Tại sao người trẻ Ý thi nhau đi học may đo, đóng giày?
(Dân trí) - Người trẻ ở Ý bất ngờ tìm thấy niềm hứng thú trong những ngành nghề thủ công truyền thống. Các nghề như may đo, đóng giày bỗng thu hút giới trẻ nước này, tại sao?
Không có bất cứ chiếc điện thoại thông minh nào chi phối những thợ may đang học nghề tại một lớp dạy may nằm ngay trong cửa hàng phục trang nổi tiếng Brioni ở đô thị cổ kính Penne của Ý.
Những ngón tay nhanh nhẹn tỉ mẩn với từng đường kim mũi chỉ. Họ đang nuôi dưỡng kỹ năng để có thể trở thành một thợ may “cứng” cho nhà may đã có lịch sử may vest cho những vị vua, những vị Tổng thống, ngay cả diễn viên Pierce Brosnan và Daniel Craig cũng từng mặc vest may bởi Brioni khi nhập vai điệp viên James Bond.
Những thợ học may ở Brioni đều là những thanh niên vừa mới hoàn tất chương trình phổ thông, họ tham gia khóa đào tạo 4 năm để có thể trở thành những thợ may chuyên nghiệp, thực hiện những bộ trang phục “haute couture” đẳng cấp. Những năm gần đây, nước Ý chứng kiến nhiều người trẻ hứng thú tìm học, theo đuổi những ngành nghề thủ công truyền thống.
Những người trẻ này có thể chưa từng đặt chân vào trường Đại học, hoặc có thể đã vào Đại học nhưng rồi quyết định chuyển hướng khi nhận thấy ngành mình theo học không có nhiều triển vọng việc làm sau khi ra trường.
Giáo viên đứng lớp của nhà may nổi tiếng Brioni - ông Emidio Fonticoli cho biết: “Điều quan trọng là họ phải bắt đầu học từ sớm, để tranh thủ được sự tinh nhạy của những ngón tay, của đôi bàn tay. Tính thời điểm rất quan trọng để họ có thể phát triển kỹ năng”.
Nghề may không phải chỉ có khâu vá, đính khuy, thùa khuyết… Một thợ may triển vọng ở đây còn phải học toán, học tiếng Anh, học lịch sử, đó là một giáo trình hoàn chỉnh để giúp những thợ may sẵn sàng làm việc cho bất cứ nhà may danh tiếng nào trong thế giới thời trang, cũng như sẵn sàng phục vụ bất cứ vị khách nào tìm đến với họ trong tương lai.
Nghề thủ công càng đòi hỏi sự đam mê, nhiệt huyết và cái tình của người làm đối với sản phẩm mà họ tạo ra. Như bất cứ ngành nghề nào khác, người đam mê nhất sẽ là người thành công.
Ông Emidio Fonticoli của nhà may Brioni chia sẻ: “Nghề thủ công truyền thống là một nét đẹp văn hóa lâu đời. Ở đất nước chúng tôi, ngày càng có nhiều người trẻ có niềm đam mê và cả quyết tâm theo học những ngành nghề này, để nắm được những bí quyết tạo ra các món đồ thủ công tinh xảo”.
“Làm việc với đôi bàn tay đang dần trở thành điều hấp dẫn mới mẻ đối với người trẻ Ý. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ, bởi họ đã hiểu về nghề thủ công theo một hướng hoàn toàn khác, rất tích cực”, giáo sư Stefano Micelli giảng dạy ở trường Đại học Ca’ Foscari (Venice) cho biết. Ông cũng là tác giả của cuốn “Thợ thủ công trong tương lai”.
Giờ đây, thay vì đổ xô vào các trường Đại học để rồi sau đó chật vật tìm việc làm, rất nhiều người trẻ Ý theo học những ngành nghề thủ công để rồi tự mở ra những cửa hàng nhỏ của riêng mình, với những ngành nghề đa dạng như học làm thợ đóng giày, thợ may đo, chủ tiệm ăn…
Tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Ý đã gia tăng trong vòng 10 năm trở lại đây, con đường vào Đại học dần trở nên không còn phù hợp với nhiều thanh niên. Federico Badia, 29 tuổi, là một ví dụ điển hình của việc tìm hướng đi cho tương lai từ các ngành nghề thủ công.
Anh học nghề đóng giày và giờ đã sở hữu một tiệm giày của riêng mình ở thị trấn Orvieto. Anh Federico quyết định không vào Đại học mà thay vào đó đi du lịch vòng quanh nước Ý trong những ngày tháng tuổi trẻ. Anh đi khắp nơi tìm kiếm cơ hội học việc tại những xưởng thủ công.
Vốn có tình yêu đối với nghề đóng giày thủ công, Federico đi khắp nơi tìm những thợ đóng giày giỏi xin theo học. Những thanh niên giống như Federico đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở Ý.
Thống kê của Hiệp hội Thợ thủ công Quốc gia Ý (CNA) cho thấy những dấu hiệu của sự tăng trưởng trong các ngành nghề thủ công, khi nhu cầu tuyển dụng của các xưởng đang gia tăng, cho thấy sự làm ăn khấm khá.
“Những người trẻ ở Ý đang dần phát hiện ra giá trị nằm trong những sản phẩm thủ công, khi họ có thể cung cấp cho khách hàng sản phẩm tinh xảo được làm theo cách riêng của mình, thể hiện dấu ấn riêng của người thợ, và đáp ứng những nhu cầu riêng của người khách, đó chính là nét tinh túy của nghề thủ công”, chuyên gia kinh tế người Ý Claudio Giovine chia sẻ.
Anh thanh niên học nghề đóng giày - Federico Badia - được nhắc tới ở trên, giờ đây chuyên đóng những đôi giày có mức giá từ 1.000 euro trở lên (hơn 24 triệu đồng), dù vậy, anh chia sẻ rằng yếu tố quan trọng nhất đòi hỏi ở một thợ thủ công lành nghề là tính khiêm nhường.
“Một khi bạn đã trở thành thợ thủ công giỏi, không quan trọng cửa hàng của bạn đặt ở đâu, nếu bạn đủ khiêm tốn, nhún nhường và lại tạo ra được những sản phẩm chất lượng, khách hàng sẽ tự tìm đến với bạn”, anh thanh niên Federico Badia khẳng định.
Bích Ngọc
Theo Guardian