàn toàn tự nhiên, và nếu một con người nằm ngửa, với gương mặt ngẩng lên, hai cánh tay và đôi chân mở rộng, thì từ tâm điểm là cái rốn có thể vẽ ra được một đường tròn. Đường tròn này sẽ chạm vào các đầu ngón tay và ngón chân”.

“Không chỉ có hình tròn, cơ thể người còn có thể ngoại tiếp với hình vuông. Hình vuông này sẽ tiếp xúc với các ngón chân, đỉnh đầu, hai cánh tay giang rộng vuông góc. Về cơ bản, hai cách vẽ ngoại tiếp này tương tự như nhau”.

Mặc dù kỹ sư Marcus Vitruvius Pollio không nói rõ ngón tay, ngón chân nào tiếp xúc với hình tròn hoặc hình vuông ngoại tiếp cơ thể người; nhưng 1.500 năm sau, danh họa người Ý Leonardo da Vinci đã vẽ bức “Vitruvian Man” (Người Vitruvius) với ngón chân trỏ chạm đúng vào vị trí đường tròn đi qua bàn chân, ngoại tiếp cơ thể người.


Bàn chân tiếp xúc vòng tròn ngoại tiếp cơ thể người trong 1 phần bức “Vitruvian Man” của Leonardo da Vinci.

Bàn chân tiếp xúc vòng tròn ngoại tiếp cơ thể người trong 1 phần bức “Vitruvian Man” của Leonardo da Vinci.

Ở đầu thế kỷ 20, chi tiết lạ nhưng ít được quan tâm về ngón chân trỏ dài hơn ngón chân cái đã được một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình người Mỹ có tên Dudley Morton chính thức đặt tên khoa học là “Ngón chân Morton”.

Khoảng 15-20% con người có “ngón chân Morton”, hay còn có tên gọi khác “mỹ thuật” hơn, là “bàn chân Hy Lạp”. Những người có bàn chân lạ kiểu này có thể tìm tới rất nhiều bảo tàng nghệ thuật trên thế giới để được thấy những bàn chân tương tự như của mình đã được đưa vào các tác phẩm nghệ thuật kinh điển như thế nào.

Bích Ngọc
Theo Atlas Obscura/BBC