Tại sao điện ảnh thế giới có một mùa phim hè tệ hại?
(Dân trí) - Mùa hè này, người xem điện ảnh dường như đang quay lưng với rạp chiếu, khiến các “ông lớn” trong giới làm phim đứng ngồi không yên vì những bộ phim bom tấn đồng loạt hóa thành… bom xịt. Có điều gì đang thay đổi trong thị hiếu của người xem điện ảnh?
Mùa hè là mùa của các bom tấn điện ảnh. Tuy vậy, sau một năm kỷ lục ăn nên làm gia chưa từng thấy hồi năm 2015, thì một loạt những phim bom tấn của mùa hè năm 2016 đồng loạt… “tịt ngòi”.
Ngay cả những phim siêu anh hùng vốn có “thâm niên” ăn khách cũng trở nên sáo mòn và khiến người xem có phần bị “ngấy”, có lẽ, đã đến lúc các siêu anh hùng cũng thấy mệt và muốn… nghỉ ngơi.
“Biệt đội cảm tử” là bộ phim rình rang mặt báo nhất mùa hè này, bởi hiếm khi có một bộ phim bom tấn nào lại có thể đồng loạt bị chê nặng nề tới vậy trên các trang bình phim. Đây là bộ phim bom tấn “tịt ngòi” cuối cùng của mùa phim hè ảm đạm năm nay. Đã có chuyện gì xảy ra với đời sống điện ảnh trong mùa hè này?
“Phát ngấy” vì siêu anh hùng
Kể từ khi biệt đội siêu anh hùng Avengers xuất hiện và tạo nên một loạt phim ăn khách, các studio khác cũng hồ hởi học theo và đưa các nhân vật điện ảnh đình đám của các loạt phim riêng lẻ vào cùng tụ hội trong các bộ phim được thực hiện theo dạng “nồi lẩu thập cẩm”.
Năm nay, ý tưởng “nồi lẩu” siêu anh hùng của Warner Bros đã bị sụp đổ. Trong khi những nhân vật siêu anh hùng của Marvel như Đại úy Mỹ Captain America, Người Sắt Iron Man… vẫn tiếp tục chinh phục phòng vé, thì những siêu anh hùng của DC Comics như Người Dơi Batman, Siêu nhân Superman lại quá ì ạch.
Các hãng phim luôn chạy theo thị hiếu người xem để hốt bạc, Warner Bros cũng làm vậy, nhưng không thành công. Hai bộ phim bom xịt “Batman v Superman: Dawn of Justice” (Batman đại chiến Superman: Ánh sáng công lý) và “Suicide Squad” (Biệt đội cảm tử) đã cho thấy rằng người xem cần những điều mới lạ hơn, để sự hứng thú của họ được nối dài.
Giờ đây, Warner Bros cần phải “tính kế” cho hai bộ phim điện ảnh tiếp theo làm về siêu anh hùng - “Wonder Woman” và Liên minh Công lý “Justice League” - ra mắt vào năm 2017, để tránh khỏi những thất vọng như loạt phim bom xịt năm nay.
Gia vị Á Đông rập khuôn công nghiệp
Thị trường điện ảnh ảnh Châu Á đang được các hãng phim Hollywood quan tâm đề cao hơn bao giờ hết bởi thị trường này quá sôi động, mở rộng, phát triển không ngừng.
Doanh thu từ các phòng vé Châu Á không hề nhỏ, nếu một phim bị “thất sủng” ở Mỹ thì vẫn có cơ “ăn nên làm ra” nếu tạo được hiệu ứng tốt ở phòng vé Châu Á.
Sự toan tính này đã thể hiện ở cách tuyển chọn diễn viên cho những bộ phim ra mắt trong mùa hè năm nay, các phim như “Independence Day: Resurgence” (Ngày độc lập 2: Tái chiến) hay “Now You See Me 2” (Phi vụ thế kỷ 2) đều có những diễn viên gốc Á, những đoạn hội thoại bằng ngôn ngữ Á, đưa vào nét văn hóa - ẩm thực Á, và thực hiện cảnh quay tại các địa danh du lịch nổi tiếng của Châu Á…
Giờ đây, xu hướng đưa vào phim Mỹ một vài nét Á Đông đã quá quen thuộc và phổ biến, tuy vậy, những cách thêm thắt này đã quá cũ mòn, thiếu sáng tạo.
Người xem điện ảnh Châu Á đã dần khắt khe hơn, sau nhiều năm “nếm thử” những gia vị Châu Á trong phim Mỹ và đã quá quen thuộc với những mô-típ lặp đi lặp lại, họ không còn hồ hởi đổ ra rạp chỉ vì một chút cái Tôi Á Đông được xoa dịu nữa.
Khi một bộ phim bom tấn không thể khiến những yếu tố văn hóa gia giảm trong phim trở nên nhuần nhuyễn, hấp dẫn, mà ngược lại, ngay lập tức bị những người xem sành sỏi “bắt bài”, vậy thì, sẽ không chỉ khán giả phương Đông thờ ơ mà ngay cả khán giả phương Tây cũng bị “mếch lòng”.
Tựu trung, những bộ phim bom tấn pha chút chất Á Đông đang dần khiến người xem cảm thấy quá rập khuôn công nghiệp đến phát nhàm.
Phim lẻ cũng… “ngắc ngứ”
Tiếp nối xu hướng phim điện ảnh dài kỳ, nhiều hãng phim cũng tham vọng tung ra những tập phim lẻ mới mẻ với kỳ vọng phim sẽ thành công và mở ra một loạt phim dài kỳ theo sau.
Mùa hè này, hãng phim Universal đặt kỳ vọng vào “Warcraft: The Beginning” (Warcraft: Đại chiến hai thế giới) nhưng bộ phim phiêu lưu giả tưởng đã trôi tuột đi mà không hề để lại dấu ấn trong lòng người xem.
Warner Bros cũng hy vọng “The Legend of Tarzan” (Huyền thoại người rừng) sẽ làm nên chuyện, nhưng rồi doanh thu cũng gây thất vọng.
Những phim lẻ ăn khách duy nhất của hè này, đủ sức tạo hiệu ứng cho loạt phim dài kỳ theo sau, chỉ có “The Secret Life of Pets” (Đẳng cấp thú cưng) và “Lights Out” (Ác mộng bóng đêm). Điều này cho thấy phim hoạt hình và kinh dị vẫn là hai thể loại có truyền thống ổn định nhất về mặt doanh thu.
Nhạt nhòa những phần phim tiếp theo
Trong khi phần tiếp theo của “Finding Nemo” (Đi tìm Nemo - 2003) là “Finding Dory” (Đi tìm Dory) đạt được doanh thu khủng, thì những phần phim tiếp theo khác đã không may mắn được như vậy trong mùa hè này.
Thực tế, nhiều phần phim tiếp theo khác đã phải hứng chịu ê chề, với những “Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows” (Ninja Rùa: Đập tan bóng tối), “Alice Through the Looking Glass” (Alice ở xứ sở trong gương), “The Huntsman: Winter’s War” (Thợ săn: Cuộc chiến mùa đông)…
Thậm chí ngay cả những phần phim vốn được xem là đình đám như “X-Men: Apocalypse” (Dị nhân: Khải huyền), “Ice Age: Collision Course” (Kỷ băng hà: Trời sập) cũng bị “thất sủng”, đủ cho thấy người xem điện ảnh đã thực sự ngán những loạt phim tiếp theo đến mức nào.
“Tiếng lành đồn xa” và tiếng xấu cũng đồn xa
Điểm mấu chốt của sự thất bại trong mùa phim hè năm nay chính là phim không hay. Cuộc chiến tranh giành người xem của các rạp chiếu với các trang phim trực tuyến đang trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.
Phần thắng ở năm ngoái tạm nghiêng về phía rạp chiếu, khi ngoài rạp có những phim đáng để khán giả ra rạp, như “Star Wars: The Force Awakens”, “Jurassic World”, “Inside Out”, “The Martian”… nhưng mùa phim hè năm nay lại chứng kiến một sự thụt lùi về chất lượng phim.
Trong khi người xem vẫn tìm đọc các bài bình phim để biết có nên ra rạp, bỏ tiền, bỏ thời gian xem một bộ phim nào đó hay không, thì việc một bộ phim được giới phê bình khen ngợi và được khán giả đánh giá cao vẫn còn có tầm quan trọng rất lớn.
“Tiếng lành đồn xa” đã giúp “Finding Dory” (Đi tìm Dory), “Captain America: Civil War” (Captain America: Nội chiến), “The Secret Life of Pets” (Đẳng cấp thú cưng), “Zootopia” (Phi vụ động trời)… đạt doanh thu khủng, bởi khi một bộ phim hay thật và được người này “rỉ tai” người khác, “tiếng lành” lan xa, đó mới là cách quảng cáo hiệu quả nhất.
Ngược lại, những phim có doanh thu “bết bát”, gây thất vọng của mùa phim hè năm nay, đều đã sớm bị chê bai, chỉ trích trên các trang bình phim, khiến người xem cũng ít nhiều “nao núng” khi quyết định có nên ra rạp xem phim đó nữa hay không.
Ngoài ra, sự thành công của những bộ phim ra mắt từ trước mùa hè này, như “Zootopia” (Phi vụ động trời), “The Jungle Book” (Cậu bé rừng xanh), “Deadpool” (Quái nhân)… đã cho thấy sự dịch chuyển về mùa ở ngoài phòng vé.
Mùa hè và mùa Giáng sinh đã không còn là hai thời điểm “hái ra tiền” của các rạp chiếu nữa. Nếu trước nay, các hãng phim chỉ nhằm vào hai mùa này để ra mắt những bộ phim kinh phí lớn, thì khán giả bây giờ ra rạp xem phim quanh năm, và chỉ cần có phim hay là họ đi xem, chứ không còn chờ tới đúng nghỉ hè hay nghỉ đông mới rục rịch ra rạp.
Bích Ngọc
Tổng hợp