Tại sao con người... hôn nhau?
(Dân trí) - Loài người có nhiều kiểu hôn với nhiều thông điệp khác nhau, dành cho những đối tượng khác nhau. Có nụ hôn vì tình yêu, có nụ hôn là tình thân, có nụ hôn như lời chào, có nụ hôn thay lời tạm biệt.
Trước nay, nụ hôn đã luôn là đề tài thu hút sự quan tâm nghiên cứu của... các nhà khoa học. Có khá nhiều giả thuyết về nguồn gốc của nụ hôn, về lý do con người trao nhau nụ hôn.
Một số nhà khoa học tin rằng hôn là một hành động đòi hỏi con người phải... học hỏi, bởi có khoảng 10% loài người không hôn bao giờ trong suốt cả cuộc đời. Một số nhà khoa học lại tin rằng hôn là một hành động có tính bản năng.
Khi xét tới nguồn gốc của nụ hôn, một số nhà khoa học đề cập tới những giao tiếp xúc giác đầu tiên khi một đứa trẻ chào đời, đó là động tác trẻ bú mẹ. Những động chạm gắn bó đầu tiên của cuộc đời gắn với đôi môi của đứa trẻ, khi trẻ bú mẹ.
Đó là một ký ức thiêng liêng nằm sâu trong tiềm thức và về sau này, nụ hôn với những động chạm lên đôi môi là một cách biểu đạt cho những điều thân thiết, gần gũi nhất đối với một con người.
Một số nhà khoa học lại tin rằng nụ hôn có nguồn gốc từ hành động mớm mồi của chim mẹ dành cho chim con, hay từ hành động tác mớm thức ăn của những bà mẹ thời tiền sử cho con của mình. Động tác mớm thức ăn này cho tới nay vẫn còn được lưu giữ ở các loài linh trưởng. Quan sát những hành động gắn bó đầy yêu thương ấy, con người tạo ra nụ hôn để biểu đạt tình cảm.
Giáo sư nhân chủng học William Jankowiak làm việc tại Đại học Nevada Las Vegas (Mỹ) chia sẻ: "Mấu chốt của việc con người hôn hoặc không hôn nằm ở chỗ con người nghĩ ra rất nhiều cách để biểu đạt tình cảm của mình, và nụ hôn cũng chỉ là một cách mà thôi".
Trên thế giới có rất nhiều kiểu hôn tồn tại trong những nền văn hóa khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất ở nụ hôn dù thực hiện theo cách thức nào, đó là ý nghĩa của khoảnh khắc, để người ta thể hiện sự gần gũi, thân mật, để truyền đạt những thông điệp không lời dành cho nhau.
Nụ hôn: Hành động độc đáo riêng có ở con người
Thực tế, nụ hôn là một hành động độc đáo riêng có ở con người. Nhà khoa học người Anh Melissa Hogenboom từng có một chia sẻ rất... đậm chất khoa học khi nói về nụ hôn của loài người, theo đó, bà cho rằng một trong những lý do khiến con người trao nhau nụ hôn là để đôi bên có thể cảm nhận về... mùi của nhau một cách rõ rệt hơn.
Mùi riêng ở một cá nhân có thể tiết lộ rất nhiều thông tin về người đó một cách nhanh chóng, như chế độ ăn, tình trạng sức khỏe, trạng thái cảm xúc, sự tương hợp giữa đôi bên... Các loài động vật sinh sống trong môi trường tự nhiên có khứu giác rất thính nhạy, nên chúng có thể nắm bắt được những thông tin về đối phương một cách dễ dàng.
Theo bà Melissa Hogenboom, chính vì loài người xa xưa muốn cung cấp thông tin cho đối phương một cách hiệu quả và thân mật nhất, nên đã sáng tạo ra nụ hôn.
Những tài liệu cổ xưa nhất nói về nụ hôn từng được tìm thấy tại Ấn Độ, những tài liệu này có niên đại lên tới 3.500 năm. Một số nhà nhân chủng học tin rằng nụ hôn bắt nguồn từ văn hóa cổ xưa tại Ấn Độ đã được truyền sang Châu Âu sau khi Alexander Đại đế chinh phục một số vùng đất thuộc miền bắc Ấn Độ ngày nay.
Từ khi biết tới nụ hôn, người La Mã rất thích hôn và đã sáng tạo ra nhiều kiểu hôn với những thông điệp khác nhau: có nụ hôn lên tay, nụ hôn lên má, lên môi... Nụ hôn lên môi lại có nhiều cách thể hiện để dành cho những mối quan hệ khác nhau.
Những nghiên cứu về nụ hôn đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ thứ 19, điều đó cho thấy giới khoa học từ lâu đã rất quan tâm tới nụ hôn.
Dù vậy, nụ hôn thực ra cũng không phải là điều phổ biến trên toàn thế giới, người dân ở nhiều nền văn hóa không bày tỏ tình cảm của họ bằng nụ hôn. Giáo sư nhân chủng học William Jankowiak cho biết rằng chỉ có khoảng 46% dân số trên thế giới biểu đạt tình yêu đôi lứa bằng nụ hôn mà thôi.