Tại sao người đẹp Việt luôn “trắng tay” trước quốc tế?

(Dân trí)- Bao nhiêu năm nay, câu chuyện cũ- vấn đề cũ về những người đẹp Việt vẫn được bàn đi, bàn lại, rằng tại sao họ luôn “trắng tay” tại các cuộc thi sắc đẹp thế giới?

“Ông bầu” Phúc Nguyễn, người đã có công dẫn dắt nhiều người đẹp, nam siêu mẫu tới những giải cao như Trương Thị May, Hoàng My… các giải vàng siêu mẫu Ngọc Tình, Hữu Long, Mạnh Hiệp… đã thẳng thắn chia sẻ những quan điểm trước việc người đẹp Việt “trắng tay” tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

Có thể tự hào về nhan sắc trời cho của người đẹp Việt

Theo nhìn nhận của Phúc Nguyễn, “Để so sánh, phải công bằng. Nếu lấy nhan sắc trời cho của người đẹp Việt so sánh với người đẹp quốc tế, chúng ta có quyền tự hào. Nhưng nếu so sánh với công nghệ làm đẹp mà chúng ta thấy đang hiện diện đầy ở các cuộc thi trên thế giới thì hơi khập khiễng bởi chúng ta khó có thể bằng họ được. Nếu chỉ nhìn sắc đẹp “bên ngoài” cho đến thời điểm này, hoa hậu Mai Phương Thuý và Thuỳ Dung là những thí sinh có tiềm năng tranh đấu quốc tế, nhưng tranh đấu là một chuyện, trên thực tế, “vẻ đẹp bên ngoài” không đủ để quyết định mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác”.

Đi thi sắc đẹp, chỉ sắc đẹp thôi chưa đủ.
 
Người đẹp Việt nếu xét về vẻ đẹp ngoại hình, chúng ta không thua kém bất cứ quốc gia nào
"Người đẹp Việt nếu xét về vẻ đẹp ngoại hình, chúng ta không thua kém bất cứ quốc gia nào"

Cái đẹp “nhân tạo” mà người đẹp phải trang bị cho mình không chỉ là có thể làm đẹp thẩm mỹ nếu cuộc thi đó cho phép, để hoàn thiện diện mạo bên ngoài, những điểm nhấn làm toát lên cốt cách tinh thần mới là điều quan trọng.

Theo Phúc Nguyễn phân tích, ngôn ngữ là chìa khoá giúp thí sinh tự tin, cũng là thước đo trình độ học vấn, ngôn ngữ thông dụng không phải là biết mà phải giỏi. Quốc gia nào đăng cai thì việc giao tiếp bằng ngôn ngữ bản địa là một lợi thế của thí sinh, cho nên nếu có sự chuẩn bị trước, người đẹp Việt nên học thêm cả tiếng bản địa sẽ tốt hơn.

Để có thể hơn thí sinh nước khác, nhan sắc Việt buộc phải chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng về trang điểm, không chỉ biết trang điểm mà phải trở thành một “bậc thầy”. Người đẹp cũng buộc phải tự trở thành một stylist cho riêng mình để biết chọn trang phục theo phom dáng, kích thước, màu sắc. Chọn trang phục tốt sẽ quyết định đến sự tự tin của thí sinh. Để toả sáng trong mắt bạn bè quốc tế và ban giám khảo thì trang phục đó phải gần với xu hướng thời trang thế giới.

Cuối cùng là kỹ năng cần thiết như catwak, diễn xuất trước ống kính, giải phóng hình thể như việc nhảy múa các thí sinh phải được đào tạo bài bản.
 
Trương Thị May vừa trở về từ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013
Trương Thị May vừa trở về từ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013

“Với Trương Thị May, cô ấy từng là học trò cũ của tôi và cho đến giờ tôi vẫn quý mến cô ấy như cô em gái. Tuy nhiên, khi May đi thi, tôi không đặt kỳ vọng cao, tôi tin cô ấy mang sự thân thiện, vẻ đẹp tâm hồn trong sáng của mình đến cuộc thi và sẽ được bạn bè quốc tế yêu mến, nhưng đoạt giải thì thật khó. May cũng thiếu những điều như những người đẹp Việt khác thiếu để có thể trở thành một “chiến binh” thực sự”- Phúc Nguyễn khẳng định.

Không đoạt thành tích cao vì quá vội vã

Theo Phúc Nguyễn, “Tôi luôn quan niệm, làm việc gì cũng vậy, phải có kế hoạch lâu dài cụ thể “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Chỉ có niềm tin sẽ chưa đủ ở một đấu trường quốc tế. Đi thi là thi thật chứ không phải tin hay hy vọng”.
 
Sau Mai Phương Thúy, chưa có người đẹp Việt nào tạo được dấu ấn tại Hoa hậu Thế giới
Sau Mai Phương Thúy, chưa có người đẹp Việt nào tạo được dấu ấn tại Hoa hậu Thế giới

Sự chóng váng luôn diễn ra như một căn bệnh cố hữu trong việc đưa người đẹp đi thi các cuộc thi quốc tế ở Việt Nam. Thời gian và tiền là hai vấn đề vô cùng quan trọng đối với mỗi người đẹp. “Mà trong tình hình chung của chúng ta hiện nay luôn gặp những rắc rối về vấn đề này. Để đưa một thí sinh đến đấu trường quốc tế đơn vị cử đi buộc phải mua bản quyền tham dự với số tiền không nhỏ. Thí sinh có thể bỏ tiền thì không đủ tiêu chuẩn. Thí sinh đủ tiêu chuẩn thì không có tiền. Thậm chí ngay cả chuyện trang phục cũng vất vả, cuống cuồng thì mong gì có một hành trang đầy đủ tự tin để bước ra thế giới ứng thí?!”- Phúc Nguyễn phân tích.

Nhan sắc Việt không thua kém. Nhưng hạn chế và nguyên nhân “trắng tay” chính là từ sự chuẩn bị thiếu tính chuyên nghiệp từ chúng ta. Việc quản lý và đào tạo người đẹp của chúng ta hiện nay, hầu như mọi thứ chỉ là tự phát. Và nói như Phúc Nguyễn, “Người đẹp Việt rất dễ có những ảo tưởng, được nuông chiều nên không có sự phấn đấu liên tục để học tập và phát huy khả năng cũng như rèn luyện để trở thành những người đẹp “có tầm” thật sự”.

Nam Phương