Tại sao người Nga luôn “phản diện” và tàn ác trong phim Mỹ?
(Dân trí)- Người Nga thường xuất hiện trong những phim “bom tấn” của điện ảnh Mỹ. Chỉ có điều, họ luôn vào vai phản diện. Nếu không phải là những trùm khủng bố tàn ác, người Nga chắc chắn sẽ là những kẻ buôn lậu vũ khí xảo trá hoặc đang tìm cách hãm hại cả thế giới!
Trên những chuyên trang về điện ảnh của Mỹ, người ta đã có thống kê hài hước về phim Mỹ, rằng- phim Mỹ có quá nhiều nỗi sợ. Phim Mỹ sợ khủng bố, sợ không tặc, sợ người ngoài hành tinh, sợ ngày tận thế, sợ Trung Đông, và “sống trong sợ hãi” với… người Nga.
Những kiểu nhân vật Nga xuất hiện với tần xuất quá nhiều, quá dày trong các “bom tấn” hành động Mỹ khiến khán giả thế giới có cảm giác, người Nga từ lâu đã trở thành “nỗi ám ảnh” với các nhà làm phim Mỹ.
Không khó để tìm thấy những nhân vật là người Nga xuất hiện “nhan nhản” trong các “bom tấn” doanh thu khủng, công chiếu toàn cầu của điện ảnh Mỹ.
Năm 2013, khán giả thế giới từng ấn tượng trước trailer phần mới nhất của loạt phim Die Hard có tựa đề “A good day to die hard”. Nhân vật nam chính McClane do tài tử Bruce Willis tới Nga để giải cứu cậu con trai Jack ra khỏi nhà tù. Bối cảnh nước Nga hiện lên với tất cả sự bạo lực, đẫm máu và hỗn loạn kinh hoàng. Ngay khi người lái xe taxi mỉm cười nói với nhân vật McClane, “Wellcome to Moscow” là tiếng bom nổ kèm theo lửa cháy và hỗn loạn khủng khiếp trên đường phố.
Trong phim nhân vật chính diện người Mỹ (tất nhiên) McClane phải đương đầu với âm mưu, thủ đoạn của một quan chức Nga biến chất, tham nhũng.
Trailer phim "A Good Day To Die Hard"
“Mission: Impossible - Ghost Protocol” bom tấn hành động sản xuất năm 2011 diễn ra với bối cảnh chủ yếu tại Nga. Nhân vật chính người hùng của phim là Ethan Hunt (Tom Cruise) được giải cứu khỏi nhà tù Nga. Một vụ tấn công khủng bố đã phá hủy Điện Kremlin của nước Nga, đúng lúc điệp viên Ethan Hunt của Lực lượng Điệp vụ Bất khả thi (Impossible Mission Force - IMF) đang thực hiện một nhiệm vụ ngầm tại nơi này.
Ngay lập tức, chính phủ Liên bang Nga cho rằng vụ tấn công trên là một hành động gây chiến, ép chính phủ Mỹ phải khởi động chiến dịch bí mật mang tên Ghost Protocol, nhằm hủy bỏ toàn bộ lực lượng IMF… Trên nền câu chuyện liên quan đến nước Nga, bộ phim “Mission: Impossible - Ghost Protocol” ngợi ca tài năng phi thường có thể cứu cả thế giới thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc của những điệp viên Mỹ như Ethan Hunt.
Nhân vật trong phim "Mission: Impossible - Ghost Protocol"
Trailer "Mission Impossible: Ghost Protocol"
Trong loạt phim bom tấn “Iron Man” cũng dành một phần “Iron Man 2”để có đất cho một nhân vật phản diện người Nga, nhà vật lý Ivan Vanko. Ivan Vanko đã xây dựng một hệ thống vũ khí để tấn công gia đình Tony Stark (tên thật của người Sắt) nhưng tất nhiên, cuối cùng đã bị đánh bại.
Nhân vật Ivan Vanko trong "Iron Man 2"
Không ít những mỹ nhân Hollywood cũng đã thử sức với vai diễn điệp viên Nga lạnh lùng. Trong bộ phim “Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull” (2008), mỹ nhân vừa đoạt Oscar- Cate Blanchett vào vai nữ phản diện Nga Irina Spalko. Đối thủ của Irina trong phim là người hùng Indiana Jones , và như bao nhân vật phản diện người Nga khác, cuối cùng Irina thất bại thê thảm.
Nhân vật Irina Spalko do nữ diễn viên Cate Blanchett thủ vai
“Nữ diễn viên đẹp nhất hành tinh” Angelina Jolie cũng từng xuất hiện trong một bom tấn về điệp viên Nga- Salt. Angelina vào vai Evelyn Salt, một đặc vụ CIA đã thề rằng sẽ phục vụ hết mình cho tổ quốc. Tuy nhiên, lòng trung thành của cô bị nghi ngờ khi một tên phản bội buộc tội cô là đặc vụ "chìm" của Nga. Salt không còn cách nào khác ngoài việc phải bỏ trốn, dùng tất cả kĩ năng và kinh nghiệm tích lũy bấy lâu của một điệp viên ngầm để tránh bị bắt lại.
“Salt” là cuộc đối đầu đẫm máu giữa điệp viên Mỹ và hệ thống điệp viên Nga để phá hủy âm mưu hãm hại thế giới, và như bao cái kết khác của phim Mỹ, điệp viên Mỹ đã chiến thắng và cứu cả thế giới thoát khỏi diệt vong (do âm mưu của người Nga).
Angelina Jolie trong "Salt"
Trong “siêu phẩm” đình đám về ngày tận thế 2012, các nhà làm phim Mỹ cũng từng xây dựng hình ảnh một tỷ phú người Nga ích kỷ, hèn nhát.
Gần nhất, bộ phim “Điệp vụ bóng đêm” làm mưa làm gió khắp các phòng chiếu thế giới cũng là cuộc đối đầu giữa một điệp viên Mỹ Jack Ryan với ông trùm đầy thế lực người Nga. Vì hận thù cá nhân, ông trùm kinh tế âm mưu đánh bom nước Mỹ và đánh sập cả nền kinh tế Mỹ. Nhưng, với điểm yếu “mê phụ nữ đẹp”, mọi âm mưu tinh vi, xảo trá của người Nga đã bị phá sản.
Cảnh trong phim "Jack Ryan: Shadow Recruit"
Trailer "Jack Ryan: Shadow Recruit"
****
Có nhiều lý do khiến các nhà biên kịch, các nhà sản xuất phim ở Hollywood thường lựa chọn quốc tịch Nga cho những nhân vật phản diện. Những ý tưởng ban đầu có thể xuất phát từ những mâu thuẫn sâu sắc từ chính trị giữa hai đất nước từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thêm nữa, việc xây dựng những nhân vật phản diện người Nga là một giải pháp… an toàn với các nhà làm phim Mỹ. Khi “động chạm” đến các nhân vật ở các nước Trung Đông, Trung Quốc… phim Mỹ thường vấp phải những phản ứng dữ dội, kèm theo những vụ kiện tụng rắc rối. Trong khi đó, người dân Nga nói chung và người Nga sống ở nước ngoài nói riêng chẳng bao giờ phàn nàn về việc tại sao người dân nước họ lại hay bị khắc họa là nhân vật phản diện tàn ác trên màn ảnh Mỹ đến vậy.